Với nghị quyết 45/106 ngày 14/12/1990, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 01/10 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế Người cao tuổi.
Việc công bố ngày kỷ niệm này theo đúng như Kế hoạch hành động quốc tế Vienna về người cao tuổi, được Đại hội thế giới về người cao tuổi thông qua năm 1982, và Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua cùng trong năm này.
Năm 1991, Đại hội đồng Liên hợp quốc (theo Nghị quyết 46/91) đã thông qua các nguyên tắc của Liên hợp quốc đối với người cao tuổi.
Năm 2002, Đại hội thế giới về người cao tuổi lần thứ hai thông qua Kế hoạch hành động quốc tế Madrid về người cao tuổi, nhằm ứng phó với những cơ hội và thách thức của tình trạng già hóa dân số trong thế kỷ XXI và để thúc đẩy sự phát triển một xã hội dành cho mọi lứa tuổi.
Ngày quốc tế Người cao tuổi được kỷ niệm nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến người cao tuổi như quá trình lão hóa và việc lạm dụng người cao tuổi. Đây cũng đồng thời là dịp để đánh giá cao những đóng góp của người cao tuổi cho xã hội.
|
Số người cao tuổi (được định nghĩa là những người từ 65 tuổi trở lên) đã tăng gấp 3 lần, từ khoảng 260 triệu năm 1980 lên 761 triệu vào năm 2021. (Ảnh minh họa: UN) |
Người cao tuổi – một lực lượng mới cho sự phát triển
Số người cao tuổi (được định nghĩa là những người từ 65 tuổi trở lên) đã tăng gấp 3 lần, từ khoảng 260 triệu năm 1980 lên 761 triệu vào năm 2021. Trong giai đoạn từ năm 2021 – 2050, tỷ lệ người cao tuổi trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ dưới 10% đến khoảng 17%. Sự gia tăng nhanh chóng số người cao tuổi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sức khỏe, phòng ngừa và điều trị bệnh tật trong suốt cuộc đời.
Người cao tuổi đã trở thành một lực lượng chính trị ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội của mỗi quốc gia. Đặc biệt, tại các nước phát triển, các tổ chức của người cao tuổi góp phần đáng kể giúp người cao tuổi có tiếng nói lớn hơn trong việc hoạch định và ban hành các quyết sách của quốc gia.
Trong thời gian qua, những người cao tuổi đóng góp rất lớn cho xã hội. Trên khắp châu Phi cũng như những nơi khác, hàng triệu người trưởng thành là bệnh nhân có AIDS được chăm sóc tại nhà cha mẹ của họ. Khi các bệnh nhân này tử vong, những đứa con mồ côi của họ (những đứa trẻ dưới 15 tuổi hiện đang là 14 triệu em ở các nước châu Phi) chủ yếu được hỗ trợ bởi ông bà.
Vai trò quan trọng của người cao tuổi cũng không chỉ giới hạn ở các quốc gia đang phát triển. Tại các nước phát triển, chủ yếu là người lớn tuổi (phần đông là phụ nữ) chịu trách nhiệm chăm sóc cho các cá nhân bị phụ thuộc và bị bệnh (bất kể tuổi tác). Một nghiên cứu cho thấy số thời gian (phút) trung bình dành ra hàng ngày để chăm sóc tăng theo cấp số nhân so với độ tuổi của những người chăm sóc: 201 phút nếu người chăm sóc rơi vào khung 65 - 74 tuổi và 318 phút nếu trong độ tuổi 75 - 84 so với chỉ có 50 phút trong khung 30 - 49 tuổi.
Người cao tuổi đang dần dần được công nhận vì những đóng góp đáng kể của họ trong quá trình chăm sóc liên thế hệ, và tiếp tục tham gia vào đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, những đóng góp của họ cho sự phát triển như vậy chỉ có thể được bảo đảm nếu những người cao tuổi được hưởng mức chăm sóc y tế đầy đủ và tương xứng. Điều này đòi hỏi việc áp dụng một chính sách thích hợp đối với nhóm dân số quan trọng này.
Chăm sóc người cao tuổi - những vấn đề còn đặt ra
Mặc dù vị trí, vai trò và ảnh hưởng của những người cao tuổi đối với thế giới ngày càng được khẳng định song việc đối xử và chăm sóc nhóm người này vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, cũng như còn không đồng đều giữa các quốc gia.
Theo Liên hợp quốc, tại hầu hết các nước, những người cao tuổi không được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế; và đào tạo về y học lão khoa không đáp ứng đủ so với nhu cầu đối với loại hình chăm sóc đặc biệt này. Thêm vào đó, trong thời gian trở lại đây, nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc lâu dài cho người cao tuổi ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Nếu như trước đây, những dịch vụ này thường được các thành viên gia đình đảm nhiệm thì hiện nay công việc chăm sóc người cao tuổi ngày càng được đảm nhận bởi các chuyên gia y tế.
