Đồng chí Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng

Thứ sáu, 25/10/2024 08:46
(ĐCSVN) - Cuộc đời 64 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ đã trải qua rất nhiều những nhiệm vụ khó khăn, thử thách do Đảng và nhân dân giao phó. Trên bất cứ cương vị, nhiệm vụ chính trị nào, đồng chí đều cố gắng hết mình và hoàn thành tốt nhằm thực hiện mục tiêu chung của Đảng và Cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị trình bày Báo cáo của BCH TW về công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12/1976). Ảnh: TTXVN 

Người cộng sản kiên trung

Đồng chí Lê Đức Thọ, tên khai sinh là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911 tại làng Địch Lễ, tổng Đông Phù, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định), là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng.

Tham gia phong trào cách mạng từ năm 1926 khi mới 15 tuổi, đến năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Là một chiến sĩ cộng sản trưởng thành từ phong trào cách mạng, lăn lộn, xông pha trên nhiều trận tuyến, đồng chí Lê Đức Thọ đã được Đảng và nhân dân tin cậy, giao phó nhiều trọng trách quan trọng.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí được giao phụ trách công tác khu an toàn của Trung ương, công tác tổ chức và huấn luyện cán bộ, được chỉ định làm Ủy viên Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ, sau đó được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ vào kiểm tra công tác kháng chiến kiến quốc ở Nam Bộ. Năm 1949, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, sau đó làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ đầu năm 1955, đồng chí tập kết ra Bắc, sau đó được bổ sung vào Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, kiêm chức Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương; được cử vào Quân ủy Trung ương... Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí được Bộ Chính trị cử vào miền Nam, làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Tháng 5/1968, đồng chí được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ phụ trách công tác đấu tranh ngoại giao, làm Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pari bàn về lập lại hòa bình ở Việt Nam...

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), đồng chí Lê Đức Thọ được giao phó nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước, tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng trong nhiều nhiệm kỳ. Ngoài ra, đồng chí còn đảm nhiệm một số nhiệm vụ đặc biệt quan trọng như: phụ trách công tác biên giới Tây Nam (1977 - 1979); Trưởng đoàn chuyên gia của Chính phủ ta bên cạnh Chính phủ Campuchia và thay mặt Bộ Chính trị làm việc với Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia (1979 - 1982); Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Đảng (1983); Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986). Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), đồng chí được Đại hội cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Với 79 năm tuổi đời và 64 năm hoạt động cách mạng liên tục cho đến hơi thở cuối cùng, đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những học trò tin cậy, là cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là nhà lãnh đạo tài năng, bản lĩnh, sáng tạo của cách mạng Việt Nam, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân. Với những công lao cống hiến cho đất nước, đồng chí Lê Đức Thọ đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; Đảng và Nhà nước các nước anh em tặng thưởng nhiều phần thưởng và huân chương cao quý.

Dấu ấn đồng chí Lê Đức Thọ với cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris

Là nhà ngoại giao tài ba, có tư duy chiến lược sắc sảo, đồng chí Lê Đức Thọ đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris (1968 - 1973).

Tại Hội nghị Paris, với tư cách là “Cố vấn đặc biệt” của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thông qua hoạt động trong các cuộc đàm phán công khai và bí mật, trong các buổi họp báo, chỉ đạo ra “Thông cáo báo chí”, đồng chí Lê Đức Thọ đã góp phần quan trọng làm cho nhân dân tiến bộ trên thế giới hiểu rõ bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra ở Việt Nam. Đặc biệt, trong tất cả các cuộc đàm phán bí mật với Kissinger hay trên bàn Hội nghị, đồng chí Lê Đức Thọ đều nêu rõ thiện chí của nhân dân Việt Nam mong muốn chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đồng thời khẳng định lập trường của nhân dân Việt Nam là kiên quyết chiến đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đồng chí Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trở về sau khi ký chính thức hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Paris tháng 2/1973 

Thực hiện phương châm chỉ đạo “Thắng từng bước” của Đảng, trên cơ sở phân tích một cách khoa học về tình hình thế giới, các mối quan hệ quốc tế chồng chéo, có tác động đến cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Đức Thọ chủ trương kiên trì đấu tranh, vừa đấu tranh vừa vận động tìm kiếm sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, tranh thủ sự đồng tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ.

Dấu ấn quyết định trong đấu tranh ngoại giao là đồng chí Lê Đức Thọ cùng Đoàn đàm phán của ta ở Hội nghị Paris đã tích cực, chủ động đấu tranh nhằm mục tiêu buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh khỏi miền Nam Việt Nam.

Sau gần 5 năm đấu trí, đấu bản lĩnh với hơn 200 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, cuộc đàm phán đã kết thúc thắng lợi. Việc ký Hiệp định Paris (27/1/1973) là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên mặt trận đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao. Nhưng, với nhiệm vụ kết thúc chiến tranh bằng những văn kiện pháp lý quốc tế thì vai trò thương lượng của người đứng đầu ở bàn đám phán có vị trí vô cùng quan trọng.

Theo đồng chí Nguyễn Dy Niên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: “Trong suốt 5 năm đàm phán ở Paris, đồng chí Lê Đức Thọ được ví như vị tướng ngoài biên. Đồng chí thực hiện rất nghiêm túc đường lối chiến lược trong đàm phán mà Bác Hồ đã trực tiếp căn dặn và những chủ trương Bộ Chính trị đã đề ra. Những phần đóng góp của cá nhân đồng chí thật là to lớn. Đồng chí đã có sự vận dụng sáng tạo, luôn luôn dành thế chủ động tấn công, buộc đối phương phải đi vào đàm phán theo cách của mình. Đã có lúc Kissinger phải thốt lên: “Tôi có thể làm tốt hơn nếu như đối diện trên bàn đàm phán không phải là ông Lê Đức Thọ, đàm phán với ông Thọ quả là cân não”.

Trên cương vị là “Cố vấn đặc biệt” của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, trực tiếp đàm phán với Mỹ về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, với bản lĩnh của một nhà chính trị già dặn, bằng tài trí, sự khôn khéo, linh hoạt, sáng tạo trong từng phương án cụ thể, đồng chí Lê Đức Thọ đã thực hiện phương châm kiên trì đấu tranh, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng. Đồng chí là người góp phần to lớn vào việc buộc Hoa Kỳ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Năm tháng trôi qua, nhưng dấu ấn của đồng chí Lê Đức Thọ tại cuộc đàm phán Paris (1968 - 1973) vẫn hết sức đậm nét. Thành quả đó là dấu son chói lọi trong lịch sử ngành Ngoại giao Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực