Ngày này năm xưa: 20/10

Chủ nhật, 20/10/2024 07:45
(ĐCSVN) - Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) được thành lập và để đánh dấu sự kiện quan trọng này, Đảng ta đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống, kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày Phụ nữ Việt Nam".

Sự kiện trong nước:

- Ngày 20/10/1914: Ngày sinh của đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên Cộng sản đầu tiên. Là người được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp dìu dắt từ tuổi thiếu niên, sớm được gặp các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng, Lý Tự Trọng đã được giác ngộ cách mạng. Khi phong trào cách mạng trong nước phát triển mạnh mẽ, theo sự phân công của tổ chức, Lý Tự Trọng được giao nhiệm vụ làm liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương; đồng thời, vận động, tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để chuẩn bị thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản trong nước.

 Tượng đài Lý Tự Trọng tại công viên mang tên anh ở thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Hoài Thương
 

Anh dũng hy sinh trên mảnh đất Sài Gòn ngày 21/11/1931, người con quê hương Hà Tĩnh sinh ngày 20/10/1914 ra đi ở tuổi 17 - tuổi đẹp nhất của đời người. Lý Tự Trọng đã dâng trọn tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng của Đảng, với tuyên ngôn bất tử “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Tuyên ngôn đó đã trở thành lập trường sống và chiến đấu của lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam sau này. Trải qua các giai đoạn cách mạng, tinh thần Lý Tự Trọng vẫn còn nguyên giá trị, là động lực thôi thúc, cổ vũ thanh niên Việt Nam vững niềm tin theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

- Ngày 20/10/1922: Ngày sinh Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, nguyên Trưởng Ban B.68 Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chính ủy Bộ đội Trường Sơn. Tham gia cách mạng từ năm 1940 và chiến đấu trên nhiều chiến trường trọng yếu, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922 - 1995) tên thật là Lưu Văn Thi, đã có nhiều đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Gần 40 năm chiến đấu trên nhiều chiến trường ác liệt, ông được mệnh danh là “Vị tướng Chính ủy”. Ông là vị tướng quân đội đã vượt đường Hồ Chí Minh trên biển để tham gia mở đường Hồ Chí Minh trên bộ; ông cũng tham gia chỉ huy một trong năm cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bìa một cuốn sách viết về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện. Ảnh: Hoàng Tuyết 

Trong giai đoạn 1978 - 1982, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, giúp nước bạn khôi phục sau nạn diệt chủng Pol Pot; góp phần quan trọng vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia và vào sự nghiệp đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Ông đã được Vương quốc Campuchia truy tặng Huân chương Hoàng gia Sahametrei hạng Nhất. Đây là lần đầu tiên Campuchia truy tặng Huân chương Sahametrei, huân chương cao quý nhất cho người nước ngoài có công lao với đất nước và nhân dân Campuchia.

- Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) được thành lập và để đánh dấu sự kiện quan trọng này, Đảng ta đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống, kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày Phụ nữ Việt Nam". Luôn đồng hành cùng phụ nữ Việt Nam, trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã luôn thể hiện vai trò là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi tầng lớp phụ nữ; khẳng định được tiếng nói đại diện cho giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ.

 Ngày 20 tháng 10 hằng năm là ngày truyền thống, kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam. Ảnh minh họa. Ảnh: Hoàng Triều

- Ngày 20/10/1946, sau 4 tháng 20 ngày thăm Cộng hòa Pháp, Bác Hồ trở về nước, đặt chân lên bến Ngự - Cảng Hải Phòng. Trước khi về Thủ đô Hà Nội vào ngày hôm sau để cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo đất nước bước vào cuộc chiến đấu, Người dành thời gian làm việc, chỉ đạo và động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thành phố. Đây cũng là lần thứ nhất, Hải Phòng được đón Bác về thăm.

Nói chuyện với đồng bào tại cuộc mít tinh do Ủy ban hành chính Thành phố tổ chức tại vườn hoa bên sông Lấp, Người bày tỏ sự hài lòng và biểu dương đồng bào đất Cảng đã hết sức đoàn kết, giữ vững kỷ luật, ra sức ủng hộ Chính phủ, ủng hộ khối liên hiệp quốc dân, giữ vững đê điều, hăng hái theo đời sống mới… Người động viên, căn dặn: “Hải Phòng có nhiều công việc khó khăn, song nhờ các cụ, các anh chị em tự vệ, công an chịu khó đoàn kết nên đã qua cơn sóng gió, đồng thời giúp vào việc kiến thiết, giúp Chính phủ, giúp nước như thế là rất quý. Vì vậy, nhờ các cụ đi trước làm gương, anh chị em đồng tâm hiệp lực thì chắc chắn thành phố Hải Phòng sẽ trở thành thành phố gương mẫu của nước ta”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ chào cờ trong buổi đón Người tại bến cầu Ngự ngày 20/10/1946, khi Người từ Pháp trở về. Ảnh Tư liệu

- Ngày 20/10/1950, tại thôn Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên giữa chiến khu Việt Bắc, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định sáp nhập 2 tờ báo “Vệ quốc quân” và “Quân du kích” thành một tờ báo thống nhất của Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đặt tên là Báo Quân đội nhân dân.

Từ ngày số đầu tiên vào ngày 20/10/1950, thực hiện đúng đường lối chính trị là một tờ báo của Đảng trong lực lượng vũ trang, Báo Quân đội nhân dân không ngừng lớn mạnh, phát triển cả về quy mô, lực lượng, phương tiện và loại hình báo chí. Từ một tờ báo phát hành nội bộ trong lực lượng vũ trang, tháng 11/1956, Báo Quân đội nhân dân đã phát hành ra toàn dân; từ xuất bản 03 kỳ trong tuần, phát triển thành nhật báo từ 19/5/1965, đồng thời mở rộng phát triển thêm nhiều ấn phẩm khác, như: Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, Nội san Thông tin viên, Báo Quân đội nhân dân Điện tử…  

- Ngày 20/10/1995, tại 36 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội đã khánh thành bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Có diện tích 4.500 mét vuông, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam là trung tâm nghiên cứu về phụ nữ, nơi giữ gìn, bảo quản tài liệu, hiện vật và các bộ sưu tầm hiện vật, thể hiện vai trò của phụ nữ trong tiến trình lịch sử - văn hoá của dân tộc Việt Nam. Bảo tàng cũng là trung tâm hoạt động văn hoá, truyền thống kiến thức về gia đình và xã hội cho phụ nữ; là nơi giao lưu văn hoá giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ thế giới.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 20/10/1973: Khánh thành Nhà hát Opera Sydney Australi sau 15 năm xây dựng. Nhà hát Opera Sydney (Nhà hát Con Sò) có trị giá 80 triệu USD, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Đan Mạch Jørn Utzon. Công trình nổi tiếng với kiến trúc mái hình học, công trình này có một số khán phòng lớn và là nơi tổ chức trung bình 3.000 sự kiện mỗi năm. Ngày nay, Nhà hát Opera vẫn là địa danh nổi tiếng nhất của Sydney và được cả thế giới biết đến./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực