Bài 1: Nỗi lòng những người xa xứ

Thứ hai, 20/07/2020 14:57
(ĐCSVN) – Trong khi diễn biến dịch COVID-19 trên toàn thế giới vẫn rất phức tạp thì Việt Nam đã chứng kiến hơn 3 tháng không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Cùng với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, Việt Nam đang tăng cường công tác bảo hộ, đưa người Việt Nam tại các vùng dịch trở về nước an toàn. Có thể thấy trong những ngày qua, số lượng các chuyến bay đưa người Việt từ các nước về quê hương đã tăng lên đáng kể.

Bài 2: Những chuyến bay đặc biệt…

Bài 3: Qua cơn hoạn nạn càng thêm yêu Tổ quốc

“Nghĩa đồng bào” trong đại dịch

Tính đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 14,6 triệu ca nhiễm COVID-19. Nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều triển khai các biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, ngừng các hoạt động xuất, nhập và quá cảnh. Hệ quả của những biện pháp này là tình trạng đóng cửa toàn cầu, giao thông đình trệ… tạo ra nhiều khó khăn về di chuyển cho người dân, đặc biệt là những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Đại dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 (COVID-19) là một trong những phép thử bất ngờ, khó lường và phức tạp đối với công tác bảo hộ công dân. Có lẽ chưa bao giờ, công tác bảo hộ công dân lại được đề cập đến nhiều như hiện nay, trong bối cảnh đại dịch không ngừng lây lan trên khắp thế giới.

Trong tình hình cấp bách ấy, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để khống chế dịch bệnh, đảm bảo sự an toàn, sức khỏe cho mọi người dân Việt Nam, trong đó công tác bảo hộ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài. Trong thư gửi tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi đồng bào ta ở nước ngoài “ tiếp tục đồng lòng, chung sức, sát cánh cùng đất nước và nhân dân trong nước trong công tác phòng, chống dịch đại dịch COVID-19”. Và như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài trường hợp thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào!”

 Bài 1: Nỗi lòng những người xa xứ

(ĐCSVN) – Trong khi diễn biến dịch COVID-19 trên toàn thế giới vẫn rất phức tạp thì Việt Nam đã chứng kiến hơn 3 tháng không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Cùng với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, Việt Nam đang tăng cường công tác bảo hộ, đưa người Việt Nam tại các vùng dịch trở về nước an toàn. Có thể thấy trong những ngày qua, số lượng các chuyến bay đưa người Việt từ các nước về quê hương đã tăng lên đáng kể.

Mong mỏi được trở về nhà

Hơn 2 năm chưa trở về Việt Nam, bạn N.T (hiện đang sinh sống tại thành phố Toronto, bang Ontario, Canada) dự định sẽ về nước vào tháng 4/2020 sau khi tốt nghiệp và đi làm thêm vài tháng để tích lũy kinh nghiệm. Nhưng dịch COVID-19 đã làm cho kế hoạch này bị chậm lại gần 4 tháng và chưa biết khi nào trở thành hiện thực.

 Kế hoạch về nước của N.T đã bị chậm lại gần 4 tháng  vì dịch COVID-19 và em mong sớm  có thể được về  trở về nhà. (Ảnh NVCC)

