(ĐCSVN) - Chỉ còn 2 ngày nữa, cả nước bước vào ngày hội bầu cử, ngày Chủ nhật 22/5/2016. Tại buổi giao lưu trực tuyến Giao lưu trực tuyến “Ngày hội non sông”do Báo Đại biểu nhân dân vừa tổ chức, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội mong muốn các gia đình nên quan tâm, vận động con cháu đi bỏ phiếu bầu cử để làm tròn trách nhiệm của những công dân trẻ tuổi.
Nguyên Chủ nhiệm VPQH, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão. Ảnh: Duy Thăng Độc giả Nguyên Minh Châu (45 tuổi), Đống Đa, Hà Nội hỏi: Thưa ông Vũ Mão, có ý kiến cho rằng, tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND là định tính nhưng khi lựa chọn ĐBQH, đại biểu HĐND lại là định lượng với số lượng cụ thể. Vậy theo ông, làm thế nào để cử tri lựa chọn được người xứng đáng nhất trong những người xứng đáng?
Ông Vũ Mão: Trong nhiều khóa nay, việc thảo luận để thông qua Luật bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND có nhiều ý kiến rất phong phú về tiêu chuẩn của các vị đại biểu. Loại ý kiến thứ nhất là trong luật chỉ nên quy định rất gọn. Loại ý kiến thứ hai là đề nghị trong luật phải quy định cụ thể thì mới dễ triển khai. Đa số ý kiến đồng tình với loại ý kiến thứ nhất, nhưng cũng yêu cầu là phải có những văn bản hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuẩn của đại biểu.
Trên thực tiễn các cử tri tham gia bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp thường đòi hỏi những tiêu chuẩn và tiêu chí rất cụ thể của các ứng cử viên. Do đó, ở các cuộc tiếp xúc với cử tri nhiều ứng cử viên cũng phân tích rõ những ý kiến về tiêu chuẩn và cụ thể là họ trình bày tương đối rõ ràng trong các chương trình hành động. Tuy nhiên, chúng ta phải có những tiêu chuẩn rất cụ thể của đại biểu thì cử tri mới dễ dàng nhận biết và từ đó bầu ra những người xứng đáng đại diện cho mình ở các cơ quan quyền lực nhà nước.
Từ phân tích ở trên, tôi thấy trong Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sau này cần được sửa đổi và bổ sung để làm rõ các tiêu chuẩn của đại biểu. Lấy ví dụ, tiêu chuẩn thứ nhất là trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN), trung thành với Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn hơi chung chung. Vì thế nên cần phải cụ thể hóa cho đầy đủ và rõ ràng hơn.
Tiêu chuẩn thứ hai là có phẩm chất đạo đức tốt thì cần nêu rõ hơn đạo đức tốt là như thế nào. Ví dụ như không tham nhũng, luôn luôn rèn luyện bản thân đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực.
Tiêu chuẩn thứ 3 là phải có năng lực để thực hiện nhiệm vụ của đại biểu cũng cần được làm rõ năng lực là như thế nào? Lâu nay có xu hướng chạy theo bằng cấp, học hàm học vị. Thực ra những vấn đề đó cũng cần phải có ở mức độ nhất định nhưng nếu nhấn mạnh quá thì sẽ trở thành hình thức, không thực chất.
Tiêu chuẩn thứ 4 là có liên hệ mật thiết với quần chúng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời phản ánh với các cấp có thẩm quyền để giải quyết kiến nghị của nhân dân. Tiêu chuẩn này cũng còn chung chung nên rất khó đánh giá, tôi đề nghị cần nêu rõ một ĐBQH hoặc đại biểu HĐND trong một năm phải tiếp xúc với cử tri ở cơ sở bao nhiêu lần? Thời lượng tiếp xúc là bao nhiêu? Hoặc như những kiến nghị của cử tri thì quy trinh giải quyết như thế nào? Lâu nay, việc giải quyết những kiến nghị của cử tri còn rất hạn chế, không đi đến cùng cho nên cử tri không thỏa mãn, rồi đại biểu cũng ngại tiếp xúc với cử tri ở lần sau. Vì thế, tôi đề nghị phải có những quy định rất cụ thể về vấn đề này.
Tiêu chuẩn thứ năm là đại biểu phải có điều kiện để tham gia hoạt động ở QH, HĐND các cấp. Cần phải làm rõ điều kiện đây là thế nào. Trên thực tế các đại biểu còn thiếu rất nhiều điều kiện để làm tròn trách nhiệm của mình. Do vậy, phải quy định rõ ĐBQH phải nỗ lực làm tròn trách nhiệm đại biểu nhưng đồng thời các cơ quan hữu quan cũng phải có cơ chế để giúp cho đại biểu làm tròn trách nhiệm của mình. Nếu làm được như vậy thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri chọn được người xứng đáng nhất để bầu vào các cơ quan quyền lực nhất.
Độc giả Hồ Văn Cẩm An (40 tuổi), caman123@gmail.com hỏi: Thưa bác Vũ Mão, là người trực tiếp tham gia tổ chức nhiều cuộc bầu cử ĐBQH. Vậy theo bác, đâu là động lực để cử tri tham gia bầu cử đầy đủ, trách nhiệm?
Ông Vũ Mão: Nếu nói về các động lực để cử tri tham gia bầu cử đầy đủ các cuộc bầu cử là: Một là, cơ quan quyền lực phải thực sự làm đúng trách nhiệm của mình như Hiến pháp và các văn bản pháp luật quy định. Vừa qua, HĐND các cấp hoạt động còn có hạn chế. Để khắc phục tình trạng đó thì phải quy định rất cụ thể quyền hạn và điều kiện cho HĐND các cấp.
Hai là, các đại biểu dân cử phải là những người gương mẫu, trong sáng nhất và dám thẳng thắn nói lên những nguyện vọng của nhân dân. Phải nghiên cứu để tìm ra những nguyên nhân của những sai phạm mà cử tri kiến nghị để phản ánh, đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Đại biểu của dân phải đi đến cùng trong những công việc này.
Ba là, đại biểu của dân thì phải gần dân. Phải thường xuyên đến với dân để lắng nghe những tâm tư, thắc mắc và nguyện vọng của dân.
Trên đây là những động lực mà mỗi đại biểu của dân phải làm đến nơi đến chốn, đồng thời cũng đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm tạo điều kiện cho cơ quan dân cử hoạt động thực sự hiệu lực, hiệu quả; phải nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử. Tôi rất mừng trong Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định chính quyền và các cấp phải có HĐND và UBND. Điều đó cho thấy rằng HĐND rất quan trọng và cần phải tạo điều kiện cho cơ quan này hoạt động tốt.
Lưu Ngọc Bích (30 tuổi), bichbb4485@gmail.com: Xin được hỏi ông Vũ Mão, đây đang là giai đoạn nước rút đối với các ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND tuyên truyền vận động bầu cử. Theo ông, ở giai đoạn này các ứng cử viên cần lưu ý điều gì?
Ông Vũ Mão: Theo quy định thì ở tuần cuối cùng các ứng cử viên đã hoàn thành xong việc tiếp xúc với cử tri. Công việc ở giai đoạn nước rút này là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền bầu cử ở tất cả các cấp. Cụ thể là: Các cơ quan đài, báo trung ương và địa phương cần danh nhiều thời gian để tuyên truyền có chiều sâu cho cuộc bầu cử.
Cuộc tổng tuyển cử năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn xuất hiện trước nhân dân với những tình cảm nồng nàn, chân thật và tha thiết của mình, chính những việc làm ấy của Bác đã tạo nên một tình cảm đặc biệt của nhân dân đối với cuộc bầu cử và tham gia tích cực vào cuộc bầu cử.
Lại Thị Ngọc Lam (28 tuổi), laingoc215@gmail.com: Thưa bác Vũ Mão, để mỗi cử tri đều hiểu và nắm rõ về quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với việc lựa chọn các đại biểu đại diện cho nhân dân, công tác tuyên truyền rất quan trọng. Theo bác, đâu là điểm nhấn của hoạt động này, nhất là ngày bầu cử sắp tới?
Ông Vũ Mão: Công tác tuyên truyền về bầu cử chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm. Cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 là một mẫu hình đẹp về công tác tuyên tuyền bầu cử, khi đó chúng ta đã dùng mọi biện pháp và phương thức để tuyên truyền bầu cử. Ví dụ như trong tháng chuẩn bị bầu cử đã quyết định lập ra tờ báo QH để trực tiếp và kịp thời đưa những thông tin về hoạt động bầu cử cho nhân dân được biết.
Thứ hai là rất kịp thời đưa các thông tin về bầu cử từ trung ương chuyển tải xuống các địa phương. Vì thế ở những nơi xa nhất, khó khăn nhất như Nam Bộ, Tây Bắc, Tây Nguyên, những thông tin về bầu cử rất kịp thời.
Thứ ba là, hình thức tuyên truyền miệng là rất quan trọng. Các cán bộ Việt Minh và những người bạn của họ đã thường xuyên xuống với người dân để tuyên truyền bầu cử.
Trong cuộc bầu cử lần này công tác tuyên truyền bầu cử đã được làm khá tốt thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương. Thời gian còn lại từ nay đến ngày bầu cử không nhiều, tôi mong muốn có một đợt tuyên tuyền bầu cử tập trung hơn nữa và phải đạt tới một cao trào. Đặc biệt tôi mong muốn các tổ bầu cử và các thành viên trong các cơ quan bầu cử cần sâu sát xuống cơ sở để tuyên tuyền cho ngày bầu cử.
Tôi cũng mong muốn có những hình thức cổ động, đặc biệt là của các cháu thiếu nhi như thời kỳ của cuộc Tổng tuyển cử năm 1946. Nếu được như thế sẽ có một không khí rộn ràng, sôi nổi để động viên cử tri cả nước tham gia cuộc bầu cử ngày 22/5 tới.
Nguyễn Thành Trung (45 tuổi), Hưng Yên: Thưa ông Vũ Mão, trong bầu cử lần này có rất nhiều ứng cử viên trẻ. Đây là nguồn lực lớn của đất nước. Tuy nhiên, trong tham gia bầu cử, một số nơi, lớp trẻ lại chưa chủ động tìm hiểu pháp luật về bầu cử để có thể phát huy tinh thần tự tin, sáng tạo, năng động vào việc xây dựng bộ máy Nhà nước cũng như ủng hộ ứng cử viên trẻ?
Ông Vũ Mão: Như Bác Hồ nói, tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Truyền thống của dân tộc ta là những người lớn tuổi đi trước, chăm sóc, bồi dưỡng, đào tạo những người trẻ tuổi để đảm đương những trọng trách trong công tác quản lý nhà nước.
Cuộc tổng tuyển cử năm 1946 đã có nhưng đại biểu rất trẻ mới có 22 tuổi như Nguyễn Đình Thi, Đào Trọng Thi, có đại biểu mới 24 tuổi như Y Ngông Niếc Đam. Những vị đại biểu này bằng đức, tài của mình đã đóng góp rất nhiều cho đất nước.
Các Khóa Quốc hội vừa qua cũng có một số đại biểu trẻ tuổi, nhưng số lượng chưa nhiều. Chúng ta mong muốn có nhiều đại biểu trẻ được tham gia vào các cơ quan dân cử, ở họ có sức sống dồi dào và nhiệt thành đóng góp cho hoạt động để nối tiếp truyền thống.
Riêng tình trạng những công dân trẻ tuổi ít quan tâm đến cuộc bầu cử là có thật. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền vận động của chúng ta còn hạn chế. Các tổ chức đoàn cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình trong công tác vận động bầu cử. Đây là những vấn đề chúng ta cần quan tâm khắc phục. Trong cuộc bầu cử lần này tôi rất mong trong mỗi gia đình các vị là ông, bà, cha mẹ quan tâm đến việc vận động con cái đi bỏ phiếu để làm tròn trách nhiệm của công dân trẻ tuổi./.