Ngày này năm xưa: 19/7

Thứ sáu, 19/07/2024 07:45
(ĐCSVN) - Ngày 19/7/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 130/SL, một văn bản riêng quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Sự kiện này đã đánh dấu sự ra đời của Ngành Thi hành án dân sự.

Sự kiện trong nước

 - Ngày 19/7/1925, Bản Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo được công bố trên Báo Thanh Niên xuất bản tại Quảng Châu (Trung Quốc). Tuyên ngôn kêu gọi “cần phải đoàn kết các dân tộc bị áp bức và toàn thể công nhân trên thế giới lại để làm cách mạng”. Trong đó, có đoạn:  “Hỡi hết thảy những người bị áp bức, anh em! Nếu bọn đế quốc áp bức chúng ta và đối xử với chúng ta như loài vật, đó là vì chúng ta không đoàn kết! Nếu chúng ta đoàn kết chúng ta sẽ trở nên đáng gờm... Chúng ta nên sớm kết đoàn lại! Hãy hợp lực để đòi quyền lợi và tự do của chúng ta! Hãy hợp lực để cứu lấy nòi giống chúng ta…

Các bạn thân yêu! Đoàn kết của chúng ta sẽ làm nên sức mạnh. Nó đủ để đánh tan bọn đế quốc. Muốn vượt qua vòng nô lệ, chúng ta chỉ có thể cậy vào sức của mình mà thôi. Toàn thể các dân tộc bị áp bức, toàn thể thợ thuyền trên trái đất đang bị cướp công, hãy kết đoàn với chúng tôi làm cuộc cách mạng tối thượng”. ( Hồ Chí Minh Toàn tập, 2011, t.2, tr.498-500).

- Ngày 19/7/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 130/SL, một văn bản riêng quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Sự kiện này đã đánh dấu sự ra đời của Ngành Thi hành án dân sự. Để ghi nhận bề dày truyền thống, sự lớn mạnh, trưởng thành của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, ngày 05/3/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QĐ-TTg công nhận ngày 19/7 hàng năm là Ngày truyền thống Thi hành án dân sự.

Hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Thi hành án dân sự tại Đà Nẵng. Ảnh:Vân Anh 

Ngày truyền thống Thi hành án dân sự thể hiện ghi nhận của Chính phủ với hệ thống tổ chức thi hành án dân sự. Đồng thời, nhằm giáo dục truyền thống, động viên phong trào thi đua yêu nước, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức và người làm công tác thi hành án dân sự; tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án dân sự, gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

- Ngày 19/7/1947, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập cơ quan Nhà nước của ta phụ trách công tác thương binh - đó là Bộ Thương binh và cựu binh. Bác sĩ Vũ Đình Tụng được cử làm Bộ trưởng đầu tiên.

Bộ Thương binh và cựu binh có nhiệm vụ: Phát triển phong trào ủng hộ thương binh, xây dựng chính sách thương tật, hưu bổng, trợ cấp cho gia đình liệt sĩ, tìm việc làm cho thương binh; tổ chức các trại thương binh, an dưỡng cho thương binh; lập xưởng chế tạo dụng cụ chuyên môn cho thương binh...

Những năm về sau Bộ Thương binh và cựu binh đổi tên là Bộ Thương binh. Và sau này Bộ Thương binh sáp nhập với Bộ Lao động để thành Bộ Lao động - thương binh và xã hội.

- Ngày 19/7/1967: Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn Không quân tiêm kích thứ 3 mang phiên hiệu Trung đoàn 925. Hiện nay, đơn vị trực thuộc Sư đoàn 372 (Quân chủng Phòng không Không quân) hiện đóng quân trên địa bàn xã Cát Tân (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). 

Trải qua chặng đường hơn 55 xây dựng, chiến đấu, huấn luyện, đào tạo và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã không ngừng phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang của Đảng, Quân đội, Quân chủng Phòng không Không quân, luôn đoàn kết, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, xây dựng Trung đoàn vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong Quân chủng Phòng không - Không quân nói riêng, lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam nói chung.

- Ngày 19/7/1960, Bác Hồ tới dự và nói chuyện với Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh lần thứ 6. Sau khi đánh giá tình hình sản xuất và đời sống của Nhân dân trong tỉnh, Bác căn dặn hai việc lớn, các xí nghiệp phải thi đua thiết thực: Thi đua tốt là phải nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Bốn chữ ấy đi liền với nhau. “Nhanh, nhiều nhưng không tốt, không rẻ là không được”.

 Hình ảnh Bác Hồ thăm và nói chuyện tại Đại hội đại biểu Công đoàn Thanh Hoá lần thứ VI, năm 1960. Ảnh tư liệu. 

Bác nhấn mạnh về việc cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp, trong đó công nhân phải tham gia quản lý xí nghiệp, cán bộ phải cùng ǎn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc với công nhân. Bác khẳng định: “Nếu cán bộ cùng lao động với công nhân thấy thiếu cái gì, công nhân có ý kiến gì, là có thể thương lượng, bàn bạc, giải quyết được ngay. Nếu cán bộ thực hiện được 4 cùng nhất định phong trào thi đua yêu nước sẽ sôi nổi, sẽ thành công”.

- Ngày 19/7/2009, khởi công xây dựng cầu Rồng tại Đà Nẵng. Cây cầu được khánh thành đưa vào sử dụng vào ngày 29/3/2013 với kinh phí 1.500 tỷ đồng. Cầu dài 666m; rộng 37,5m; với 6 làn xe chạy.

Cầu mô phỏng hình dáng rồng thời Lý mạnh mẽ vươn ra biển lớn, tượng trưng cho khát vọng vươn cao của thành phố biển miền Trung . Cây cầu không những là biểu tượng kiến trúc độc đáo của Đà Nẵng, mà nó còn đạt kỷ lục Guinness thế giới, được mệnh danh là “con rồng thép lớn nhất thế giới”, và lọt vào top 20 cây cầu đẹp nhất thế giới do CNN bình chọn vào tháng 07/2014. 

Cầu Rồng không những đem lại vẻ đẹp về hình dáng, cũng như tiện ích đi lại, mà còn điểm nổi bật để thu hút mọi người chiêm ngưỡng rồng phun lửa, phun nước vào lúc 21 giờ mỗi tối thứ Bảy, Chủ nhật. Đây là niềm tự hào của Đà Nẵng và cả nước, góp phần thúc đẩy du lịch ngày càng phát triển. 

Sự kiện quốc tế

- Ngày 19/7/1900: Tuyến tàu điện của hệ thống tàu điện ngầm Paris - Metro Paris được khánh thành. Métro Paris là một trong những biểu tượng của thủ đô nước Pháp; là một trong những  hệ thống tàu điện ngầm tấp nập nhất châu Âu với toàn bộ tuyến tàu dài hơn 214km, đi qua 300 nhà ga.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực