Cần giám sát lời hứa trước cử tri
Thứ tư, 18/05/2016 23:32 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Theo ông Lê Văn Cuông- nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa, giữa chương trình hành động và thực tế có một khoảng cách xa. Vì vậy, để lời hứa trở thành thực tế hành động của người trúng cử, cần có cơ chế giám sát, tránh tình trạng “hòa cả làng”…
Phóng viên (PV): Không ít người khi còn là ứng cử viên ĐBQH đã đưa ra chương trình hành động hay, hứa nhiều. Nhưng khi trúng cử rồi thì lại mờ nhạt, không đại diện được ý chí nguyện vọng của cử tri. Vậy làm sao để giám sát lời hứa đó ngay từ lúc vận động bầu cử?
Ông Lê Văn Cuông: Lời hứa hay chương trình hành động là để đề ra những việc làm của mình khi trúng cử ĐBQH. Để lời hứa phải trở thành thực tế hành động của người trúng cử, cần có cơ chế giám sát. Không thể để việc cả nhiệm kỳ cũng chẳng ai đánh giá xem xét giám sát vấn đề này, cho nên có thể nói rằng đã có tình trạng như dân gian vẫn nói là “khỏi vòng cong đuôi”.
Chương trình hành động cùng lời hứa bị xếp xó, không thực hiện thì chẳng làm gì được người ta. Giữa chương trình hành động và thực tế có một khoảng cách xa, vì thế mới cần giám sát, nhắc nhở.
Nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông. (Ảnh: Hoàng Đan).
PV: Cụ thể, ông có thể nói rõ hơn cơ chế để giám sát lời hứa như thế nào?
Ông Lê Văn Cuông: Chúng ta phải có một thiết chế giao thẩm quyền cho Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) hàng năm tổ chức một cuộc hội nghị, trong đó mời đại diện cử tri nơi ĐBQH ứng cử ở đó cùng với hệ thống Mặt trận để làm việc với ĐBQH, nghe ĐBQH báo cáo với cử tri về kết quả thực hiện chương trình hành động hay lời hứa của mình khi đang là ứng cử viên.
Sau đó các cử tri và MTTQ sẽ giám sát hoạt động của đại biểu. Lúc đó sẽ có những ý kiến đánh giá, góp ý, kiến nghị đối với ĐBQH. Nếu như anh không tích cực trong năm sau thì sẽ có những chế tài, hoặc phân loại, đánh giá, nhận xét thẳng thắn cũng làm cho đại biểu phải cố gắng, nỗ lực.
Cả nhiệm kỳ mà không có ai giám sát, có ý kiến gì báo cáo việc thực hiện thế nào thì người ta tội gì hăng hái? Chính vì thế, không ít vị đại biểu đã khiến cử tri thất vọng.
PV: Sau khi đánh giá thì có cần công bố kết quả đánh giá ấy của cử tri đối với ĐBQH như Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn, thưa ông?
Ông Lê Văn Cuông: Có thể truyền hình trực tiếp, hoặc phát thanh trực tiếp buổi Mặt trận làm việc với các ĐBQH ứng cử tại khu vực đó; qua đó yêu cầu ĐBQH báo cáo kết quả thực hiện chương trình hành động với cử tri lúc đang còn là ứng cử viên.
Đây là một cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt, nghe cử tri đóng góp ý kiến nhận xét đánh giá và kiến nghị với ĐBQH trong 1 năm hoạt động của mình. Phải có giám sát nhắc nhở thì lời hứa mới đi vào cuộc sống, nếu để “hòa cả làng” thì không có tác dụng gì. Cho nên, theo tôi, buổi MTTQ làm việc với ĐBQH hàng năm chính là một cuộc “tiếp xúc đặc biệt”.
PV: Xin cảm ơn ông!
Vy Thảo