Ngày này năm xưa: 20/8

Thứ ba, 20/08/2024 07:30
(ĐCSVN) - Ngày 20/8/1888 là ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc ta.

Sự kiện trong nước

- Ngày 20/8/1888: Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc ta.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm Nhà trẻ 20/10 (Hà Nội), ngày 26/9/1977, nhân dịp Tết Trung thu. Ảnh: Kim Hùng/TTXVN  

Với 92 năm tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, Chủ tịch Tôn Đức Thắng được Đảng, Nhà nước phân công giữ nhiều trọng trách quan trọng, trong đó có 9 năm làm Phó Chủ tịch nước (1960 - 1969), 11 năm làm Chủ tịch nước (1969 - 1980), 26 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1951 - 1977) và nhiều trọng trách quan trọng khác. Ở bất cứ cương vị nào, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng nêu tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy phấn đấu quên mình để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Sau khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua đời (30/3/1980), ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước có nhiều đường phố đẹp, nhiều trường phổ thông trung học được vinh dự mang tên Bác Tôn. Để ghi nhận công lao to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đảng và Nhà nước ta trao tặng Đồng chí Huân Chương Sao Vàng, Nhà nước Mông Cổ trao tặng Huân chương Xukhe Bato, Liên Bang Xô Viết trao giải thưởng Hòa bình quốc tế Lê Nin. Ở thành phố Odessa-Ukraina có con đường mang tên Tôn Đức Thắng.

- Ngày 20/8/1941: Hoàn thành xây dựng cầu chữ Y ở Sài Gòn. Cầu có ba nhánh như hình một chữ Y lớn, độc đáo và nên thơ, nối liền , nối các quận nội thành với vùng phía nam TP Hồ Chí Minh. Chiếc cầu này không những gắn chặt với đời sống người dân Sài Gòn mà còn ghi lại nhiều chiến tích của quân giải phóng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. 

Công trình được xây dựng từ nǎm 1937, khởi công chính thức vào ngày 13/12/1938,  tổng cộng có độ dài 913m. Cầu được nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1948, 1957, 1992. Năm 2006, khi xây dựng đại lộ Đông Tây, cầu Chữ Y cũ bị tháo dỡ và xây dựng cầu mới tại vị trí cũ với độ tĩnh không được nâng cao lên gấp đôi. 

- Ngày 20/8/1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký một loạt các sắc lệnh trong đó có việc ban hành: Huân chương Kháng chiến các hạng để thưởng cho những người có công với quân đội và các hoạt động quốc phòng; sắc lệnh thành lập Trường Y sĩ Việt Nam để đào tạo cán bộ y tế dân y và quân y.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay phi công Đinh Tôn.
 

- Ngày 20/8/1958, hồi 9 giờ 15 phút, từ sân bay Gia Lâm, tổ bay phi công Việt Nam trên chiếc Aero-45 mang số hiệu VN201 do Cơ trưởng Đinh Tôn, Cơ phó Hoàng Liên và phi công dẫn đường Đinh Huy Cận, đã cất cánh bay lên bầu trời Hà Nội. Máy bay lên bầu trời Thăng Long, Hà Nội, rồi hướng về miền Trung thực hiện phương án tác chiến của Bộ Tổng tham mưu trong thời gian ngắn nhất.

Chuyến bay đặc biệt, mang nhiều ý nghĩa quan trọng do tổ bay hoàn toàn phi công Việt Nam độc lập điều khiển, đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ người lái máy bay, tất cả đã sẵn sàng cho các Trung đoàn không quân chuẩn bị hình thành. Ngày 20/8/1958, có thể coi là ngày đầu tiên phi công Việt Nam bay lên làm chủ bầu trời Tổ quốc.

- Ngày 20/8/1959, Bộ Quốc phòng đã ra Nghị định số 427/NĐ thành lập Trường Huấn luyện hàng không, tiền thân của Trường Sĩ quan Không quân ngày nay. 65 năm qua, Trường Sĩ quan Không quân đã không ngừng trưởng thành, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc và giáo dục đào tạo.

- Từ ngày 20 đến ngày 23/8/1981: Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội. Tham dự đại hội có 408 đại biểu, trong đó có 305 đại biểu thiếu nhi, 35 phụ trách đội xuất sắc của các tỉnh, thành phố và 68 đồng chí lãnh đạo hội đồng đội các cấp. Đại hội vinh dự đón Tổng Bí thư Lê Duẩn đến dự và nói chuyện.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 20/8: Ngày quốc khánh Hungary.

- Ngày 20/8/1858: Charles Darwin lần đầu tiên công bố học thuyết Tiến hóa thông qua chọn lọc tự nhiên. Theo Darwin, sự sống trên Trái đất khởi nguồn và sau đó tiến hóa từ một tổ tiên chung vào khoảng 3,8 tỷ năm trước. Sau đó qua chọn lọc tự nhiên, chúng tiến hóa thành các loài khác nhau như hiện nay. Thuyết tiến hóa đã gây ảnh hưởng lớn lao không chỉ tới những nhánh truyền thống của sinh học mà cả trong những ngành hàn lâm khác (như nhân chủng học và tâm lý học) và cả trong xã hội nói chung.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực