Sự kiện trong nước
- Ngày 24/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minhh gửi thư khen ngợi ông Tôn Thất Phong, một nhân viên hoả xa đã chế được một loại thuốc chống căn bệnh sốt rét. Thư biểu dương: “Thế là ông đã lập được công trong thi đua ái quốc”. Thư còn biểu dương chung đội ngũ công nhân hoả xa với lời căn dặn: “Trong lúc đồng bào không quản lao khổ, anh dũng kháng chiến để tranh độc lập thống nhất cho Tổ quốc, mỗi người cán bộ của ta phải thực hành khẩu hiệu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thì kháng chiến nhất định mau thắng lợi”.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Nhật lệnh trong buổi mít tinh chào mừng tỉnh Bắc Kạn được giải phóng
(Ảnh tư liệu) |
-Ngày 24/8/1949, lễ mừng Ngày chiến thắng tỉnh Bắc Kạn giải phóng được tổ chức trọng thể tại sân bay thị xã Bắc Kạn. Bắc Kạn là thị xã đầu tiên của cả nước được giải phóng là bước ngoặt mở đầu cho những thắng lợi lớn tiếp theo của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy đã đọc Nhật lệnh tuyên dương chiến công của quân và dân Bắc Kạn. Các lực lượng vũ trang và quần chúng tiến hành diễu binh, diễu hành.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi đồng bào tỉnh Bắc Kạn sau khi được giải phóng. Thư Bác có đoạn viết: “…Tôi thay mặt Chính phủ gửi lời thân ái khen ngợi bộ đội và dân quân du kích cùng đồng bào Bắc Cạn. Tôi gửi lời thân ái an ủi đồng bào thị xã Bắc Cạn đã được trở lại trong cánh tay yêu mến của Tổ quốc. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến của ta, lần này là lần đầu tiên một thị xã quan trọng đã được giải phóng. Cuộc thắng lợi này sẽ làm đà cho những thắng lợi khác to lớn hơn, vẻ vang hơn…”.
Sau khi Bắc Kạn được giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng hậu phương đóng góp sức người, sức của, đặc biệt tỉnh đã làm tốt công tác bảo đảm giao thông vận tải phục vụ kháng chiến, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiền tuyến, góp phần cùng cả nước tiếp tục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954.
- Ngày 24/8/1953, trên báo Cứu Quốc của Mặt trận Liên Việt, Bác viết bài “Chủ nghĩa xã hội” nêu lên những đặc điểm cơ bản của “chủ nghĩa xã hội”. Đó là: “Mọi tư liệu sản xuất đều là của chung; lực lượng sản xuất chủ yếu là công nhân và nông dân; thực hiện khẩu hiệu “Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”; sản xuất có kế hoạch; không có sự phân biệt giữa lao động trí óc và lao động chân tay, giữa thành thị và nông thôn”.
- Ngày 24/8/1955, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh đã trực tiếp dự lễ thành lập 2 thuỷ đội Sông Lô và Bạch Đằng - lực lượng tàu chiến đấu mặt nước đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã căn dặn: “Hai thủy đội này là những viên gạch đầu tiên, là tiền thân của lực lượng tàu chiến của Hải quân nhân dân Việt Nam sau này”.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc quyết định thành lập thủy đội Sông Lô, Bạch Đằng ngày 24/8/1955. Ảnh: Tư liệu
|
- Ngày 24/8/1958, Sân vận động Hàng Đẫy nằm trên phố Trịnh Hoài Đức, Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) được khánh thành sau một năm xây dựng, diện tích 21.844 m2. Lễ khánh thành được tổ chức trang trọng với sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ; chương trình đồng diễn thể dục của hàng nghìn người tham dự kết thúc màn xếp chữ THỐNG NHẤT đã thể hiện cho ý chí và sự tin tưởng vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 24/8/1932, nữ phi công Amelia Mary Earhart trở thành người phụ nữ đầu tiên một mình bay ngang qua Đại Tây Dương. Trên chiếc phi cơ cánh quạt, Earhart bay từ Harbor Grace, Newfoundland sang Londonderry, Ireland. Với nhiều kỷ lục được thiết lập Amelia Earhart được mệnh danh là “Nữ hoàng không trung”, cuộc đời bà được dựng thành phim và tại đảo Howland thuộc Mỹ có một ngọn hải đăng mang tên bà.
- Ngày 24/8/1991: Sau cuộc đảo chính tháng Tám, Mikhail Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô.