Ngày này năm xưa: 20/4

Thứ bảy, 20/04/2024 08:15
(ĐCSVN) - Ngày 20/4/1963, Bác Hồ về thǎm Bệnh xá Vân Đình, huyện Ứng Hòa (sau là Nhà thương Vân Đình). Trong buổi nói chuyện với các thầy thuốc và nhân viên trạm xá, Người cǎn dặn: "Trong công tác phục vụ, cần coi trọng cả hai mặt vật chất và tinh thần. Có thầy thuốc hay, thức ǎn ngon, còn cần phải có thái độ phục vụ tốt, coi người bệnh như ruột thịt".

Sự kiện trong nước

- Ngày 20/4/1963, Bác Hồ về thǎm Bệnh xá Vân Đình, huyện Ứng Hòa (sau là Nhà thương Vân Đình). Trong buổi nói chuyện với các thầy thuốc và nhân viên trạm xá, Người cǎn dặn: "Trong công tác phục vụ, cần coi trọng cả hai mặt vật chất và tinh thần. Có thầy thuốc hay, thức ǎn ngon, còn cần phải có thái độ phục vụ tốt, coi người bệnh như ruột thịt".

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch thăm Bệnh xáVân Đình ngày 20/4/1963.  Ảnh:  Bảo tàng Hồ Chí Minh.
 

Kết thúc buổi nói chuyện, Người dặn dò: "Cán bộ, nhân viên bệnh xá phải đoàn kết với đồng bào chung quanh, đoàn kết anh chị em trong cơ quan, tránh tự kiêu, tự phụ, luôn luôn cố gắng làm tốt công việc hơn nữa. Tỉnh uỷ và nhất là Huyện uỷ ứng Hoà phải chú ý giúp đỡ Bệnh xá Vân Đình giữ vững lá cờ đầu của ngành y tế, phát huy được nhiều tác dụng hơn nữa". 

Ghi sâu những lời dạy ân cần, quý báu của Bác, Nhà thương Vân Đình coi đây là phương châm hành động, là mục tiêu để phấn đấu vươn lên. Trải qua nhiều thời kỳ với những khó khǎn, phức tạp nhưng cán bộ nhân viên, thầy thuốc Nhà thương Vân Đình đã không ngừng phấn đấu xây dựng nhà thương ngày một vững mạnh hơn trên các mặt cơ bản.

- Ngày 20/4/1963, tập thể cán bộ, công nhân viên xí nghiệp X40 (nay là Công ty may 40) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Đơn vị đầu tiên được đón Bác vào thăm là tổ quân hàm, rồi Bác đến thăm phân xưởng giầy da, phân xưởng làm giầy; sau khi đi thăm khu vực sản xuất, nhà ăn, Bác đến thăm nhà mẫu giáo của xí nghiệp, thăm hỏi các cô nuôi dạy trẻ và chia kẹo cho các cháu. Buổi trưa hôm đó, bên gốc cây thông xanh tươi trước khu nhà văn phòng, Người dành hơn 1 giờ đồng hồ để gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, công nhân viên xí nghiệp.

Bác rất hoan nghênh thành tích làm công tác quần chúng và phát triển Đảng bộ, cǎn dặn mọi người thi đua sản xuất, tǎng nǎng xuất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ các mặt hàng phục vụ quân đội, lãnh đạo xí nghiệp phải chǎm lo đời sống của công nhân viên chức.

Ngày 20 tháng 4 năm về sau trở thành ngày truyền thống hàng năm của Công ty May 40 Hà Nội.

- Ngày 20/4/1972, quân và dân huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã bắn rơi một máy bay F4. Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 3.500 bị bắn rơi trên miền Bắc nước ta. Với thành tích này, quân và dân huyện Minh Hóa được Chủ tịch Tôn Đức Thắng gửi thư khen.

Trong hai lần chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, quân và dân Quảng Bình đã bắn cháy, bắn rơi 704 máy bay, kể cả máy bay B52, F111, bắn cháy, bắn chìm 86 tàu chiến địch.

- Ngày 20/4/1976, Báo Nhân dân chính thức được in, phát hành số báo đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ. 

Theo đó, một năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị Trung ương Ðảng, Ban Biên tập báo Nhân Dân đã tổ chức in số báo Nhân Dân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 20/4/1976.

Ngày 20/4 trở thành ngày truyền thống của Nhà in báo Nhân Dân tại TP Hồ Chí Minh. Kể từ ngày đó, Nhà in báo Nhân Dân TP Hồ Chí Minh không ngừng phát triển và hiện đại hóa, hoàn thành tốt nhiệm vụ in và phát hành báo Ðảng đồng thời tham gia in hàng chục tờ báo và ấn phẩm khác, góp phần tích cực vào việc tạo ra những sản phẩm văn hóa lành mạnh ở địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

*Ngày 20/4/1996: Ngày mất của Thượng tướng Trần Văn Trà. Ông tên thật là Nguyễn Chấn, sinh năm 1919 tại làng Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ như: Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban quân sự bốn bên tại Sài Gòn (1973); Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh và là Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định sau ngày giải phóng (1974 – 1975); Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 (1976 – 1978);  Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng khóa III, IV (Tháng 5/1978 – 1982)… 

Thượng tướng Trần Văn Trà là một nhà lãnh đạo, một vị tướng có tư duy chính trị quân sự sắc sảo ở tầm chiến lược. Ông cũng là người luôn gắn bó, sâu sát với thực tiễn chiến trường, đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang trong chiến tranh nhân dân ở miền Nam, trong lãnh đạo và chỉ đạo tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung cũng như các lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói riêng. 

Ghi nhớ những công lao và đóng góp của Thượng tướng Trần Văn Trà, tên ông hiện được đặt cho nhiều con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 20/4/1972, Tàu Apollo 16 đến Mặt Trăng. Sau 3 ngày được tên lửa đẩy Saturn V phóng lên không gian, Tàu vũ trụ Apollo 16 mang theo 3 nhà du hành vũ trụ đã tiếp cận với Mặt Trăng. Trong thời gian ở trên Mặt Trăng, các nhà du hành vũ trụ trên tàu đã thực hiện các công việc nghiên cứu, khảo sát, thu thập mẫu vật với sự trợ giúp của một chiếc xe nhỏ. 

Phi hành gia Charles Duke của tàu Apollo-16 khi đang thu thập dữ liệu trên mặt trăng. 

Ngày 27/4/1972, phi hành đoàn tàu Apollo-16 đã trở về Trái đất khi đổ bộ an toàn xuống Thái Bình Dương. Trong chuyến thám hiểm này các nhà du hành đã mang về Trái Đất 94,7 kg đất đá từ Mặt Trăng để nghiên cứu.

- Ngày 20/4/2015: Nhật Bản khánh thành nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt nước.  Hai nhà máy điện mặt trời đầu tiên trên mặt nước đã chính thức khai trương tại tỉnh Hyogo, miền Trung Nhật Bản, với tổng công suất 2,9 MW, nhà máy tại hồ Nishihira có công suất 1,7MW và nhà máy tại hồ Higashihira có công suất 1,2 MW. Được lắp đặt vào tháng 9/2014 và bắt đầu hoạt động từ tháng 3/2015, tổng sản lượng điện trung bình hàng năm của hai nhà máy này đạt khoảng 3.300 MWh, đủ cung cấp  điện sinh hoạt cho khoảng 920 hộ gia đình. 

Việc triển khai thành công mô hình nhà máy điện nổi đã tạo điều kiện quan trọng để các mô hình sản xuất điện năng tái sinh tiếp tục ra đời, mở ra một kỷ nguyên cho năng lượng tái sinh./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực