|
Trẻ em nghèo ở Ấn Độ xếp hàng chờ thực phẩm. Ảnh: CNBC
|
Ngày quốc tế xóa nghèo đầu tiên được kỷ niệm cách đây 37 năm. Ngày 17/10/1987, khoảng 100.000 người đã tập trung tại quảng trường Trocadéro ở Paris (Pháp), nơi bản Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền đã được ký vào năm 1948, để tưởng niệm các nạn nhân của bạo lực, nghèo cùng cực và nạn đói. Họ tuyên bố rằng nghèo đói là một sự vi phạm các quyền con người, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải cùng chung tay hành động để bảo đảm rằng các quyền con người được tôn trọng. Niềm tin, niềm hy vọng đó của đông đảo quần chúng đã được khắc trên một hòn đá tưởng niệm được dựng lên vào ngày này. Kể từ đó, hàng năm, vào ngày 17/10, mọi người dân, từ mọi quốc gia, với mọi nguồn gốc, tín ngưỡng đều tập hợp lại để nối dài các cam kết và thể hiện tình đoàn kết với người nghèo. Một bản sao của hòn đá kỷ niệm đã được đặt trong khu vườn thuộc trụ sở chính của Liên hợp quốc và đây cũng chính là nơi Ban Thư ký của Liên hợp quốc ở New York tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm.
Với Nghị quyết 47/196 thông qua vào ngày 22/12/1992, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức tuyên bố ngày 17/10 hàng năm là Ngày quốc tế xóa nghèo và kêu gọi tất cả các quốc gia cùng kỷ niệm ngày này, tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng nước mà tiến hành các hoạt động cụ thể nhằm loại bỏ nghèo đói và khổ đau. Nghị quyết của Liên hợp quốc cũng tiếp tục mời gọi các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ giúp đỡ các nước, theo yêu cầu của họ, trong việc tổ chức các hoạt động quốc gia để đánh dấu ngày kỷ niệm và yêu cầu Tổng thư ký để có những biện pháp cần thiết, trong phạm vi nguồn lực sẵn có, bảo đảm sự thành công của các hoạt động do Liên hợp quốc thực hiện nhân dịp Ngày quốc tế xóa nghèo.
Ngày kỷ niệm này không chỉ là một cơ hội để tôn vinh những nỗ lực và cuộc đấu tranh của những người sống trong nghèo đói mà còn tạo ra cơ hội cho những người này thể hiện tiếng nói của mình. Ngày kỷ niệm 17/10 cũng phản ánh ý chí của người dân sống trong cảnh nghèo đói sử dụng kỹ năng của chính họ đóng góp vào việc loại bỏ mối đe dọa này.
Không thể phủ nhận rằng thế giới chứng kiến mức độ phát triển chưa từng thấy của kinh tế, các phương tiện kỹ thuật và nguồn lực tài chính, tuy nhiên trong bối cảnh đó vẫn tồn tại thực tế là hàng triệu người phải sống trong cảnh nghèo đói, nguồn gốc dẫn tới những bất ổn sâu sắc về mặt tinh thần. Nghèo đói, do vậy, không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là một hiện tượng đa chiều, bao gồm việc thiếu thu nhập và thiếu năng lực cơ bản để sống.
Những người sống trong cảnh nghèo khổ phải đối mặt với nhiều thành kiến ngăn cản họ thực hiện các quyền cơ bản cũng như buộc họ phải tiếp tục duy trì tình trạng đói nghèo. Những tác hại này có liên quan mật thiết với nhau và tạo ra những hệ quả có tính hệ thống như: điều kiện làm việc độc hại; nhà ở không lành mạnh; thiếu thực phẩm bổ dưỡng; tiếp cận không công bằng với luật pháp; thiếu quyền lực chính trị; và hạn chế tiếp cận với chăm sóc sức khỏe.
Xây dựng tương lai bền vững đòi hỏi phải tăng cường nỗ lực xóa đói giảm nghèo và bảo đảm rằng mọi người đều có thể thực hiện đầy đủ các quyền con người của mình. Sự tham gia đầy đủ của những người sống trong cảnh nghèo đói, đặc biệt là sự tham gia của họ trong các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ và của các cộng đồng, phải được đặt ở trung tâm của các chính sách và chiến lược để xây dựng một tương lai bền vững. Bằng cách này chúng ta có thể bảo đảm rằng hành tinh và xã hội của chúng ta để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của tất cả mọi người và vì lợi ích của thế hệ hiện tại và tương lai.
Chủ đề “chấm dứt sự ngược đãi về mặt xã hội và thể chế, hành động cùng nhau vì xã hội công bằng, hòa bình và toàn diện” năm nay đã nêu bật một trong những nguyên nhân của nghèo đói là sự ngược đãi về mặt xã hội và thể chế mà những người sống trong cảnh nghèo đói phải trải qua, đồng thời xem xét các cách thức cùng nhau hành động hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG)16 nhằm thúc đẩy xã hội công bằng, hòa bình và toàn diện.
Trong một thông điệp nhân ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết, nghèo đói là một tai họa toàn cầu, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên khắp thế giới.
Nghèo đói không phải là điều không thể tránh khỏi: “Nếu không hành động, tình hình sẽ xấu đi. Xung đột đang gia tăng. Khủng hoảng khí hậu sẽ leo thang, khi lượng khí thải tiếp tục tăng. Và tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã gia tăng theo từng năm. Chương trình Lương thực Thế giới ước tính rằng có hơn 330 triệu người bị ảnh hưởng vào năm 2023. Và chương trình này đã cảnh báo về sự suy thoái nghiêm trọng ở mười tám điểm nóng đói nghèo vào đầu năm nay. Để tránh các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với hòa bình và an ninh quốc tế, chúng ta phải vào cuộc. Và hành động ngay bây giờ để phá vỡ mối liên hệ chết chóc giữa xung đột, khí hậu và mất an ninh lương thực".
Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc, tình trạng nghèo đói toàn cầu đang có những thách thức đáng kể. Năm 2023, khoảng 1,1 tỷ người trên toàn thế giới vẫn đang sống trong tình trạng nghèo đa chiều, đặc biệt là ở vùng châu Phi cận Sahara và Nam Á. Mặc dù nhiều quốc gia đã đạt được tiến bộ trong việc giảm nghèo, song công cuộc xoá nghèo của thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt ở các quốc gia thu nhập thấp.
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cho biết 26 quốc gia nghèo nhất trên thế giới, nơi sinh sống của 40% dân số có hoàn cảnh khó khăn nhất, đang mắc nợ nhiều hơn bao giờ hết kể từ năm 2006. Các nước này nằm ở khu vực cận Sahara châu Phi, từ Ethiopia đến Cộng hòa Chad và Congo. Afghanistan và Yemen cũng nằm trong nhóm các quốc gia nghèo nhất. Ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng nghèo đói luôn là thách thức lớn tại nhiều quốc gia. Dự kiến, khoảng 590 triệu người sẽ vẫn sống trong tình trạng nghèo cực đoan vào năm 2030 nếu không có sự cải thiện đáng kể.
|
Xây nhà tình thương cho người nghèo ở tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: T.N. |
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành, tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả một loạt các chương trình, chính sách như: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020; chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sạch, vệ sinh, thông tin, pháp lý; các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất hỗ trợ tích cực cho các gia đình gặp hoàn cảnh rủi ro như thiên tai, lũ lụt…
Nhờ đó, công tác giảm nghèo đã thu được nhiều kết quả nổi bật, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao cả về thành tựu và cách thức tiếp cận, giải quyết vấn đề nghèo đói. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam còn tới 58,1% nhưng đến năm 2015 đã giảm xuống còn 9,88%. Tới năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ là 3,75% và năm 2020 còn 2,75%. Năm 2006, Việt Nam đã hoàn thành “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa nghèo”, về đích trước gần 10 năm so với thời hạn (thời hạn là năm 2015) và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Mới đây, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với tổng nguồn vốn thực hiện là 75.000 tỷ đồng.
Với chính sách, nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được thành tựu đáng kể. Và để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, và Mục tiêu phát triển bền vững của thế giới giai đoạn 2015 - 2030 mà Liên hợp quốc đã thông qua, Việt Nam cần nỗ lực, quyết liệt hơn nữa./.