Sự kiện trong nước
- Ngày 21/5/1963: Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V. Người căn dặn: “Bác mong rằng sau Đại hội này, toàn Đảng bộ Nam Định sẽ ra sức khắc phục khuyết điểm, phát triển ưu điểm, đoàn kết một lòng, thực hiện đầy đủ mọi Nghị quyết của Đại hội, biến Nghị quyết đó thành quyết tâm của đảng viên, đoàn viên và đồng bào cả tỉnh, để xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh làm kiểu mẫu cho toàn miền Bắc…”.
Sau đó, Bác đã đến thăm Nhà máy Dệt. Người đi thăm một số phân xưởng, thăm bếp ăn, nhà ăn tập thể, khu nhà ở của công nhân và thăm Bệnh viện tỉnh. Xem triển lãm một số hình ảnh về lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Nam Định, Bác đã ghi lên trang đầu cuốn sổ vàng truyền thống của tỉnh: “Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng Chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V, ngày 21/5/1963. Ảnh tư liệu |
- Ngày 21/5/1972: Ngày bắt đầu Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (diễn ra từ ngày 21/5 đến ngày 15/11/1972). Trải qua 4 đợt chiến đấu, với 244 trận đánh lớn, nhỏ, trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của mùa mưa nhưng quân tình nguyện Việt Nam cùng với quân và dân Lào đã kiên cường, dũng cảm vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, đánh lui các đợt tiến công của địch vào khu vực phòng ngự; đồng thời chủ động phản kích và đưa lực lượng ra tuyến trung gian đánh tiêu hao địch, phá thế tiến công của chúng và cuối cùng đã đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn có tính chất chiến lược của Mỹ và tay sai; giữ vững địa bàn chiến lược trọng yếu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.
Những chiến công vang dội trên Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng đã đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ ở Lào, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng Lào, tạo thế phối hợp trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam. Chiến thắng này cùng với những thắng lợi trong năm 1972, tiêu biểu là chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972 đã góp phần quan trọng buộc Mỹ ký Hiệp định Paris (27/1/1973), rút quân về nước.
- Ngày 21/5/1973: Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/CP quy định về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhân dân. Kể từ đó, ngày 21/5 hằng năm được lấy làm Ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam. Sự ra đời của lực lượng Kiểm lâm trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh, gặp rất nhiều khó khăn đã cho thấy tầm nhìn và sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta với sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng.
|
Lực lượng kiểm lâm (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang) phối hợp tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Kiểm lâm đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành cả về phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; khẳng định được vai trò, vị trí trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
- Ngày 21/5/2000: Khánh thành cầu Mỹ Thuận, cây cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam với chiều dài hơn 1,5km rộng gần 24m cho 4 làn xe bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Cầu Mỹ Thuận được khởi công xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng là một dấu mốc quan trọng trong việc phát triển giao thông đường bộ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo giao thông được thông suốt, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Đây là cây cầu với nhiều điểm đặc biệt như thời gian thi công nhanh chỉ trong ba năm, kỹ thuật cầu dây văng mới nhất ở Việt Nam được áp dụng và bảo đảm an toàn. Với thiết kế vô cùng độc đáo và trang trọng, cầu Mỹ Thuận vượt sông Tiền là một trong những địa điểm thu hút nhiều du khách đến tìm hiểu, chụp ảnh, quay phim lưu niệm và khám phá, trải nghiệm.
|
Cầu Mỹ Thuận nối liền hai tỉnh là Tiền Giang và Vĩnh Long. Ảnh: ITN |
Sự kiện quốc tế
- Ngày 21/5: Ngày Thế giới về Đa dạng văn hóa vì Đối thoại và Phát triển: Năm 2001, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Tuyên bố toàn cầu về Đa dạng văn hóa trong nghị quyết 57/249. Và tại cuộc họp toàn thể Liên hợp quốc tháng 12/2002, UNESCO quyết định lấy ngày 21/5 hàng năm là "Ngày Thế giới về Đa dạng Văn hóa vì Đối thoại và Phát triển". Ngày kỷ niệm này đã tạo cơ hội cho chúng ta hiểu một cách sâu sắc hơn về các giá trị của đa dạng văn hóa và tạo lập một thế giới chung sống tốt đẹp hơn.
- Ngày 21/5/1904: Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) được thành lập tại Paris, Pháp với 7 thành viên ban đầu gồm Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Đây là cơ quan quản lý các bộ môn là bóng đá, bóng đá bãi biển, futsal và thể thao điện tử ở cấp độ thế giới. Hiện, FIFA là cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới với 211 quốc gia thành viên./.