Sự kiện trong nước
- Ngày 21/7/1892, ngày sinh họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Ông là một trong những họa sĩ tiêu biểu của hội họa Đông Dương, là người đầu tiên mang lại vinh quang cho tranh lụa Việt Nam. Với những đóng góp to lớn và mang tính tiên phong trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
- Ngày 21/7/1956, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Nhân dân Việt Nam. Tại đây, Người căn dặn: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân tức là phục tùng chân lý". (Sách Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1956, t.III, tr.301-305)
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thủ đô Yerevan, Armenia, vào ngày 21/7/1959. Ảnh: Đại sứ quán Armenia tại Hà Nội.
|
- Ngày 21/7/1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thủ đô Yerevan, Armenia. Trong chuyến thăm Armenia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ lãnh đạo Đảng Cộng sản Armenia, thăm một nhà máy thủy điện, trại thiếu niên, gặp gỡ với các nhà văn và người dân Armenia. Chuyến thăm lịch sử này đã đặt nền tảng vững chắc cho quan hệ hữu nghị ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Armenia.
- Ngày 21/7/1969: Bác Hồ đã viết thư gửi cho Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ An. Đây là những lời căn dặn cuối cùng của Bác đối với quê hương trước lúc đi xa. Trong thư, Người vui mừng nhận thấy đồng bào, chiến sỹ, cán bộ, đảng viên, đoàn viên tỉnh Nghệ An đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu tốt; cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh đã bước đầu sửa chữa tệ quan liêu, mệnh lệnh, cố gắng đi sát nhân dân để tổ chức vận động nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Người căn dặn phải tích cực thực hiện dân chủ hơn nữa, khôi phục và phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, phấn đấu xây dựng Nghệ An giàu mạnh xứng đáng với truyền thống quê hương. Cuối thư, Người nhấn mạnh: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.
|
Bác Hồ với bà con nhân dân xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: BTHCM |
- Ngày 21/7/1970: Việt Nam và Sri Lanka thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ đó, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước luôn được củng cố và phát triển tốt đẹp.
Sri Lanka là một trong những quốc gia mà Việt Nam đã thiết lập cơ quan đại diện nước ngoài đầu tiên. Đây cũng là quốc gia mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân trên hành trình đi tìm đường cứu nước, cũng là nơi Người đã thăm chính thức trên cương vị Chủ tịch nước. Tình hữu nghị và đoàn kết thủy chung trong sáng đó chính là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hai nước phát triển bền vững trong những năm qua.
Ngày nay, quan hệ hai nước ghi nhận những bước phát triển tích cực, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, tôn giáo, giao lưu nhân dân.
- Ngày 21/7/1975, Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam đã ra nghị quyết, quyết định lấy Bệnh viện Vì Dân làm bệnh viện của Trung ương Cục để điều trị cho cán bộ trung cấp, cao cấp quân sự và dân - chính - đảng, lấy tên gọi là Quân Y viện Thống Nhất. Ngày 1/11/1975, Quân Y viện Thống Nhất bắt đầu tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên. Từ đó đến nay, trải qua 48 năm phát triển, và trưởng thành, lớn mạnh, Bệnh viện Thống Nhất đã trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của nhân dân miền Nam. Cái tên “Thống Nhất” mang đậm dấu ấn về thời khắc lịch sử đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, non sông thu về một mối, đã trở thành niềm tự hào của Bệnh viện gần nửa thế kỷ qua.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 21/7/1970, sau 11 năm xây dựng, đập Aswan tại Ai Cập được hoàn thành. Đập Aswan đã cung cấp điện cho Ai Cập và giúp kiểm soát dòng chảy của sông Nile.
Đập Aswan là một trong những công trình thủy điện lớn nhất thế giới. Đập nước có độ cao 111 m, tổng chiểu dài 3,6 km. Vật liệu kiến trúc để xây đập đủ để xây dựng 17 kim tự tháp. Bắt đầu xây dựng năm 1960 và mất 11 năm, đến năm 1970 con đập mới được hoàn thành./.