Sự kiện trong nước
- Ngày 25/7/1938 xuất bản tác phẩm "Vấn đề dân cày" của các đồng chí Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp (ký là Qua Ninh - bút danh của đồng chí Trường Chinh) và Vân Đình (bút danh của đồng chí Võ Nguyên Giáp).
Về tác phẩm này, cuốn Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập 2 - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2008 nhận định: “Vận dụng lý luận của nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc đó và thực tiễn khảo sát đời sống nông thôn, các tác giả đặt vấn đề nghiên cứu thực trạng nông thôn Việt Nam dưới ách áp bức thực dân và phong kiến, đề cập đến vấn đề ruộng đất và dân cày. Cuốn sách phê phán một số nhận thức quan điểm sai lầm đối với dân cày và vạch rõ vị trí của người dân cày trong cách mạng Việt Nam. Cuốn sách lên tiếng tố cáo chính sách phản động của đế quốc phong kiến về ruộng đất, tô thuế, nạn vay lãi nặng... và nêu lên yêu sách của dân cày Đông Dương trước Mặt trận nhân dân”.
|
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật" và tặng hoa chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN |
- Ngày 25/7/1948: Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Hội nghị văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất họp tại làng Dộc Phát, Yên Kỳ, Hạ Hòa, Phú Thọ đã tuyên bố thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam và bầu ra Ban Chấp hành đầu tiên của Hội do nhà văn Nguyễn Tuân làm Tổng Thư ký, nhà thơ Tố Hữu làm Phó Tổng Thư ký.
Hội nghị này chỉ có hơn 80 văn nghệ sĩ dự họp nhưng có tầm vóc như là kỳ Đại hội đầu tiên của tổ chức văn nghệ cách mạng Việt Nam với sứ mệnh tập hợp rộng rãi toàn giới văn nghệ sỹ thuộc mọi thế hệ, các dân tộc, các tầng lớp ở các miền vùng khác nhau trong cả nước Việt Nam độc lập, nhằm đoàn kết cùng toàn dân góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ cách mạng đặt ra, bảo vệ, dựng xây chế độ mới.
Đến nay, tổ chức Hội Văn nghệ Việt Nam đã 3 lần mang tên gọi mới, để phù hợp với sự lớn mạnh, trưởng thành về tổ chức của Hội qua các thời kỳ: Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 - 1957), Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1957 - 1995), Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (từ 1995 đến nay).
- Ngày 25/7/1956, nói chuyện tại Đại hội Liên hoan Thanh niên tích cực ngành Đường sắt, Bác căn dặn “Phải đoàn kết. Đoàn kết giữa thanh niên với nhau, giữa miền Nam với miền Bắc, giữa thanh niên công nhân với công nhân lớn tuổi, phải đoàn kết với nhân dân địa phương nữa. Đoàn kết là sức mạnh. Có tài năng mà không biết đoàn kết thì cũng không thành công”.
Bác cũng căn dặn thanh niên phải cố gắng xung phong làm đầu tàu trong mọi việc, phải cố gắng học tập kỹ thuật, văn hoá, chính trị: “Nếu không học tập văn hoá, không có trình độ văn hoá thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà; nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hoá, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi”.
|
Bác Hồ nói chuyện tại Đại hội Thanh niên tích cực ngành Đường sắt năm 1956. Ảnh tư liệu
|
- Ngày 25/7/1960: Ngày mất nhà vǎn Nguyễn Huy Tưởng. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như: “Vũ Như Tô”, “Đêm hội Long Trì”, “Bắc Sơn”, “Sống mãi với thủ đô”. Ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi đặc sắc: “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Tìm mẹ”, “An Tư công chúa”, “Cô bé gan dạ”… Ông là một trong những người sáng lập và là Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từng tích cực tham gia các phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh ở Hải Phòng; hoạt động Truyền bá quốc ngữ... Năm 1943 ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật. Tháng 8/1945, Nguyễn Huy Tưởng được cử tham dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Cách mạng tháng Tám thành công, ông trở thành người lãnh đạo chủ chốt của hội Văn hóa cứu quốc và là đại biểu Quốc hội khóa 1 năm 1946. Sau 1954, ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từng được trao nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt I, năm 1996.
Sự kiện quốc tế
- Từ ngày 25/7 đến ngày 21/8/1935 tại Mátxcơva (Nga), Đại hội đại biểu lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản được tổ chức. Tham gia Đại hội có 510 đại biểu (trong đó có 371 đại biểu có quyền biểu quyết) của 65 Đảng Cộng sản, đại diện cho 3.141.000 đảng viên trong đó có 785.000 đảng viên ở các nước tư bản chủ nghĩa. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương gồm các đồng chí Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Nõn, Nguyễn Thị Minh Khai.
|
Thẻ của đồng chí Lê Hồng Phong (bí danh Hai An) dự Đại hội VII, Quốc tế Cộng sản (Nguồn ảnh: baoquangbinh.vn) |
Đại hội VII Quốc tế Cộng sản có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và giải phóng dân tộc. Đại hội đã phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin trong hoàn cảnh lịch sử mới, định ra chiến lược, sách lược mới, là kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Đối với những người Cộng sản Việt Nam, Đại hội VII Quốc tế Cộng sản có ý nghĩa vô cùng to lớn, tạo cơ sơ cho Đảng Cộng sản Đông Dương đánh giá đúng những thay đổi của tình hình quốc tế và trong nước, xác định phương hướng, hình thức hoạt động, đưa cao trào cách mạng tiến lên một cao trào mới (1936 - 1939) và tiến tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
- Ngày 25/7/1947, Festival đầu tiên của thanh niên và sinh viên thế giới khai mạc ở Praha, thủ đô của Tiệp Khắc cũ. Đây là ngày hội của tuổi trẻ các nước đấu tranh cho hòa bình và tiến bộ xã hội./.