Ngày này năm xưa: 20/7

Thứ bảy, 20/07/2024 07:15
(ĐCSVN) - Ngày 20/7/1954: Trải qua 75 ngày đàm phán với 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp rất căng thẳng, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh ở Đông Dương được ký kết đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam.

Sự kiện trong nước

- Ngày 20/7/1885: Chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Đông đến ga cuối cùng tại trung tâm thành phố Mỹ Tho, đánh dấu sự ra đời của ngành đường sắt Việt Nam. Tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho được đánh giá là giúp thay đổi hẳn tư duy giao thông của người Việt vào cuối thế kỷ 19 khi chỉ có hai phương tiện là ngựa và ghe thuyền.

Một chuyến tàu chờ đợi để khởi hành Sài Gòn - Mỹ Tho vào ngày 20/7/1885, ngày mở đầu của tuyến đường sắt. Ảnh: Maison Asie-Pacifique (MAP). 

Tuyến đường sắt có tổng cộng 15 ga. Xe lửa xuất phát từ ga Sài Gòn (công viên 23/9 ngày nay) đi qua An Đông, Phú Lâm, An Lạc, Bình Điền. Trên Quốc lộ 1, xe lửa dừng lại ở các ga: Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Cầu Voi, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Trung Lương và kết thúc tại ga Mỹ Tho.

Năm 1958, tuyến đường sắt này đã bị chính quyền Sài Gòn cũ cho ngưng chạy. Với 73 năm tồn tại, tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho đã tác động mạnh vào đời sống, tình cảm, tập quán, văn hóa... của người dân Nam bộ, đặc biệt là khu vực phía bắc sống Tiền.

- Ngày 20/7/1939: Nhà xuất bản Dân chúng phát hành cuốn sách Tự chỉ trích của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương với bút danh là Trí Cường. 

Tác phẩm Tự chỉ trích gồm các phần: 1. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng; 2. Bài học về cuộc tuyển cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ; 3. Đấu tranh về bảo vệ đường lối Mặt trận Dân chủ của Đảng chống tả khuynh và hữu khuynh; 4. Tóm tắt đường lối chiến lược và sách lược của Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

“Tự chỉ trích” có ý nghĩa và tác dụng quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng trong Đảng; tác phẩm chỉ rõ những nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân ta trong cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, hoà bình. Đây thực sự là một công cụ sắc bén trong cuộc đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng, làm cho Đảng ngày càng thống nhất về tư tưởng và hành động, quần chúng nhân dân càng tin tưởng vào đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng.

 Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sỹ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ảnh tư liệu 

- Ngày 20/7/1954: Trải qua 75 ngày đàm phán với 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp rất căng thẳng, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh ở Đông Dương được ký kết. 

Hiệp định gồm những nội dung cơ bản: Các bên tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của các nước Việt Nam, Lào và Campuchia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước đó; Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn Đông Dương, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương; Thực hiện tập kết, chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định. 

Ở Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 (dọc sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời cùng với một khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến. Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ở phía Bắc, quân đội Liên hiệp Pháp tập kết ở phía Nam vĩ tuyến 17; thời hạn di chuyển hoàn toàn lực lượng hai bên không vượt quá 300 ngày. Sau 2 năm quân Pháp phải rút hết khỏi Việt Nam và nhân dân Việt Nam sẽ Tổng tuyển cử thống nhất đất nước…

Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Hội nghị Genève là dấu mốc lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam: đánh bại đế quốc Pháp, giải phóng miền Bắc, tạo điều kiện để xây dựng miền Bắc vững mạnh thành hậu phương của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi đó góp phần phát triển cách mạng ở Lào và Campuchia, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc thúc đẩy quá trình sụp đổ tận gốc chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới.

Ngày 20/7/1958, Bác Hồ dự Hội nghị phát động phong trào thi đua sản xuất vụ mùa của tỉnh Phú Thọ. (Ảnh tư liệu)
 

- Ngày 20/7/1958, Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ. Người  đã họp với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, dự “Hội nghị phát động phong trào thi đua sản xuất vụ mùa của tỉnh Phú Thọ” và nói chuyện với hơn 2.000 cán bộ từ tỉnh đến xã. Tại đây, Bác căn dặn Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh: “Trong kháng chiến, đồng bào và cán bộ Phú Thọ đã có nhiều thành tích vẻ vang, đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Bắc nước ta. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng hòa bình, đồng bào và cán bộ phải phát triển truyền thống anh dũng ấy, ra sức thi đua khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo vụ mùa thắng lợi, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước. Làm được như thế, là đồng bào và cán bộ Phú Thọ thiết thực góp phần xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, trang 504)

- Ngày 20/7/1962: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sỹ quan, hạ sỹ quan Cảnh sát nhân dân. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 20/7 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam.

Trong suốt chặng đường vẻ vang của mình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với lý tưởng cách mạng, với lợi ích dân tộc gắn bó máu thịt với nhân dân, đã lập nên nhiều thành tích, chiến công xuất sắc trên các mặt công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý, xứng đáng “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân quên thân phục vụ”.

Chương trình nghệ thuật về những đóng góp to lớn của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

- Ngày 20/7/1974, tại khu căn cứ Suối Bà Chiêm, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, Quân đoàn 4 (còn gọi là Binh đoàn Cửu Long) chính thức được thành lập. Với chức năng là quả đấm chủ lực mạnh, lực lượng cơ động của Bộ Quốc phòng ở chiến trường B2, nhiệm vụ của Quân đoàn 4 là tiêu diệt quân địch, giải phóng nhân dân, làm nòng cốt cho lực lượng vũ trang 3 thứ quân, làm chỗ dựa vững chắc cho lực lượng đấu tranh chính trị của quần chúng, đảm nhận một hướng chiến lược, một khu vực chiến trường, mục tiêu cuối cùng là giải phóng Sài Gòn. Quân đoàn cũng là lực lượng nòng cốt bảo vệ biên giới Tây Nam và cơ động làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Quân đoàn 4 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Sự kiện quốc tế

Bức ảnh Buzz Aldrin đứng trên Mặt Trăng do Neil Armstrong chụp. Ảnh: NASA. 

- Ngày 20/7/1969 ghi dấu trong lịch sử nhân loại khi tàu Apollo 11 hạ cánh xuống Mặt Trăng. Phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin trở thành những người đầu tiên đi trên Mặt Trăng.  "Một bước chân nhỏ của con người, một bước nhảy vọt của nhân loại", đó là câu nói nổi tiếng của Neil Armstrong khi anh đặt những bước chân đầu tiên trên Mặt Trăng./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực