Sự kiện trong nước
- Ngày 21/9/1954, Bác Hồ đã viết bức thư “Thư gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam ra Bắc” được đăng trên Báo Nhân dân số 229. Bức thư chưa đầy 200 chữ nhưng chứa đựng tình cảm sâu nặng và sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với đồng bào miền Nam: “Để thi hành hiệp định đình chiến, đồng bào đã tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà... Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập, dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”.
- Ngày 21/9/1959, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về Cách mạng miền Nam, Bác nhắc nhở: “Phải giáo dục cho toàn dân hiểu rõ cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ, tránh chủ quan nóng vội. Ở các vùng rừng núi phải đề cao cảnh giác, phải phát triển mạnh chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Ở thành thị phải tiến hành đánh địch trên mọi mặt (kinh tế, chính trị, quân sự...), phát triển công tác dân vận, địch vận, có như vậy mới bảo vệ được miền Bắc. Phải củng cố tổ chức cơ sở đảng, công tác mặt trận phải làm cho tốt...”.
|
Tác phẩm ảnh "O du kích nhỏ" của nhà báo Phan Thoan.
|
- Ngày 21/9/1965, nhà báo Phan Thoan (phóng viên báo Hà Tĩnh) chụp bức ảnh “O du kích nhỏ” (tên lúc đầu là “Uy thế không lực Hoa Kỳ” hay “Giải giặc lái Mỹ”). Bức ảnh miêu tả nữ dân quân đội mũ cối, vóc dáng nhỏ bé, 2 tay bồng súng áp giải một phi công Mỹ cao lớn hơn cô rất nhiều. 2 nhân vật trong bức ảnh là nữ du kích Nguyễn Thị Kim Lai (ngày đó 17 tuổi, trú xã Phú Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh) và phi công Mỹ William Andrew Robinson (22 tuổi).
Năm 1966, bức ảnh nói trên được đưa ra trưng bày tại một triển lãm ảnh toàn quốc và đã gây được sự xúc động mạnh mẽ cho người xem. Nhà thơ Tố Hữu, sau khi xem xong bức ảnh đã đề tặng 4 câu thơ: “O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/ Ra thế! To gan hơn béo bụng/ Anh hùng đâu cứ phải mày râu!”. Một năm sau đó, bức ảnh được đưa lên tem thư của Bưu điện Việt Nam nhân dịp máy bay thứ 2.000 của Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc và đã được gửi đi 167 nước, trong đó có cả nước Mỹ.
Bức ảnh ấn tượng đó trở nên nổi tiếng và truyền cảm hứng, tạo động lực cho cả dân tộc quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Năm 2007, tác phẩm “O du kích nhỏ” được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, là một trong những kiệt tác của “Trăm năm kiệt tác nhiếp ảnh Việt Nam”.
|
“O du kích nhỏ” được in thành tem, được gửi đi 167 quốc gia trên thế giới. |
- Ngày 21/9/1976: Thành lập Trường Sĩ quan Hóa học (nay là Trường Sĩ quan Phòng hóa). Nhà trường có nhiệm vụ: Đào tạo cán bộ sơ cấp hoá học; đào tạo hạ sĩ quan và nhân viên chuyên môn kỹ thuật Hoá học; tập huấn bổ túc cán bộ trung, sơ cấp hoá học; đào tạo cán bộ hoá học cho Quân đội nhân dân Lào...
- Ngày 21/9/1976: Việt Nam là hội viên chính thức của Nhóm Ngân hàng Thế giới. Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group), thường được gọi tắt là Ngân hàng Thế giới, viết tắt là WB, là một phần của Hệ thống Liên hợp quốc. Đây là một tổ chức tài chính đa phương có mục đích trung tâm là thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội ở các nước đang phát triển bằng cách nâng cao năng suất lao động ở các nước này.
Sự kiện quốc tế:
- Ngày 21/9/1964: Ngày Quốc khánh Cộng hòa Malta.
- Ngày 21/9/1973: Việt Nam chính thức lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ hai nước. Từ đó đến nay, Việt Nam đã cùng Nhật Bản chung tay vun đắp mối quan hệ hữu nghị hợp tác ngày càng bền chặt, thực chất, hiệu quả.
|
Ngày 21/9 là Ngày Quốc tế Hòa bình (International Day of Peace). Ảnh: ITN |
- Ngày 21/9/1981: Ngày Quốc tế Hòa bình (International Day of Peace). Ngày quốc tế hòa bình được Liên hợp quốc khởi xướng vào năm 1981 theo Nghị quyết 36/67 và lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 9/1982. Tới năm 2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức tuyên bố lấy ngày 21/9 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế hòa bình.
Ngày quốc tế hòa bình nhằm tôn vinh và củng cố các lý tưởng hòa bình trong nội bộ các quốc gia và giữa các quốc gia và dân tộc. Ngày kỷ niệm này cũng là lời nhắn nhủ tới mọi người dân trên thế giới về vai trò của Liên hợp quốc trong nỗ lực xây dựng hòa bình, đồng thời cũng là tiếng chuông liên tục nhắc nhở tổ chức này về nghĩa vụ thực hiện các cam kết lâu dài để giành lấy hòa bình cho nhân loại.
- Ngày 21/9/1991: Ngày Quốc khánh Cộng hòa Armenia./.