Ngày này năm xưa: 20/6

Thứ năm, 20/06/2024 08:30
(ĐCSVN) - Ngày 20/6/1949, với bút danh Lê Quyết Thắng, Bác Hồ đã tập hợp những bài viết đăng trên Báo Cứu Quốc thành một cuốn sách mang tên là “Cần, kiệm, liêm, chính”.

Sự kiện trong nước

- Ngày 20/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi gửi nhân dân thế giới”, nêu rõ ý nghĩa cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và kêu gọi nhân dân Pháp, nhân dân châu Á, các nhân sĩ dân chủ trên thế giới hãy cùng hành động với nhân dân Việt Nam. 

Với nhân dân Pháp, thư viết: “Vận mệnh của nhân dân Việt Nam và vận mệnh của nhân dân Pháp rất quan hệ với nhau... Chúng tôi rất mong các bạn cùng chúng tôi hành động để ngăn trở bọn thực dân phản động phá hoại cái lý tưởng chung, lợi ích chung, và tình nghĩa của hai dân tộc ta”.

Với nhân dân châu Á, thư viết: “Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình Châu Á. Tranh đấu cho tự do độc lập của Việt Nam tức là tranh đấu cho tự do, độc lập của đại gia đình Châu Á. Trước kia, anh em đã đồng tình với chúng tôi. Từ đây mong anh em càng ủng hộ nữa. Với sự đồng tình và ủng hộ của anh em, cuộc kháng chiến cứu quốc của Việt Nam nhất định thắng lợi”.

Còn với “các nhân sĩ dân chủ trên thế giới”, thư kêu gọi: “Mong các bạn lên tiếng ủng hộ hòa bình, ủng hộ chính nghĩa, ủng hộ dân chủ, ủng hộ Việt Nam!”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 181-182).

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (Ảnh tư liệu)  

- Ngày 20/6/1949, với bút danh Lê Quyết Thắng, Bác tập hợp những bài viết đăng trên Báo Cứu Quốc thành một cuốn sách mang tên là “Cần, kiệm, liêm, chính”. Trong đó, Người khẳng định “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc: Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/ Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/Thiếu một mùa thì không thành trời/Thiếu một phương thì không thành đất/ Thiếu một đức thì không thành người”. Xuất phát từ vai trò, vị trí quan trọng có tính quyết định của người cán bộ, đảng viên đối với sự thành bại của cách mạng cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, đó vừa là các phẩm chất đạo đức nền tảng, vừa là tiêu chí hàng đầu mà mỗi cán bộ phải tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên.

- Ngày 20/6/1960, Bác đến dự và nói chuyện với Đại hội Đảng bộ Hà Nội. Người chỉ rõ: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Phải đánh bạt những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, làm cho tư tưởng của chủ nghĩa tập thể thắng lợi, tức là phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ của công, chống tham ô, lãng phí. Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân. Muốn đảm bảo đời sống sung sướng mãi mãi, phải công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, phải xây dựng công nghiệp nặng. Như thế phải vừa cải thiện đời sống, vừa tích luỹ. Cải thiện đời sống từng bước theo khả năng, đồng thời phải tích luỹ để kiến thiết (Hồ Chí Minh toàn tập, tâp10, tr.159-161.) 

- Ngày 20/6/2011, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký ban hành Quyết định số 2180 thành lập Lữ đoàn Tàu ngầm 189 trực thuộc Quân chủng Hải quân. Sự ra đời của Lữ đoàn Tàu ngầm 189 là dấu mốc lịch sử trong lộ trình phát triển của Hải quân Nhân dân Việt Nam; thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 20/6: Ngày Quốc tế Người Tị nạn. Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 20 tháng 6 hàng năm là Ngày Quốc tế Người Tị nạn nhằm nâng cao nhận thức về những khó khăn mà người tị nạn trên khắp thế giới phải đối mặt. Vào ngày này, trên nhiều quốc gia trên toàn thế giới sẽ tổ chức các sự kiện văn hóa ý nghĩa và có tầm ảnh hưởng lớn, với sự tham gia của các quan chức chính phủ, các tổ chức nhân đạo, người nổi tiếng, thường dân và người tị nạn.

 Tượng A.Yersin tại công viên mang tên ông tại bờ biển Nha Trang. Ảnh: Công Thi

- Ngày 20/6/1894: Alexandre Yersin - bác sĩ, nhà vi khuẩn học và nhà thám hiểm người Pháp gốc Thuỵ Sĩ công bố phát hiện vi khuẩn gây bệnh dịch hạch, bệnh “tối nguy hiểm”. Ông cũng là người đầu tiên chứng minh trực khuẩn ở chuột và người bệnh là một, để lý giải phương thức truyền bệnh. Tiếp tục quá trình nghiên cứu, ông đã nhanh chóng điều chế ra huyết thanh ngừa bệnh, và chữa trị thành công. Để ghi nhớ công lao của ông, vi khuẩn được đặt theo tên ông là “Yersinia pestis”. "Cái chết đen" là tên gọi của đại dịch hạch xảy ra ở châu Á và châu Âu, do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra, được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại. Với những khám phá của Alexandre Yersin, nền y học không còn phải lo sợ trước chứng bệnh truyền nhiễm này nữa.

- Ngày 20/6/1861, nhà sinh hóa người Anh Frederick Gowland Hopkins ra đời tại Eastbourne, East Sussex, nước Anh. Ông là người đã giành được giải thưởng Nobel Sinh lý học và Y học vào năm 1929 cùng với bác sĩ người Hà Lan Christiaan Eijkman nhờ việc phát hiện ra “vitamin”, một thành phần dinh dưỡng thiết yếu giúp duy trì sức khỏe của con người và các loài động vật./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực