(ĐCSVN) - "Nhiệm kỳ mới sẽ có những gương mặt mới được lựa chọn để đại diện cho cử tri, nói tiếng nói của cử tri, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Hiện Quốc hội chưa có tổng kết về những gương mặt đại biểu xuất sắc của khóa, chưa có đánh giá, định hướng, mà định hướng chung chung về tỷ lệ, về vùng miền, từ đó lựa chọn từ đầu. Nếu định hướng chung chung về tỷ lệ sẽ rất khó để lựa chọn được những đại biểu xuất sắc, quan tâm nhiều đến cơ cấu đương nhiên sẽ có ảnh hưởng đến chất lượng"- ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) chia sẻ.
Cuộc gặp gỡ đặc biệt
Tự hào là người đại biểu nhân dân, được bầu lên để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, sau nhiệm kỳ có nhiều việc ông thấy bằng lòng, nhưng cũng còn nhiều trăn trở. Ông nói, 5 năm không ngắn, nhưng cũng chưa dài, nhưng trong 5 năm làm ĐBQH có những kỷ niệm mà sẽ chẳng bao giờ quên được, đó là những kỷ niệm nếu không ở cương vị là người đại biểu nhân dân thì không thể nào có được.
Trong đó, kỷ niệm mà ông nhớ nhất và xúc động nhất là cuộc gặp gỡ với một cụ già trong một lần đi tiếp xúc cử tri. Ông nhớ lại, lần đó khi ra về sau khi tiếp xúc cử tri để ý thấy một cụ già đứng ở cửa chờ, sau khi được động viên, dù còn ngập ngừng nhưng cụ đã chia sẻ vói ông về những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống gia đình của bản thân. Điều này làm ông khá bất ngờ, vì dù có tham gia buổi tiếp xúc cử tri nhưng cụ đã không hỏi hay chia sẻ luôn mà đã nán lại chờ để được gặp sau đại biểu khi kết thúc. Dù vậy, do đây không phải là lĩnh vực do mình phụ trách, ông đã xin phép cụ là được chia sẻ với tư cách là một người con, người cháu chứ không phải là người đại biểu.
Được cử tri chia sẻ về vấn đề gia đình, về những phức tạp trong cuộc sống gia đình, chứ không phải là những bức xúc, nguyện vọng trong xã hội đã làm ông rất xúc động. “Đây không phải là trách nhiệm của ĐBQH đối với cử tri, mà lại là trách nhiệm của cử tri đối với người đại biểu do mình bầu ra. Và cũng chỉ có người đại biểu nhân dân mới được cử tri tin tưởng để có thể bộc bạch, chia sẻ những vấn đề cá nhân như vậy” - ông Bảo nói.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo. Ảnh: Lê Hoa
Mối quan hệ giữa đại biểu dân cử và cử tri là tất yếu. Mối quan hệ này không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc một năm bốn lần tiếp xúc cử tri, trước và sau mỗi kỳ họp, mà mối quan hệ này phải được xây dựng dựa trên một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu đó là sự trăn trở, tâm huyết… Vừa là hoạt động, vừa là yêu cầu quan trọng đối với mỗi ĐBQH, do đó để mối quan hệ này ngày càng bền chặt, cần có chất keo của sự lắng nghe và trách nhiệm với cử tri, cũng như trách nhiệm của chính cử tri với những người đại diện cho mình.
Thực hiện được điều này, theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo, khi ĐBQH muốn biết được tâm tư, nguyện vọng của cử tri thì không cách nào khác là phải thường xuyên tiếp xúc, gắn bó với cử tri. Gắn bó là trước những vấn đề nóng của xã hội phải lắng nghe, chia sẻ, đi sâu tìm hiểu cùng với cử tri để tìm ra giải pháp nhằm hạn chế bớt những tác động đối với xã hội. Đây là trách nhiệm của ĐBQH.
ĐBQH phải là những đầu tàu
Làm đại biểu dân cử nhiều khó khăn, nhưng cũng nhiều khung bậc cảm xúc, để lại nhiều ấn tượng đậm nét. Nhưng để người đại biểu phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình, theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo, ĐBQH cần phải được tạo điều kiện hơn nữa để phát huy tối đa quyền ĐBQH, quyền đại diện cho người dân.
Nhiệm kỳ mới sẽ có những gương mặt mới được lựa chọn để đại diện cho cử tri, nói tiếng nói của cử tri, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Theo đại biểu Bảo, hiện Quốc hội chưa có tổng kết về những gương mặt đại biểu xuất sắc của khóa, chưa có đánh giá, định hướng, mà định hướng chung chung về tỷ lệ, về vùng miền, từ đó lựa chọn từ đầu. “Nếu định hướng chung chung về tỷ lệ sẽ rất khó để lựa chọn được những đại biểu xuất sắc, quan tâm nhiều đến cơ cấu đương nhiên sẽ có ảnh hưởng đến chất lượng”.
Đại biểu bày tỏ hy vọng ở khóa XIV, chức năng của ĐBQH sẽ ngày càng chuyên nghiệp hơn, trách nhiệm hơn. Đồng thời, Quốc hội sẽ khắc phục được điểm hạn chế về định hướng để có thể chắc chắn lựa chọn được ĐBQH là những người tinh túy, đủ uy tín, có trình độ, bản lĩnh để đại diện cho người dân, chứ không thể chỉ là đại diện cho cơ cấu.
Theo đại biểu, muốn vậy phải đưa ra được biện pháp, phương án lựa chọn chứ không nên cào bằng, mỗi kỳ lại đưa ra một cơ cấu và lại bắt đầu lại từ đầu. Bởi, để các đại biểu hoạt động hiệu quả phải có thời gian tích lũy kinh nghiệm và bản lĩnh để dám nói, dám bảo vệ và dám tự chịu trách nhiệm. ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh: “Cơ cấu nhưng phải trên nền tảng lựa chọn được người ưu tú nhất, như thế mới thực hiện được vai trò của QH. Bởi ĐBQH phải là những đầu tàu kéo được các toa tàu đi, muốn như vậy thì phải có đủ năng lực, trình độ. Chỉ có như vậy Quốc hội mới ngày càng dân chủ hơn, thực chất hơn và phát huy được vai trò cao nhất của ĐBQH”./.