Sự kiện trong nước
- Ngày 9/2/1907, Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh - Người cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà chính trị tài ba, nhà tư tưởng, lý luận chính trị kiệt xuất, nhà văn hóa lớn, người con ưu tú của quê hương Nam Định.
|
|
Đồng chí Trường Chinh (1907 – 1988) tên thật là Đặng Xuân Khu sinh ngày 9/2/1907 ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), tỉnh Nam Định trong một gia đình có truyền thống văn hóa giáo dục. Tham gia hoạt động cách mạng từ lúc 18 tuổi; tích cực tìm hiểu nhiều tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc, chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng chí Trường Chinh đã chuyển từ một người yêu nước trở thành người cộng sản, người học trò xuất sắc, người đồng chí tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với 81 tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã đảm nhiệm nhiều vị trí, trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước: Uỷ viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Trên mọi cương vị công tác, đồng chí đã thể hiện là người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông còn là nhà báo sắc sảo và nhà thơ với bút danh Sóng Hồng. Đồng chí vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
- Ngày 9/2/1931, trong buổi mít tinh kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn, Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bôi đang diễn thuyết tại quảng trường Lareni. Sau đó anh đã bị bắt giam vào khám lớn Sài Gòn và bị tra tấn dã man. Anh bị kết án tử hình 21/11/1931.
Lý Tự Trọng anh dũng hy sinh khi mới 17 tuổi nhưng tinh thần cách mạng bất khuất của anh đã làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ, đồng thời đã động viên cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ. Câu nói của anh: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác…” đã trở thành lý tưởng sống và vũ khí chiến đấu, kim chỉ nam hành động của thanh niên Việt Nam qua mọi thời kỳ cách mạng.
- Ngày 9/2/1967 (tức ngày mồng một Tết Đinh Mùi), Bác Hồ về thăm và chúc Tết nhân dân Tam Sơn, Tiên Sơn, Hà Bắc (nay là phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn). Tại đây, Bác đã khen ngợi những ưu điểm của Hà Bắc trong xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, sản xuất lương thực, bảo đảm giao thông, phòng không, giữ gìn trật tự an ninh, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Bác cũng nhắc nhở cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải thực hiện dân chủ, loại trừ tệ quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí...; phát huy tinh thần thi đua quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược để đẩy mạnh phong trào nhân dân, đẩy mạnh các mặt sản xuất, chiến đấu và chăm lo đời sống nhân dân.
|
Sáng mùng 1 Tết năm Đinh Mùi (09/2/1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm cán bộ và nhân dân xã Tam Sơn, Bắc Ninh
|
- Ngày 9/2/1976: Ngày thành lập, ngày truyền thống của Trung đoàn rađa 351, Vùng 3 Hải quân.
Sau ngày miền Nam được giải phóng, để tăng cường công tác quản lý tình hình mặt biển miền Trung và quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật ngành Rađa Hải quân, ngày 9 tháng 2 năm 1976, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Duyên hải ra Quyết định số 02/QĐ thành lập Tiểu đoàn Thông tin - Rađa 351, trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng. Năm 1978, Tiểu đoàn Thông tin - Rađa 351 được đổi tên thành Tiểu đoàn rađa 351. Ngày 14 tháng 5 năm 2012, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 1543/QĐ-BQP nâng cấp Tiểu đoàn rađa 351 thành Trung đoàn rađa 351 thuộc Vùng 3 Hải quân. Ngày 9 tháng 2 năm 1976 được xác định là ngày thành lập, ngày truyền thống của Trung đoàn rađa 351.
Gần 50 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn luôn đoàn kết, vượt mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực học tập, huấn luyện, nghiên cứu làm chủ trang bị khí tài hiện đại, ứng dụng hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào thực tế nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần cùng các lực lượng của vùng quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển miền Trung và xây dựng Vùng 3 Hải quân ngày càng phát triển, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và hiện đại.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 9/2/1904: Hải chiến cảng Lữ Thuận giữa Hải quân Đế quốc Nga và Hải quân Đế quốc Nhật Bản kết thúc. Đây là trận chiến mở đầu của Chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905).
- Ngày 9/2/1969: Chuyến bay thử đầu tiên của Boeing 747 được diễn ra. Với thiết kế bướu đặc trưng, bốn động cơ và sức chứa khổng lồ, 747 thường được xem là dòng máy bay cỡ lớn có thiết kế thẩm mỹ với biệt danh “Nữ hoàng bầu trời”./.