Ngày này năm xưa: 24/5

Thứ sáu, 24/05/2024 07:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ngày 24/5/1944: Ngày mất của đồng chí Hoàng Văn Thụ - người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.

Sự kiện trong nước

- Ngày 24/5/1932: Ngày thành lập tỉnh Gia Lai. Sau nhiều lần thay đổi, sáp nhập, chia tách để thành lập các đơn vị hành chính trên vùng Tây Nguyên, ngày 24/5/1932, tỉnh Pleiku được thành theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương. Địa danh Gia Lai chính thức xuất hiện từ ngày 12/12/1932 với việc Vua Bảo Đại ra Chỉ dụ lập đạo Gia Lai.

Tháng 6/1946, thực dân Pháp chiếm lại vùng đất Gia Lai và đặt tên tỉnh là Pleiku. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tên tỉnh được chính quyền Cách mạng gọi là Gia Lai cho đến năm 1975, nhưng địa giới hành chính của tỉnh có nhiều thay đổi qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Ngày 20/9/1975, theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Ngày 12/8/1991, theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII, Gia Lai - Kon Tum được chia tách thành 2 tỉnh: Gia Lai và Kon Tum như ngày nay.

- Ngày 24/5/1944: Ngày mất của đồng chí Hoàng Văn Thụ - Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. 

Đồng chí Hoàng Văn Thụ (04/11/1909 - 04/11/2019) là người con ưu tú của mảnh đất xứ Lạng trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và nhiệt thành của mình, đặc biệt là trên cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có những đóng góp quan trọng tới thắng lợi của đường lối lãnh đạo của Đảng. 

Tham gia gây dựng, củng cố phong trào cách mạng Việt Nam, tận tụy vì nhiệm vụ, luôn chăm lo tới cơ sở và phong trào cách mạng, giữa lúc phong trào cách mạng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội).

Biết là cán bộ cao cấp của Đảng, Phủ toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh cho Sở mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách bắt đồng chí Hoàng Văn Thụ khai ra cơ quan lãnh đạo Trung ương của Đảng. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn cực hình song vẫn không khuất phục được ý chí, tinh thần cách mạng của người chiến sĩ cộng sản. Trước giờ phút hy sinh anh dũng tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội) vào rạng sáng ngày 24/5/1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nêu cao khí phách của người chiến sĩ cộng sản, hiên ngang trước quân thù, hô vang: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!

Tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ ở thành phố Lạng Sơn.

- Ngày 24/5/1947, tại Hội nghị dân quân, tự vệ, du kích toàn quốc lần thứ nhất tổ chức ở Định Quán, Định Hóa, Thái Nguyên, Tổng quân ủy Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam đã công bố Sắc lệnh của Chính phủ ban hành “Mười lời thề danh dự” và “Mười hai điều kỷ luật dân vận” của đội viên dân quân, tự vệ, du kích. Các văn kiện đó được cán bộ, chiến sĩ quân đội và các đội viên dân quân, tự vệ, du kích thuộc lòng. "Mười lời thề danh dự" được các chiến sĩ quân đội tuyên thệ vào các buổi sáng khi làm lễ chào cờ.

Hiện nay, tuy có thay đổi một số điểm về ngôn từ cho phù hợp, nhưng cốt lõi của Mười lời thề hầu như không hề thay đổi. Mười lời thề thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ trong hành động đời thường cũng như khi đối mặt với quân thù, luôn nêu cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vinh quang mà Đảng, nhân dân giao phó.

- Ngày 24/5/1959: Học viện Nông Lâm (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) có vinh dự lớn được đón Bác Hồ về thăm tại cơ sở Văn Điển. Bác đi thăm từ nơi ở, nhà ăn, nhà trẻ, nhà vệ sinh đến chỗ học, phòng thực tập, trại thực tập thí nghiệm của sinh viên. Sau đó Bác nói chuyện với cán bộ, công nhân viên, giảng viên và sinh viên trong hội trường; khen ngợi sự tiến bộ về học tập, nghiên cứu, lao động, về tư tưởng chính trị của Nhà trường; nhắc nhở thầy trò nhà trường: “Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng để tiến bộ mãi”.

Lời dạy ấy của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của Học viện.Các thế hệ thầy và trò Học viện đã liên tục phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, không ngừng đổi mới và phát triển để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

- Ngày 24/5/1982: Ngày truyền thống Lữ đoàn 490 (Binh chủng Pháo binh). Lữ đoàn 490 là đơn vị Tên lửa chiến lược đất đối đất, có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ trên các địa bàn; tham gia phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh… và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác.

Trải qua 40 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, chung sức, chung lòng, đoàn kết phấn đấu xây dựng Lữ đoàn ngày càng vững mạnh, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, xây dựng nên truyền thống: “Tích cực, chủ động, tiến bộ toàn diện”, góp phần tô thắm thêm truyền thống “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” của Binh chủng Pháo binh Anh hùng...

 Cầu Brooklyn tại Thành phố New York . Ảnh: ITN

Sự kiện quốc tế

- Ngày 24/5/1883: Khánh thành cầu Brooklyn tại Thành phố New York. Được thiết kế bởi John A. Roebling, cầu Brooklyn là cây cầu treo lớn nhất từng được xây dựng cho đến thời điểm đó. Cây cầu với chiều dài chưa từng có và hai tòa tháp trang nghiêm, được mệnh danh là “kỳ quan thứ tám của thế giới”, là biểu tượng của thành phố New York. Cây cầu đã được xuất hiện trong các bộ phim và trên các chương trình truyền hình, cũng như là điểm đến du lịch quen thuộc tại New York.

- Ngày 24/5/1905: Ngày sinh nhà văn Nga Mikhail Sholokhov (24/5/1905 - 2/2/1984).  Ông là một trong những nhà văn lớn nhất của nền văn học Xô Viết, với những tác phẩm đặc sắc như: “Những câu chuyện sông Đông”, “Đất vỡ hoang”, “Số phận con người”, “Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc” và đặc biệt là tác phẩm “ Sông Đông êm đềm”  đoạt giải Nobel văn học 1965. Sách của ông đã được dịch ra 130 thứ tiếng trên thế giới.

- Ngày 24/5/1993: Ngày Độc lập tại Eritrea. Eritrea là một vùng đất có nền văn hoá lâu đời ở châu Phi. Từ cuối thế kỷ XIX Eritrea là thuộc địa của Italia. Năm 1941, Hội quốc liên giao cho Anh quản lý Eritrea. Năm 1950, Liên hợp quốc buộc Anh phải trao trả độc lập Eritrea và đặt Eritrea nằm trong liên bang với Ethiopia. Năm 1952, Liên bang Ethiopia - Eritrea được thành lập. Năm 1962, Eritrea sáp nhập thành tỉnh thứ 14 của Ethiopia. Từ ngày 23 đến ngày 25/4/1993, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc Eritrea tiến hành trưng cầu ý dân về nền độc lập của mình. Ngày 24/5/1993, Eritrea chính thức tuyên bố độc lập./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực