Sự kiện trong nước
- Ngày 14/2/1941, đội du kích Bắc Sơn được thành lập trong một buổi lễ tổ chức tại rừng Khuôi Nọi (xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thay mặt trung ương Đảng công nhận, trao nhiệm vụ và lá cờ đỏ sao vàng cho đơn vị vũ trang đầu tiên của Đảng.
|
Đồng chí Phùng Chí Kiên (1901-1941), một trong những chỉ huy đầu tiên của đội du kích Bắc Sơn. Ảnh: BTLS
|
Đội du kích Bắc Sơn gồm 32 đồng chí, do đồng chí Chu Văn Tấn và đồng chí Lương Văn Tri chỉ huy (từ tháng 6/1941 do Phùng Chí Kiên chỉ huy). Tuy vũ khí chỉ có mấy khẩu súng trường, súng kíp và dao găm nhưng các chiến sĩ đều nêu cao tinh thần cứu nước và ý thức kỷ luật, thể hiện ở lời thề danh dự: “Không phản Đảng/Tuyệt đối trung thành với Đảng/ Kiên quyết chiến đấu và trả thù cho các đồng chí bị hy sinh/Không hàng giặc/Không hại dân".( (*) Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr. 52-53.)
Trong thời gian tiến hành Hội nghị Trung ương 8, Tiểu đội du kích Bắc Sơn được giao nhiệm vụ cùng lực lượng du kích Pác Bó bảo vệ Hội nghị, Đội du kích Bắc Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
- Ngày 14/2/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi “Lời cảm ơn đồng bào” đăng trên Báo Cứu quốc số 163:
“Nhân dịp Tết, đồng bào từ Nam chí Bắc, cá nhân và đoàn thể, các cụ già và các trẻ em, các đồng bào dân tộc thiểu số, các kiều bào ở Lào, ở Xiêm và ở Trung Quốc đã gửi cho hơn hai nghìn bức điện và thư để chúc tôi năm mới.
Lại có người gửi cho cam, mứt, bánh chưng, dưa cải, mùi soa, v.v..
Tiếc vì bận việc không thể cảm ơn từng người, tôi xin tất cả đồng bào nhận lời cảm ơn chung với lòng thân ái của tôi”.
(Theo Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 201)
- Ngày 14/2/1947: Diễn ra trận đánh chợ Đồng Xuân - trận đánh lớn của quân, dân Hà Nội trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là trận đánh lớn nhất của Liên khu I trong suốt 60 ngày đêm kìm chân địch tại Hà Nội đã thể hiện khí phách anh hùng và sự kết hợp giữa lòng quả cảm với trí thông minh, sáng tạo của các chiến sĩ cảm tử Thủ đô và của nhân dân ta. Tuy chiếm được chợ Đồng Xuân, song hơn 200 tên địch đã bị loại khỏi vòng chiến đấu.
|
Nguồn ảnh: nhandan.vn |
- Ngày 14/2/1952: Báo Nhân dân số 45 đã đăng bài viết Tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh C.B. Trong bài viết, Người nêu rõ mục đích khi tiến hành tự phê bình và phê bình là: đoàn kết nội bộ từ trên đến dưới, làm cho công việc tiến hơn; thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân; sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm (thí dụ: bệnh quan liêu, mệnh lệnh, xa quần chúng, v.v.). Những cuộc tự phê bình và phê bình cần nhằm đúng mấy điểm: Đoàn kết chặt chẽ cán bộ trong Đảng, ngoài Đảng và toàn dân; Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần thi hành nghiêm chỉnh và triệt để chính sách của Đảng và Chính phủ; Theo đường lối quần chúng, vượt mọi khó khǎn, để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, t.7, tr317-319)
- Ngày 14/2/1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu chuyến thăm Myanmar. Tổng thống Myanmar U Vin Môn (Mahn Win Maung) trong lời chào mừng tại sân bay nêu rõ: “Nhân dân Miến Điện tôn kính và hâm mộ Chủ tịch, chẳng những vì rằng Ngài đã suốt đời trung thành phấn đấu cho độc lập tự do của nhân dân các nước thuộc địa, mà còn vì sự cống hiến cao cả của Ngài như một vị lãnh tụ vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng và giải phóng ở Đông - Nam Á châu. Do phẩm cách đáng kính, tấm lòng cương trực và thái độ khiêm tốn của Chủ tịch, Ngài sẽ chinh phục lòng yêu của mọi người nhân dân Miến Điện; và cuộc đến thăm của Ngài sẽ củng cố thêm nữa tình hữu nghị sẵn có giữa hai nước chúng ta...”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, trang 346)
|
Bác trên con thuyền truyền thống của Myanma. Ảnh tự liệu |
- Ngày 14/2/1965: Bác Hồ gửi thư khen ngợi quân và dân Quảng Bình, Vĩnh Linh, Nghệ An đã chiến đấu dũng cảm; đã bắn chìm một tàu biệt kích Mỹ ngày 1/2/1965, và trong những ngày 7, 8, 11 tháng 2 năm 1965 đã bắn rơi 22 máy bay Mỹ và bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống một tên thiếu tá phi công Mỹ; thắng lợi đó đã làm nức lòng nhân dân ta trong cả nước. Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các đơn vị và cá nhân đã lập được chiến công; và gửi lời thăm hỏi tất cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, công an nhân dân vũ trang, dân quân tự vệ, cán bộ và đồng bào các vùng bị giặc bắn phá đã đoàn kết chiến đấu tốt.
- Ngày 14/2/1968 được chọn là ngày truyền thống Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không - Không quân. Sư đoàn 375 được thành lập ngày 7/2/1968 tại xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ngày 14/2/1968, Sư đoàn ra quân đánh thắng trận đầu, bắn rơi 1 máy bay A-6A của đế quốc Mỹ. Để ghi nhận chiến công đó, ngày 15/1/1992, Tư lệnh Quân chủng Phòng không ký Quyết định số 48/QĐ-PK lấy ngày 14-2 làm ngày truyền thống của Sư đoàn 375.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, Sư đoàn Phòng không 375 có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn bảo vệ các mục tiêu trọng yếu trên địa bàn chiến lược các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 14/2: Ngày Valentine - ngày lễ tình yêu, ngày lễ tình nhân. Đây là dịp lễ khá đặc biệt ở một số nước phương Tây; là dịp để cho trai gái biểu lộ tình cảm, hay là cơ hội để các bạn trẻ tỏ tình với đối phương của mình. Vào ngày này, người ta tặng nhau chocolate, hoa hồng đỏ cùng những tấm thiệp thể hiện tình yêu thương.../.