Ngày này năm xưa: 23/5

Thứ năm, 23/05/2024 07:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ngày 23/5/1950: Hội hữu nghị Việt - Xô (nay là Hội Hữu nghị Việt - Nga) được thành lập, là sự kiện quan trọng đánh dấu mốc son lịch sử trong quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô.

Sự kiện trong nước

- Ngày 23/5/1935, ngày mất của nhà yêu nước N'Trang Long. Ông là tù trưởng dân tộc M'Nông, thuộc tỉnh Đắk Nông, là nhà yêu nước, nổi dậy kháng chiến chống Pháp ở Nam Tây Nguyên đầu thế kỷ 20. Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912 - 1936) là phong trào đấu tranh tự phát chống thực dân Pháp xâm lược của đồng bào các dân tộc ở khu vực Nam Tây Nguyên, do N’Trang Lơng lãnh đạo. Đây là cuộc khởi nghĩa có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất trên địa bàn Tây Nguyên kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm đến thời điểm đó; là ngọn cờ đầu chống Pháp ở Tây Nguyên. 

Tượng đài N'Trang Lơng (Nguồn: Báo Đắk Nông) 

Cuộc khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo đã đánh bại nhiều cuộc tấn công, quét sạch các đồn bốt, phản công bất ngờ hệ thống đồn địch, giải phóng một vùng rộng lớn cao nguyên M’Nông. Chiến công mang tính lịch sử và thành công cao là trận nghi binh tiêu diệt chỉ huy Henri Maitre tại đồn Bu Nôrp diễn ra vào tháng 7/1914. Năm 1935,  giặc Pháp đã bao vây, tấn công bất ngờ vào Bu Par, N’Trang Lơng bị bắt và bị chúng giết hại vào ngày 23/5/1935.

Để phát huy truyền thống lịch sử của anh hùng dân tộc N’Trang Lơng, giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm cho các thế hệ mai sau; nêu cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 100 năm phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức xây dựng tượng đài N’Trang Lơng. Đến năm 2022, Tượng đài N’Trang Lơng được khánh thành nhân Lễ Kỷ niệm 110 năm Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng. 

- Ngày 23/5/1950: Hội hữu nghị Việt-Xô (nay là Hội Hữu nghị Việt - Nga) được thành lập, là sự kiện quan trọng đánh dấu mốc son lịch sử trong quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô. Chủ tịch đầu tiên của Hội là đồng chí Tôn Đức Thắng, một trong những lãnh tụ xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người đồng chí, cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là một người trực tiếp gắn bó với nước Nga khi tham gia cuộc binh biến trên chiến hạm Pháp ở Biển Đen để phản đối cuộc can thiệp của đế quốc chống lại nước Nga Xô-viết.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, trên cơ sở kế thừa tổ chức, kinh nghiệm hoạt động và mục tiêu, nhiệm vụ của Hội Hữu nghị Việt - Xô, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga được thành lập ngày 19/12/1994.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Hội Hữu nghị Việt - Nga nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt - Xô/Ngày truyền thống Hội Hữu nghị Việt - Nga (23/5/1950 - 23/5/2020). 

Hơn 70 năm trưởng thành và phát triển, Hội hữu nghị Việt - Xô, Hội hữu nghị Việt - Nga đã lớn mạnh về tổ chức và trở thành một trong những hội hữu nghị lớn nhất ở nước ta. Hội đã có đóng góp to lớn vào việc củng cố, phát triển và tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô trước đây cũng như nhân dân Liên bang Nga ngày nay cũng như đóng góp hiệu quả vào việc duy trì, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.

- Ngày 23/5/1958, Bác Hồ đến dự và nói chuyện với Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ III. Người nhắc nhở các đại biểu cần vận động bà con nông dân tổ chức nhau lại để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Muốn sản xuất tốt phải chú ý các khâu liên hoàn “nhất nước, nhì phân, tam cần và tứ là cải tiến kỹ thuật”, và giới thiệu một số kinh nghiệm tốt của các nước Trung Quốc, Liên Xô.

Phần cuối bài nói chuyện, Người khẳng định: “Đã hứa thì phải làm, làm thì nhất định phải được. Nông dân ta phải thật sự tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước. Thêm một tấn thóc là thêm một lực lượng trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà, cho nên nói: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” nhằm thúc đẩy quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm của các chiến sĩ thi đua nông nghiệp và nhân dân miền Bắc trong việc thi đua không ngừng tăng gia sản xuất, đẩy mạnh nông nghiệp nước nhà phát triển.

- Ngày 23/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Chủ tịch Thượng nghị viện Chile, một trong những người sáng lập Đảng Xã hội Chile, bác sĩ Salvador Allende. Cuộc gặp gỡ lịch sử với Chủ tịch Hồ Chí Minh là kỷ niệm vô cùng sâu sắc trong cuộc đời và sự nghiệp của Salvador Allende người sau này giữ cương vị Tổng thống của nước Cộng hòa Chile vào năm 1970.

Sau chuyến đi, bác sĩ Allende đã viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là lịch sử, là người con đồng thời là người cha của cách mạng. Cuộc đời gương mẫu và nếp sống giản dị của Người đã khắc sâu trong tâm trí chúng tôi. Quyết tâm của Người được thể hiện qua những câu nói ngắn gọn, giản dị và trong sáng, chứa đựng lòng dũng cảm và ý chí quật cường của các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những điều Chủ tịch nói với chúng tôi và những điều Người nhấn mạnh nói lên quyết tâm của cả một dân tộc, làm chúng tôi hiểu rõ vì sao dân tộc này chiến thắng…” ( Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế, Nxb. Thông Tấn, Hà Nội, 2006, tr.234-235 ).

- Ngày 23/5/1977: Việt Nam và Vương quốc Tây Ban Nha đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đã có nhiều bước phát triển không ngừng. Tháng 12/2009, Việt Nam và Tây Ban Nha nâng cấp quan hệ lên song phương lên đối tác chiến lược. Tây Ban Nha là nước EU đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 23/5/1995: Phát hành phiên bản đầu tiên của ngôn ngữ lập trình Java. Ngày nay Java là một trong những ngôn ngữ lập trình phổ biến trên toàn thế giới.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực