Ngày này năm xưa: 26/3

Thứ ba, 26/03/2024 08:30
(ĐCSVN) - Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ ba đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 làm ngày thành lập Đoàn hằng năm. Ngày 26/3 trở thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quang vinh.
 Bác Hồ với thanh niên Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Sự kiện trong nước:

- Ngày 26/3/1931: Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Ngay từ rất sớm, Đảng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai (họp từ ngày 20 - 26/3/1931, tại nhà số 236, đường Richaud, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) do đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì đã dành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và chỉ thị cho tổ chức Đảng ở các địa phương phải quan tâm đến việc xây dựng Đoàn Thanh niên. Hội nghị đã quyết định thống nhất các tổ chức Đoàn thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương. Sự phát triển lớn mạnh của Đoàn đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta. Đó là sự vận động khách quan phù hợp với yêu cầu của cách mạng, đồng thời, phản ánh công lao to lớn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã sáng lập và rèn luyện tổ chức Đoàn. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ ba (họp từ ngày 23 - 25/3/1961 tại Hà Nội) đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 (một ngày trong thời gian cuối của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai, dành để bàn bạc và quyết định những vấn đề rất quan trọng đối với công tác thanh niên) làm ngày thành lập Đoàn hằng năm. Ngày 26/3 trở thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quang vinh.

Từ ngày 26/3/1931 đến nay, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Đoàn đã đổi tên nhiều lần:

+ Từ 1931 - 1936: Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương

+ Từ 1937 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương

+ Từ 11/1939 - 1941: Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương

+ Từ 5/1941 - 1956: Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam

+ Từ 25/10/1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam

+ Từ 2/1970 - 11/1976: Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh

+ Từ 12/1976 đến nay: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Phát huy truyền thống vẻ vang trong 93 năm qua, các cấp Đoàn và tuổi trẻ cả nước giữ vững niềm tin sắt son với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, biến những khó khăn, thách thức thành động lực, kiên trì, kiên định thực hiện vị trí, chức năng, vai trò của mình trong hệ thống chính trị; phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; khơi dậy khát vọng dựng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong các tầng lớp thanh thiếu niên và nhi đồng. Luôn tiên phong đi đầu, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, xung kích, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Ngày 26/3/1975: Lá cờ giải phóng chính thức tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng đã cổ vũ mạnh mẽ đối với quân và dân cả nước. Thắng lợi giải phóng Thừa Thiên - Huế đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc Quân khu I và vùng I chiến thuật, giáng một đòn mạnh vào âm mưu có cụm chiến lược của địch ở ven biển miền Trung, tạo đà cho bước chân thần tốc của đại quân ta tiến vào Đà Nẵng và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 26/3/1827: Ngày mất Nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Ludwig Van Beethoven. Beethoven sinh ngày 17/12/1770 tại Bonn (Ðức) và qua đời ngày 26/3/1827 tại Vienna (Áo). Ông được đánh giá là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ và khán giả về sau.

 Nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Ludwig Van Beethoven. Beethoven (Ảnh: Getty Image)

- Ngày 26/3/1953, nhà nghiên cứu y học người Mỹ, Tiến sĩ Jonas Salk, thông báo trên một chương trình phát thanh quốc gia rằng ông đã thử nghiệm thành công một loại vaccine chống lại virus bại liệt (poliomyelitis).

- Ngày 26/3/1979, trong một buổi lễ tại Nhà Trắng, Tổng thống Ai Cập Anwar el-Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin đã ký một hòa ước mang tính lịch sử, kết thúc 3 thập niên thù địch giữa Ai Cập và Israel, đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại giữa hai nước. Và cũng nhờ thành tựu này mà Tổng thống Ai Cập Anwar el-Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin đã trở thành đồng chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 1978./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực