Ý Đảng, lòng dân, chung một tấm lòng với Bác
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần vào năm 1969, theo ý nguyện của Đảng và nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định xây dựng Lăng và Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, Người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc và công nhân quốc tế qua đời. Trong niềm tiếc thương vô hạn, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định xây dựng Lăng và Bảo tàng về Người.
Ngày 25/11/1970, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa III ra Nghị quyết số 206-NQ/TW thành lập Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Từ ngày đó đến nay là cả một chặng đường dài.
Ngày 31/8/1985, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, lễ khởi công xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh được tổ chức với vị trí tọa lạc phía sau Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên mảnh đất Ba Đình lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945.
|
Lễ khởi công xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 31/8/1985 |
5 năm chạy đua với thời gian, công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh đã hoàn thành. Ngày 19/5/1990 - nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể trong niềm hân hoan vui sướng của toàn Đảng, toàn dân. Ngắm nhìn tòa nhà như bông sen trắng, bình dị, thanh tao giữa mảnh đất Ba Đình lịch sử, mỗi người dân Việt Nam vô cùng xúc động và hiểu rằng, trong một thế giới đầy biến động, sự hiện diện của công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn biết bao. Thời gian trực tiếp xây dựng công trình tòa nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh diễn ra trong gần 5 năm, nhưng quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của Bảo tàng kéo dài tới gần 20 năm.
Nơi gìn giữ di sản cuộc đời Bác
Từ khi chính thức mở cửa đón khách tham quan ngày 19/5/1990, cùng với Lăng Bác, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh - công trình văn hóa đặc biệt về Bác Hồ, đã trở thành một điểm hẹn thân thiết, nơi hành hương của đồng bào, đồng chí cả nước, của bạn bè khắp năm châu mỗi khi đến Thủ đô Hà Nội. Được công nhận là một trong sáu bảo tàng cấp quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi trưng bày, giới thiệu một cách toàn diện, đầy đủ nhất về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất.
Gần 50 năm xây dựng và trưởng thành, tính từ thời điểm thành lập Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 25/11/1970, đến nay, Bảo tàng luôn phát huy được vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày hiện vật, giáo dục khoa học và hợp tác giao lưu với các bảo tàng, di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong và ngoài nước. Bảo tàng đã đón hơn 30 triệu lượt khách tham quan, trong đó có hàng triệu lượt khách quốc tế.
Với khối lượng tài liệu, hiện vật và ảnh tư liệu gốc đồ sộ, quý hiếm, độc bản, Bảo tàng Hồ Chí Minh là cuốn bách khoa thư về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những di sản của Người được thể hiện qua trưng bày của Bảo tàng cũng chính là những bằng chứng sống động và chân thực nhất, toát lên toàn bộ tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Bảo tàng Hồ Chí Minh xứng đáng là điểm đến hấp dẫn với mỗi du khách, nơi đem lại cho bạn những trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp, về tinh thần và cốt cách của một con người vô cùng bình dị nhưng hết sức vĩ đại, người đã trọn đời cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam và nhân dân toàn thế giới.
Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn thể nhân dân muốn được lưu giữ những kỷ vật của Người, cùng với việc thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã cho phép khôi phục các khu lưu niệm, xây dựng các nhà trưng bày bổ sung di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên tinh thần đó, một số địa phương có di tích lưu niệm về Người đã thành lập Ban phụ trách và tổ chức mở cửa đón khách tham quan như: Khu Di tích Pác Bó, tỉnh Cao Bằng; Khu Du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang; Di tích 48 Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội và Khu Di tích Kim Liên, tỉnh Nghệ An…
|
Hệ thống các chi nhánh của Viện Bảo tàng và các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, việc nghiên cứu, sưu tầm các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh được quan tâm đặc biệt. Nhiều di tích tiếp tục được khôi phục và giới thiệu tới công chúng như: Nhà ông Nguyễn Sĩ Độ, Huế - nơi gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống những năm đầu thế kỷ XX; Khu Di tích Trường Dục Thanh, Phan Thiết, Bình Thuận - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân và dạy học (1910); Khu Lưu niệm Nhà Rồng - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (1911); Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tỉnh Đồng Tháp…
Ngày 12/9/1977, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 04/NQ/TW về việc thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó có nhiệm vụ quy hoạch Hệ thống các chi nhánh của Viện bảo tàng và các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ đạo và hướng dẫn về xây dựng và nghiệp vụ cho các nơi đó. Trên cơ sở đó, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tổ chức nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng các bảo tàng chi nhánh, nhà trưng bày bổ sung về tiểu sử, sự nghiệp cách mạng của Người.
Gần 50 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Các đơn vị trong Hệ thống đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình trong việc nghiên cứu, sưu tầm, giáo dục và tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tính đến nay, Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sưu tầm, bảo quản hàng trăm ngàn đầu tài liệu, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh; đón tiếp và giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho hàng chục triệu lượt khách tới tham quan và học tập.
Từ bề dày lịch sử và truyền thống, cùng với sự phấn đấu nỗ lực không ngừng, Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của mình trong đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Hệ thống đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, ngày càng làm tốt chức năng nghiên cứu, tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, tác phong và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới công chúng trong và ngoài nước, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của Đảng, Nhà nước và các địa phương, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ người Việt Nam./.