|
Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ngày 13/8/1945. (Ảnh tư liệu BTLSQG). |
- Ngày 13/8/1910, ngày sinh họa sĩ Trần Văn Cẩn. Là một trong "bộ tứ danh họa" lẫy lừng “Nhất Trí (Nguyễn Gia Trí), nhì Lân (Nguyễn Tường Lân), tam Vân (Tô Ngọc Vân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn)”, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã mang đến cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, nửa đầu thế kỷ XX, một phong cách sáng tạo nghệ thuật rất riêng và giàu bản sắc dân tộc. Nhiều tác phẩm của ông được coi là mẫu mực của nền hội họa hiện đại Việt Nam như: “Em Thúy”, “Gội đầu”, “Xuống đồng”, “Tát nước đồng chiêm” hay “Nữ dân quân vùng biển”… Trong đó, bức tranh “Em Thúy", sáng tác năm 1943, được coi là đỉnh cao nghệ thuật Trần Văn Cẩn và cũng là một trong những đỉnh cao của nền hội hoạ Việt Nam. Bức tranh “Em Thúy” đã được công nhận là Bảo vật quốc gia và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1996, họa sĩ Trần Văn Cẩn được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
- Ngày 13/8/1945, Lệnh tổng khởi nghĩa toàn quốc. Vào lúc 23h ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số I, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc. Quân lệnh viết: “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh! Phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng! (...). Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta". Ngay sau khi quân lệnh được ban bố, ở khắp các tỉnh thành, quân đội, nhân dân đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Các chiến sĩ quân giải phóng tấn công tước vũ khí quân đội Nhật. Công nông binh trí thức, cả những người tầng lớp tư sản, tiểu tư sản cùng giương cao khẩu hiệu, biểu ngữ ủng hộ Việt Minh, ủng hộ khởi nghĩa, tạo nên dòng thác cách mạng, đập tan các lớp thống trị của phong kiến - đế quốc. Từ Quân lệnh số 1, chỉ trong vòng 15 ngày, cuối tháng 8/1945, tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền cả nước về tay nhân dân.
- Từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào. Tham dự Hội nghị có đại biểu các Đảng bộ địa phương và một số đại biểu hoạt động của nước ngoài. Hội nghị họp đúng vào tình thế Cách mạng trở nên khẩn trương, như Nghị quyết hội nghị vạch rõ: "Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi... Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi chờ khởi nghĩa giành quyền độc lập". Sau khi phân tích tình hình thế giới và trong nước, bản Nghị quyết đề cập tới hàng loạt các vấn đề cụ thể và cấp bách như: Công tác ngoại giao, tuyên truyền cổ động, nhiệm vụ quân sự, kinh tế, giao thông, vận động các giới, đảng phái. Hội nghị cũng thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, coi đó là một mục tiêu cơ bản và trước mắt của toàn Đảng, toàn dân.
- Ngày 13/8/1962. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Hội nghị cán bộ công đoàn cơ sở toàn miền Bắc. Nói chuyện với Hội nghị cán bộ công đoàn cơ sở toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn tổ chức và phát triển lực lượng xây dựng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt... Lênin có nói: Công đoàn là trường học của chủ nghĩa cộng sản. Muốn thực hiện lời dạy đó phải thấm nhuần và giáo dục cho công nhân thấm nhuần ý thức làm chủ tập thể, cần kiệm xây dựng nước nhà. Nâng cao nhiệt tình lao động và tôn trọng kỷ luật lao động. Đẩy mạnh thi đua yêu nước. Ra sức giúp đỡ nông dân cải tiến kỹ thuật canh tác, củng cố hơn nữa khối công nông liên minh. Chống tệ quan liêu, tham ô, lãng phí”.
- Ngày 13/8/1976, ngày mất của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh năm 1892, quê ở Thuận Lễ, Tân An, tỉnh Long An. Tên tuổi của ông gắn với tác phẩm “Dạ cổ hoài lang”. Từ bài vọng cổ này đã hình thành dòng nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ thắm đượm lòng người và tình yêu quê hương đất nước. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 8/12/2013. “Dạ cổ hoài lang” đã đi vào lịch sử âm nhạc dân tộc, trở thành bài vọng cổ được yêu thích cho tới hôm nay.
|
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Sự kiện quốc tế:
- Ngày 13/8/1926, Ngày sinh lãnh tụ Cuba Fidel Castro. Lãnh tụ Fidel Castro thuộc lớp các nhà cách mạng kiệt xuất từng cống hiến đời mình cho lý tưởng tự do và giải phóng dân tộc. Ông là vị lãnh tụ đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại ngay từ khi khi còn sống.
Fidel Castro đã lãnh đạo cuộc chiến tranh du kích hai năm trước khi lật đổ nhà độc tài Fulgencio Batista vào tháng 1/1959. Sau đó, trên cương vị là Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sảng Cuba và Chủ tịch Cuba, ông đã nỗ lực để ban hành chính sách miễn phí y tế và giáo dục cho người dân, đồng thời phát triển thể thao, văn hóa và khoa học.
Ngày 25/11/2016, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Cuba đã mãi ra đi. Với những cống hiến trọn đời cho đất nước Cuba, Fidel Castro mãi mãi là lãnh tụ, là linh hồn của cách mạng Cuba, là vị Tổng Tư lệnh kính yêu của nhân dân Cuba và nhân dân lao động toàn thế giới.
Ngày 13/8/1960, Cộng hoà Trung Phi giành được độc lập từ Pháp.