Sự kiện trong nước:
- Tại Bà Điểm, Hóc Môn, ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đã xử bắn các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ (sinh ngày 9/7/1912) - Tổng Bí thư của Đảng; Nguyễn Thị Minh Khai (sinh ngày 1/1/1910) - Xứ uỷ viên Nam Kỳ, Bí thư Thành uỷ Sài Gòn; Phan Đăng Lưu (sinh ngày 5/5/1902) - Uỷ viên Trung ương Đảng; Võ Văn Tần (sinh 1894) - Uỷ viên Trung ương Đảng; Hà Huy Tập - Uỷ viên Trung ương Đảng. Trước họng súng của kẻ thù, các đồng chí bình tĩnh, không chịu bịt mắt và hô lớn những khẩu hiệu tỏ lòng tin tưởng sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
- Ngày 28/8/1945, tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian để soạn thảo văn kiện lịch sử “Tuyên ngôn Độc lập”. Hồi ức của đồng chí Võ Nguyên Giáp viết: Trong căn nhà nhỏ, thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy. Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gì, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử.
|
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang những năm 40 của thế kỷ 20 (Ảnh tư liệu) |
- Ngày 28/8/1945, hai chi đội giải phóng quân đầu tiên tiến vào Hà Nội. Buổi duyệt binh đầu tiên của quân đội cách mạng quần áo còn nhiều kiểu, nhiều màu, vũ khí còn thô sơ, nhưng được nhân dân Hà Nội khâm phục và trìu mến đón mừng.
- Ngày 28/8/1945: Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã ra Tuyên cáo trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ của nước Việt Nam mới. Đó cũng chính là ngày đánh dấu sự ra đời của bộ máy Văn phòng giúp việc cho cơ quan hành chính các cấp. Để ghi nhớ sự kiện này, ngày 22/7/2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 28/8 hàng năm là Ngày truyền thống Văn phòng các Cơ quan hành chính nhà nước.
Sự kiện quốc tế:
- Ngày 28/8/1895, Louis Pasteur từ trần. Ông sinh năm 1822 ở Jura, nước Pháp. Là tiến sĩ vật lý và hoá học, ông trở nên nổi tiếng khi công bố một báo cáo khoa học về tinh thể học. Từ nǎm 1862, ông tập trung nghiên cứu vi sinh vật. Các nghiên cứu của ông về bệnh dại đã gây nên những cuộc bút chiến mạnh mẽ và đã dẫn tới việc điều chế được vắc xin phòng ngừa bệnh dại, khiến ông càng nổi tiếng trên thế giới. Ở thủ đô Hà Nội có một vườn hoa mang tên Pasteur và có tượng của ông.
- Cônxtantin Ximônốp sinh năm 1915 ở Bêtơrôgrát (nước Nga), qua đời ngày 28/8/1979. Ông là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Xô Viết nổi tiếng. Trong những năm chiến tranh ái quốc chống Phát xít Đức xâm lược Liên Xô, ông là phóng viên của báo Sao Đỏ, có mặt ở nhiều chiến dịch quan trọng. Ngoài thơ trữ tình, vở kịch "Những người Nga" và truyện "Ngày và đêm" của ông là hai tác phẩm nổi tiếng của nền văn học Xô Viết trong chiến tranh. Từ lâu, Ximônốp là nhà vǎn gần gũi với bạn đọc Việt Nam qua bài thơ nổi tiếng "Đợi anh về" và vở kịch "Những người Nga". Ông còn viết nhiều bài thơ thể hiện tình cảm thắm thiết với nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là tập thơ "Việt Nam mùa đông năm bảy mươi".
- Ngày 28/8/1828 là ngày sinh của Lev Nikolayevich Tolstoy, ông là nhà văn vĩ đại của người Nga và thế giới. Trong hơn 60 năm cầm bút, ông đã để lại một di sản vǎn học đồ sộ gồm nhiều tiểu thuyết, kịch văn chính luận, nhật ký, thư từ, và Toàn tập Tolstoy, gồm 90 tập. Xuất thân từ tầng lớp đại quý tộc, đến cuối đời, Tônxtôi đã lên án sự bóc lột cùng lối sống xa hoa của giai cấp này và tự nguyện làm luật sư cho triệu triệu dân cày. Các tác phẩm chính của ông gồm: "Phục sinh", "Anna Karêninna", "Chiến tranh và hoà bình", "Đức cha Xécghi"... Ông mất năm 1910./.