Nhớ nhà, tủi thân và lo lắng, N.T đã chia sẻ những tâm sự của mình với “Hội cha mẹ du học sinh tại Canada – COVID-19”:“Ngày 16/3, con nhận được tin báo tạm thời cho thôi việc tại chỗ làm… vẫn rất bình thản và nghĩ từ bây giờ đến ngày bay về nhà dự kiến vào tháng 4 chẳng còn xa. Đến ngày 19/3, mọi thứ bắt đầu lộn xộn, bài viết về dịch bệnh rồi các chuyến bay về nước càng nhiều, cái noti FB (các thông báo trên trang facebook cá nhân – PV)  như muốn nổ tung. Tối ngày 21/3, con nhận được điện thoại của bố, bố bảo có chuyến bay rạng sáng ngày 24/3 (tức là chưa đến 3 ngày nữa) của hãng hàng không Trung Quốc, và hỏi có muốn về luôn không? Vì lúc đó quá sợ, nên con quyết định chờ một chuyến bay khác ngày 28/3 của một hãng hàng không khác. Nhưng rất tiếc, giây phút con nói đợi thêm vài hôm nữa, con đã bỏ lỡ cánh cửa về nhà mất rồi. Giây phút con gọi điện về nhà, “Bố ơi, vé máy bay của con bị huỷ rồi” con đã khóc. Con cứ kiên trì đợi qua ngày, rồi cứ cố chấp tìm vé máy bay những ngày sau đó khi mà tình hình dịch bệnh của các nước châu Á được kiểm soát, cứ đặt rồi lại bị huỷ tính ra cũng phải đến 5 - 6 lần. Lần nào nhận được thông báo huỷ vé, con cũng khóc… khóc nức nở như một đứa trẻ lên 3”.

Liên lạc với chúng tôi, N.T kể, lúc đó, tình trạng của Canada cứ dần tệ đi, số người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19  cứ tăng đến vài chục nghìn và bây giờ thì con số cũng đến trăm nghìn người. Cảm giác sợ hãi, lo lắng lan tràn khắp nơi. Có lần N.T đi siêu thị cạnh nhà, hôm sau đó họ thông báo có nhân viên bị nhiễm COVID-19, N.T đã rất sợ, sợ đến mức chân tay muốn mềm nhũn ra, rồi quyết định tự nhốt mình trong nhà tròn 2 tuần để theo dõi. “Lúc đó, em đã nghĩ: nếu phải chết, chỉ mong được chết ở Việt Nam, chứ không muốn chết ở nơi xa xôi này”, N.T nói.

Sợ thì cũng vẫn phải sống tiếp và sinh hoạt như bình thường, N.T kể rằng mỗi lần đi chợ thì đều rủ các bạn cùng nhà đi để bê đồ cho nhanh, hạn chế việc phải đi nhiều lần và đi lâu. Mỗi lần vào chợ chỉ bấm đúng 5 phút là phải ra luôn. Bởi thế, trước khi đi chợ, N.T và các bạn đều ghi sẵn những thứ cần mua, sau đó chia nhau ra từng khu để mua đồ cho nhanh.

Mong mỏi được về nhà là vậy, nhưng N.T cho biết, thỉnh thoảng có đọc được những bình luận tiêu cực về du học sinh, kiểu như: “Ở nước ngoài sung sướng, đến khi dịch bệnh lại mò về rồi lây cho cả nước”, “Đừng về, đừng mang bệnh về”. “Những khi ấy thì buồn lắm! Ai cũng có quê hương, cũng có quyền được quay về nơi gọi là nhà. Dù là du học sinh hay những người phải tha hương đi lao động ở xứ người, họ cũng đều có những nỗi niềm riêng, những câu chuyện mà không phải ai cũng có thể hiểu. Họ cũng muốn được trở về nhà mỗi khi gặp khó khăn”, N.T chia sẻ.

Trong gần 4 tháng bị kẹt lại, ngày nào N.T cũng đọc tin tức, nghe ngóng xung quanh về dịch bệnh, theo dõi trang thông tin của chính phủ, của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada. Đến nay, dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát, hơn 3 tháng không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, N.T cũng như bạn bè người Việt của em tại Canada rất đỗi vui mừng. Tuy nhiên, do số lượng người đăng ký về nước rất đông, trong khi số chuyến bay lại hạn chế nên những trường hợp như N.T đều phải chờ đợi.

Muôn nẻo khó khăn

Trong khi chờ được gọi tên như vậy, việc sinh sống, học tập, lao động của N.T cũng như hàng chục nghìn người Việt ở nước ngoài vẫn phải duy trì và những khó khăn là không hề nhỏ.

