Sự kiện trong nước:
- Ngày 7/4/1803, Ngô Thì Nhậm từ trần. Ngô Thì Nhậm sinh năm 1746 tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông đỗ tiến sĩ nhưng thất vọng vì chế độ Lê - Trịnh suy mạt. Đến với Nguyễn Huệ, ông hiến diệu kế "rút quân về Tam Điệp", góp phần đại thắng quân Thanh mùa Xuân nǎm Kỷ Dậu 1789. Ngô Thì Nhậm còn là cây bút tiêu biểu của Ngô Gia vǎn phái và là một nhà ngoại giao tài giỏi thời Tây Sơn.
- Ngày 7/4/1907, ngày sinh Tổng bí thư Lê Duẩn. Đồng chí Lê Duẩn sinh ở xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đồng chí qua đời ngày 10/7/1986, tại Hà Nội. Đồng chí vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1930. Trong gần 60 nǎm hoạt động cách mạng, đồng chí giữ nhiều chức vụ quan trọng: Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Là nhà lãnh đạo lỗi lạc, nhà lý luận sáng tạo, đồng chí Lê Duẩn có nhiều cống hiến to lớn cho cách mạng Việt Nam.
|
Tổng Bí thư Lê Duẩn với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V tại Hà Nội (29.3.1982). (Ảnh: Thế Trung/TTXVN) |
- Trường Quốc học Huế được thành lập từ một Đạo dụ của Vua Thành Thái, vốn có tên là Quốc gia học đường, là trường học theo lối mới sớm nhất và cũng là trường lớn nhất Trung Kỳ. Trường có bề dày đào tạo nhiều trí thức và chính khách nổi tiếng. Ngày 7/4/1927, do thái độ miệt thị của một giáo sư thực dân đối với học sinh, học sinh trường quốc học Huế tổ chức bãi khoá. Sự kiện này đã gây tiếng vang của Trung Kỳ và cả nước. Từ cuộc bãi khoá này, nhiều học sinh ở trường đã bước vào con đường hoạt động cách mạng như: Võ Nguyên Giáp, Hải Triều...
- Ngày 7/4/1965, với bút danh là Lê Nông, trên Báo Nhân Dân, Bác viết bài “Chúng ta rất có thể đạt hơn 5 tấn thóc cả năm/một héc-ta” để biểu dương một số hợp tác xã đã đạt chỉ tiêu này và khẳng định có thể đạt năng suất cao hơn nữa nếu quan tâm đến việc cải tiến khoa học - kỹ thuật, thực hành cần kiệm xây dựng và tự lực cánh sinh, chi bộ lãnh đạo chặt chẽ, đảng viên gương mẫu xung phong, xã viên đoàn kết nhất trí. “Phải coi nhân tố con người là vấn đề số một”.
- Ngày 7/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời các vị trong Bộ Chính trị đến họp tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch và ở lại dùng bữa với Bác. Đây là lần họp cuối cùng của Bộ Chính trị diễn ra khi có Bác.
Sự kiện quốc tế:
- Ngày 7/4/1795, nguyên tắc của các đơn vị bắt buộc về trọng lượng và đo lường đã được ấn định ở nước Pháp do Hội nghị Quốc ước theo sắc lệnh nǎm thứ 3 nước cộng hoà. Lần đầu tiên trên thế giới ra đời định nghĩa có tính pháp lý cho mét và kilôgam. Sau này, mét và kilôgam được sử dụng trên toàn thế giới.
- Ngày 7/4/1921, trên tờ La Revue Communiste (Tạp chí Cộng sản), Nguyễn Ái Quốc đã thẳng thắn phê bình một số đảng cộng sản ở các “cường quốc thực dân” chưa quan tâm nghiên cứu đến vấn đề cách mạng ở các thuộc địa một cách nghiêm túc. Về Đông Dương, bài báo viết: “Đông Dương gồm hai mươi triệu người bị bóc lột, hiện nay đã chín muồi cho một cuộc cách mạng là sai, nhưng nói rằng Đông Dương không muốn cách mạng và bằng lòng với chế độ bây giờ như các ông chủ của chúng ta thường vẫn nghĩ như thế, thì lại càng sai hơn nữa”.
- Ngày 7/4/1948: Thành lập Tổ chức Y tế thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, đóng vai trò điều hòa các hoạt động y tế và chăm lo sức khỏe cho con người trên phạm vi toàn thế giới; hợp tác với các cơ quan của Liên hợp quốc và các chính phủ nhằm tìm cách nâng cao sự hiểu biết trong lĩnh vực y tế, giúp đỡ kỹ thuật cho các nước trong việc bảo vệ sức khỏe con người.
|
Biểu tượng Tổ chức Y tế thế giới |
- Ngày 7/4/1971: Trước áp lực của quần chúng và do chịu thêm nhiều thất bại quân sự, Tổng thống Hoa Kỳ R.Nixon tuyên bố sẽ rút một đợt 10.000 binh lính Mỹ khỏi Việt Nam. Ngay sau đó, cuộc biểu tình quần chúng Mỹ đã nổ ra ở thủ đô Washington với quy mô chưa từng có đòi chấm dứt ngay chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và trên bán đảo Đông Dương./.