Ngoài ra, cũng theo Liên hợp quốc, lạm dụng và bỏ bê người cao tuổi là một thực trạng đáng buồn được ghi nhận trên thế giới. Thực trạng này ảnh hưởng đến tất cả các mặt kinh tế và xã hội của những người cao tuổi. Việc lạm dụng người cao tuổi có thể tồn tại dưới nhiều hình thức: thể chất, tâm lý, tình cảm, tài chính hoặc do sơ suất, bất cẩn gây nên. Bên cạnh đó, người cao tuổi còn phải đối mặt với các khó khăn như bị cô lập trong xã hội, bị định kiến về tuổi tác, hay sự xói mòn trong mối quan hệ giữa các thế hệ trong một gia đình, một cộng đồng và toàn xã hội...
Phân tích tình hình kinh tế và xã hội hiện tại và sự tham gia của người cao tuổi cũng cho thấy một sự không đồng nhất trong giữa các quốc gia. Trong các khu vực kém phát triển của thế giới, nơi an sinh xã hội và các chương trình hưu trí chỉ được phổ cập đến một số ít lao động, thì nhiều người cao tuổi (chủ yếu là nam giới) vẫn phải tiếp tục làm việc do nhu cầu kinh tế đòi hỏi. Trong khi đó, ở các nước phát triển hơn, những người lớn tuổi có mong muốn tiếp tục làm việc lại thường là nạn nhân của sự phân biệt tuổi tác và quy định nghỉ hưu bắt buộc.
|
Giúp người cao tuổi tiếp tục tham gia tích cực và làm phong phú thêm cuộc sống trong cộng đồng của họ. (Ảnh: KL) |
Tầm quan trọng của việc tăng cường hệ thống chăm sóc và hỗ trợ cho người cao tuổi trên toàn thế giới
Già hóa dân số là một xu hướng toàn cầu lớn đang định hình lại các xã hội trên khắp thế giới. Tuổi thọ trung bình khi sinh hiện nay đã vượt quá 75 tuổi ở khoảng một nửa số quốc gia trên thế giới, hay cao hơn 25 năm so với năm 1950. Do đó, đến năm 2030, số người già trên toàn cầu sẽ đông hơn số người trẻ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Sự thay đổi nhân khẩu học này đã làm thay đổi đáng kể bối cảnh chăm sóc, bao gồm nhiều nhu cầu chăm sóc được trả lương và không được trả lương, trong môi trường chính thức hoặc không chính thức.
Thật vậy, khi dân số già đi, nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc xã hội và y tế toàn diện đã tăng lên đáng kể, đặc biệt đối với những người lớn tuổi mắc các bệnh như chứng mất trí nhớ.
Nhận thức được những thách thức và cơ hội này, Ngày quốc tế Người cao tuổi năm nay sẽ được kỷ niệm với chủ đề “Già đi một cách có phẩm giá: tầm quan trọng của việc tăng cường hệ thống chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi trên toàn thế giới”.
Ngày kỷ niệm năm nay nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ nhân quyền của cả người nhận và người chăm sóc, thúc đẩy các phương pháp chăm sóc lấy con người làm trung tâm, tôn trọng phẩm giá, niềm tin, nhu cầu và quyền riêng tư của người cao tuổi, bao gồm cả quyền đưa ra quyết định về việc chăm sóc của chính họ, và chất lượng cuộc sống của họ.
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày quốc tế Người cao tuổi năm nay (01/10/2024), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ: Khi dân số già đi, các hệ thống chăm sóc và hỗ trợ là rất cần thiết để giúp người cao tuổi tiếp tục tham gia tích cực và làm phong phú thêm cuộc sống trong cộng đồng của họ.
Tuy nhiên, thông thường, người cao tuổi không được tiếp cận với sự hỗ trợ quan trọng này, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và làm tăng tính dễ bị tổn thương của họ. Chính phụ nữ, bao gồm cả phụ nữ lớn tuổi, là những người phải chịu đựng nhiều nhất từ sự chênh lệch này, vì họ thường là người chịu trách nhiệm chăm sóc không được trả lương.
Chính vì vậy, theo nhà lãnh đạo Liên hợp quốc, công nhận quyền của cả những người được chăm sóc và những người cung cấp dịch vụ đó là điều cần thiết để xây dựng những xã hội kiên cường hơn.
“Chúng ta phải cố gắng phát triển các hệ thống chăm sóc lấy con người làm trung tâm, bền vững và công bằng, đồng thời mang lại cho người cao tuổi tiếng nói bằng cách đảm bảo sự tham gia của họ vào quá trình hoạch định chính sách. Điều này đòi hỏi phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng chăm sóc dài hạn chính thức, tạo cơ hội việc làm bền vững và tạo điều kiện cho những người cung cấp dịch vụ chăm sóc không chính thức trở thành người chăm sóc chính thức” – ông Antonio Guterres nhấn mạnh.
Nhân Ngày quốc tế Người cao tuổi năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng cùng cam kết tăng cường các hệ thống chăm sóc và hỗ trợ để đảm bảo phẩm giá của người cao tuổi và những người chăm sóc./.