Ông Trương Minh Hoàng, ĐBQH khóa XIII. Ảnh: Thảo Nguyên
Khi được hỏi vì sao những người không thuộc cơ quan Nhà nước tự ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp vẫn phải kê khai tài sản, thu nhập, ông Trương Minh Hoàng lý giải: Việc này là cần thiết. Đó là cách tốt nhất để minh bạch tài sản của bất cứ người nào tham gia ứng cử, phải rõ ràng tài sản ấy có từ đâu. Không phải chỉ công chức Nhà nước mới phải kê khai, mà cả những người ứng cử không làm trong các cơ quan Nhà nước, như người dân, người hoạt động trong các tổ chức, doanh nghiệp cũng phải kê khai.
“Đâu phải chỉ có cán bộ là công chức, viên chức Nhà nước hay thuộc lực lượng vũ trang mới có tài sản không rõ nguồn gốc, không minh bạch, có thể từ nguồn bất chính? Người dân bình thường cũng có khả năng có tài sản bất chính, chẳng hạn tài sản có được từ việc tham gia chạy chọt cái này cái khác, hay cũng không loại trừ tài sản của họ có được từ một tổ chức nào đó lợi dụng rửa tiền. Do vậy, bất cứ ai tham gia ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp cũng cần kê khai tài sản, thu nhập để minh bạch nguồn gốc của tài sản, minh bạch nguồn thu nhập” – ông Trương Minh Hoàng nói.
Thêm nữa, ông Trương Minh Hoàng cho rằng, việc kê khai tài sản còn là thủ tục bắt buộc để “sàng lọc” nguy cơ lợi dụng vị trí dân cử để trục lợi, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trước hết, thấy rằng, việc kê khai, công khai, minh bạch tài sản, thu nhập là để tăng cường kiểm soát, phòng ngừa nguồn thu nhập bất chính cho cán bộ, công chức, cho những người tham gia cơ quan quyền lực kể cả ở Trung ương hay ở địa phương.
Kê khai tài sản ngay từ đầu như vậy để “khung” lại khối tài sản có từ trước khi tham gia cơ quan Nhà nước. Đó là cách để kiểm soát thu nhập, tài sản của ĐBQH, đại biểu (ĐB) HĐND các cấp khi tham gia vào các cơ quan dân cử. Không chỉ thế, việc kê khai tài sản, thu nhập của người tham gia ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND các cấp còn có giá trị bảo vệ chính bản thân họ, trong trường hợp bị khiếu nại, tố cáo về tài sản và thu nhập.
Ông Trương Minh Hoàng lấy dẫn chứng: Ví dụ, gần tới ngày bầu cử nếu có đơn thư khiếu nại người A, người B có tài sản bất chính, vì sao có tài sản ấy và vì sao có tài sản lớn như thế? Có kê khai tài sản, thu nhập như vậy, cơ quan có trách nhiệm sẽ trả lời được ngay cho người khiếu kiện, để cử tri hiểu rõ vấn đề, không làm chậm trễ việc bầu cử và không làm lỡ cơ hội của người ứng cử. Nếu lỡ cơ hội cho một người tốt, một người có năng lực để làm đại diện cho nhân dân thì lại càng tiếc.
Đề cập vấn đề kê khai tài sản, thu nhập liệu còn mang tính hình thức, ông Trương Minh Hoàng cho rằng, nếu người ứng cử nào có tài sản lớn mà không giải trình được nguồn gốc thì nên đưa vào công quỹ. Sung công tài sản không giải trình được nguồn gốc rồi thì không phải kiểm điểm, kiểm thảo gì nữa.
“Một người mà cố tình không kê khai đầy đủ tài sản mà người dân, tổ chức, cơ quan hoặc doanh nghiệp phát hiện thì phải có hình thức xử lý cho nghiêm. Một là kiểm điểm. Hai là, nếu nguồn gốc của tài sản đó không rõ ràng thì cương quyết thu hồi, sung vào công quỹ và nếu như đủ yếu tố thì chuyển qua xử lý bằng hình thức khác, nếu có dấu hiệu tham nhũng thì xử lý hình sự.
Thực hiện như vậy ở vài nơi, làm thật nghiêm khắc để tạo hồi chuông cảnh tỉnh cho người nào có sai sót hoặc có ý định tạo nguồn tài sản không rõ ràng thì dừng lại, họ sẽ giữ mình trước xã hội, giữ uy tín của mình và gia đình” – ông Trương Minh Hoàng bày tỏ./.