Ngày này năm xưa: 16/9

Thứ hai, 16/09/2024 08:15
(ĐCSVN) - Ngày 16/9/1972 Thành cổ Quảng trị được giải phóng. Cuộc chiến đấu anh dũng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử như bản tráng ca hào hùng của quân và dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung.
Các chiến sĩ giải phóng dũng cảm đánh phá đồn địch trên điểm cao 365 (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị)_Ảnh: TTXVN 

Sự kiện trong nước:

- Ngày 16/9/1820: Ngày mất của đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Người đã có nhiều đóng góp cho kho tàng văn học nước nhà, tiêu biểu là tác phẩm Truyện Kiều.

Nhằm tôn vinh những cống hiến to lớn của đại thi hào Nguyễn Du đối với văn hóa dân tộc và những giá trị cốt lõi của nhân loại, năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm Ngày sinh đại thi hào dân tộc Nguyễn Du cùng với 8 danh nhân văn hóa khác trên toàn thế giới.

Năm 2013, Đại Hội đồng UNESCO quyết định vinh danh đại thi hào Nguyễn Du cùng 107 danh nhân văn hóa của nhân loại.

- Ngày 16/9/1950, Mở màn chiến dịch biên giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến trận địa, quan sát trận công kích Đông Khê mở màn Chiến dịch Biên giới. Trước đó, Bác đã đến thăm Trung đoàn 296 Đoàn Sông Lô, giao nhiệm vụ: Phải đánh thắng trận mở màn của Chiến dịch Biên giới. Sau 29 ngày đêm, ngày 14/10/1950, chiến dịch kết thúc thắng lợi. Quân và dân ta loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 tiểu đoàn, với trên 8.000 quân, thu trên 3.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh; giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), mở thông giao lưu quốc tế. Chiến dịch thắng lợi đã làm thay đổi cục diện chiến tranh: ta bước sang giai đoạn chiến lược phản công và tiến công, Pháp chuyển dần sang chiến lược phòng ngự. Các kế hoạch quân sự, chính trị của Pháp cơ bản bị phá sản. Đây là thất bại chưa từng có trong lịch sử chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp lúc bấy giờ.

- Ngày 16/9/1972 Giải phóng Thành cổ Quảng trị. 81 ngày đêm (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972) chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị của quân và dân ta là 81 ngày đêm lịch sử, hào hùng, ác liệt, đầy hy sinh và mãi mãi bất tử, ghi dấu ấn sâu đậm vào lịch sử dân tộc như một chiến thắng vẻ vang, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay 1 đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót.

50 năm đã trôi qua, khúc tráng ca của 81 ngày đêm lịch sử đã lùi xa, những dấu tích về trận đánh không còn nhiều, nhưng mảnh đất năm xưa, con người năm ấy mãi mãi được khắc ghi như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Poster Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone (Ảnh tư liệu) 

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 16/9 hằng năm là Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone. Hoạt động này được tổ chức nhằm tăng cường sự hiểu biết về Nghị định thư Montreal, nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng ozone tới các cấp, các ngành, cộng đồng và toàn xã hội.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực