Sự kiện trong nước
* Ngày 21/3/1947, trong “Lời cảm ơn đồng bào” (in trong sách Lời Hồ Chủ tịch, Nha Thông tin Việt Nam, 1948, t.1, tr.59), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Khắp mọi nơi, các đoàn thể, các bộ đội, các hội tôn giáo, các cháu thiếu nhi, đều có gửi thư hứa với tôi:
"- Kiên quyết ủng hộ trường kỳ kháng chiến,
- Ra sức thực hành tăng gia sản xuất,
- Hết lòng giúp đỡ đồng bào tản cư,
- Cố gắng phát triển bình dân học vụ".
Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn đồng bào và trịnh trọng hứa với đồng bào rằng Chính phủ quyết làm tròn nhiệm vụ kháng chiến cứu quốc, quyết không phụ lòng trông cậy của quốc dân và quyết tranh lấy quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”.
|
Các pháo thủ Đại đội 21, Trung đoàn 218 đang thực hành huấn luyện trên khí tài. Ảnh: Chí Hòa |
* Ngày 21/3/1958: Ngày thành lập Trung đoàn 218, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không - Không quân) được thành lập tại thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Các đơn vị tiền thân của Trung đoàn gồm: Tiểu đoàn súng máy 20mm thuộc Trung đoàn bộ binh 44, Sư đoàn bộ binh 328 làm nòng cốt; 3 tiểu đoàn bộ đội địa phương của các tỉnh Hà Đông, Nam Định, Ninh Bình và Đại đội 14 của tỉnh đội Sơn Tây. Về sau, Trung đoàn được bổ sung tiếp 3 đại đội của Trung đoàn 39, Sư đoàn bộ binh 238.
Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Trung đoàn đã cơ động, làm nhiệm vụ trên khắp các chiến trường từ Bắc, Trung, Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Lào. Trung đoàn tham gia đánh 1977 trận, bắn rơi 320 máy bay các loại của đế quốc Mỹ (có 65 chiếc rơi tại chỗ). Với những thành tích tiêu biểu đó, ngày 15/1/1976, Trung đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Hiện nay, Trung đoàn 218 nằm trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 361, làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, bảo vệ khu vực phía Nam - Tây Nam Thủ đô Hà Nội và các mục tiêu được giao. Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; cán bộ, chiến sĩ đơn vị Trung đoàn luôn đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu vươn lên, tích cực huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, cùng với các đơn vị trong Quân chủng bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.
* Ngày 21/3/1961, trong bài nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, nói về công tác lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
“Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân; đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân; đều phải theo đúng chính sách của Đảng và đi đúng đường lối quần chúng.
Do đó mà lãnh đạo phải dân chủ, thiết thực, cụ thể và toàn diện. Phải tránh cách lãnh đạo đại khái, phiến diện, chung chung. Cán bộ phải tuyệt đối tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh, phải hết sức chống bệnh hình thức, chống lãng phí, tham ô.
Trong mọi công việc, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải gương mẫu để lôi cuốn nhân dân cùng tiến bộ”.
(Hồ Chí Minh - toàn tập, tập13, trang 83-84)
|
Bác Hồ thăm đình Tân Trào (tháng 3/1961). Ảnh tư liệu.
|
* Ngày 21/3/1975: Mở màn chiến dịch giải phóng Thừa Thiên - Huế
Ngay khi quân đội ngụy quyền Sài Gòn rút chạy khỏi Tây Nguyên, Bộ Chính trị chỉ thị Quân giải phóng nhanh chóng tiêu diệt lực lượng địch ở Vùng 1 chiến thuật, giải phóng Huế - Đà Nẵng. Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2 được giao nhiệm vụ thực hiện chiến dịch giải phóng Thừa Thiên - Huế.
5h sáng ngày 21/3/1975, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công giải phóng Thừa Thiên Huế. Từ nhiều hướng, quân ta đánh vỡ tuyến phòng ngự của địch, tạo vòng vây kẹp chặt địch ở thành phố Huế và cửa Thuận An. Lúc này, quân, dân các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà nổi dậy chiếm các quận lỵ, nắm chính quyền…
Đến 26/3/1975, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn toàn giải phóng quê hương, đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc, góp phần quyết định vào thắng lợi chiến dịch Huế - Đà Nẵng, tạo đà chiến thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sự kiện quốc tế
* Ngày 21/3: Ngày Quốc tế chống phân biệt chủng tộc. Ngày 21/3 được Đại hội đồng Liên hợp quốc lựa chọn vào tháng 10/1966 để kỷ niệm Ngày quốc tế chống phân biệt chủng tộc nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực chống tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc tồn tại và diễn ra trên khắp thế giới. Ngày này được lập ra để ghi nhớ những sự kiện xảy ra vào ngày 21/3/1960 - tại Sharpevill (Cộng hòa Nam Phi), nơi cảnh sát đã nổ súng và giết hại các sinh viên biểu tình hòa bình chống chế độ Apartheid.
* Ngày 21/3: Ngày Thơ Thế giới. Ngày này có nguồn gốc từ năm 1999, khi Liên hợp quốc quyết định chọn ngày 21 tháng 3 để kỷ niệm và tôn vinh nghệ thuật thơ ca. Quyết định này nhằm tạo ra một ngày đặc biệt để khuyến khích việc sáng tạo, viết thơ, và tạo ra một cộng đồng văn hóa mạnh mẽ hơn.
* Ngày 21/3: Ngày Hội chứng Down thế giới: Từ năm 2012, ngày 21/03 hàng năm đã được Liên hợp quốc công nhận là “Ngày hội chứng Down thế giới”. 21/3 cũng mang hàm ý biểu trưng cho một người mang 3 nhiễm sắc thể số 21, nguyên nhân chính gây nên Hội chứng Down ở người./.