Việc học tập của du học sinh chuyển sang hình thức học trực tuyến. Hình thức này chỉ giúp duy trì được việc học nhưng không hiệu quả bằng học trên lớp, sinh viên không trao đổi được với nhau, sự tương tác giữa thầy và trò cũng bị hạn chế đi nhiều.  Bên cạnh đó, vì không được đến trường, đến thư viện nên tài liệu học tập bị hạn chế. Mặt khác, khi ở lại thì các sinh viên vẫn phải chi trả các khoản thuê nhà, tiền ăn cùng các chi phí sinh hoạt như điện, nước, Internet… trong khi công việc làm thêm lại bị giảm rất nhiều.

Ngân Hà (du học sinh Việt Nam tại Mỹ) cho biết: “Dịch COVID-19 đã gây ra khá nhiều gián đoạn cho học tập và cuộc sống của du học sinh quốc tế như bọn em. Từ việc chuyển hình thức học lên lớp sang online, thay đổi chỗ ở, đến việc bị kỳ thị vì là người châu Á… Chúng em phải mất một thời gian dài để thích ứng với hoàn cảnh mới. Lúc đầu, em và bố mẹ cũng đã suy nghĩ rất nhiều về việc nên đi hay ở. Cả hai phương án đều có điểm mạnh, điểm yếu. Nếu em chọn về Việt Nam, bố mẹ em sẽ bớt lo lắng và sức khoẻ được bảo toàn nhưng vẫn có khả năng bội nhiễm trên đường đi. Nếu em chọn ở lại, bố mẹ có lo lắng hơn một chút nhưng khả năng nhiễm bệnh cũng không cao vì ở đây em luôn tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”. Hiện Ngân Hà đang ở cùng gia đình một người bạn Mỹ và nhận được sự giúp đỡ từ họ. Em mong chờ một chuyến bay về nước do Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức vào tháng 12 tới.

 Nhiều cửa hàng của người Việt tại khu phố Footscray,  phía Tây Melbourne, Australia đã phải đóng cửa vì dịch COVID-19 trong  nhiều ngày qua. (Ảnh: Việt Hà)

Với những công dân Việt Nam sang xuất khẩu lao động tại các nước, vấn đề lớn nhất hiện nay giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát là thất nghiệp và không có chỗ ở. Nhiều lao động bị công ty sa thải hoặc công ty không có việc làm, phải đóng cửa nên phải ra ngoài tìm chỗ ở (trước làm ở công ty  thì công ty thuê nhà ở cho nên phí thuê rẻ hơn). Bạn Vũ Thảo (lao động Việt Nam tại Nhật Bản) cho biết, công việc chính của em là làm việc tại nhà hàng khách sạn nhưng đã phải nghỉ hơn 3 tháng nay. “Do dịch bệnh nên các lao động Việt Nam như em gặp nhiều khó khăn ở nước sở tại. Có những bạn muốn về nước vì không có việc làm, sắp hết hạn visa. Nhưng để về được phải đăng ký với Đại sứ quán để đặt vé. Trong khi số lượng chuyến bay có hạn, số lượng đăng ký về lại đông nên Đại sứ quán sẽ ưu tiên những trường hợp đặc biệt như người già, trẻ nhỏ, người bị bệnh… về trước. Mặc dù Chính phủ Nhật có gia hạn visa để lao động Việt Nam có thể ở lại Nhật một cách hợp pháp và hỗ trợ mỗi lao động 10 man (tương đương hơn 21 triệu đồng) nhưng nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì các lao động Việt sẽ rất khó khăn vì vấn đề chỗ ở và việc làm”, Thảo chia sẻ. Bản thân Thảo thì vẫn muốn ở lại để tìm các việc làm thêm, kiếm tiền trả nợ cho gia đình.

Trong khi đó, một số lượng khá đông bà con người Việt đang làm ăn, sinh sống tại các nước, đặc biệt là khu vực châu Âu như Nga, Đức, Séc,…đã gặp không ít khó khăn khi công việc buôn bán bị gián đoạn. Với đặc thù có đông người buôn bán ở các chợ và phải tiếp xúc với nhiều người, lại hay sinh sống tập trung ở một số khu dân cư, cộng đồng người Việt cũng đứng trước nguy cơ lây nhiễm cao. Trong khi đó, do không biết tiếng  địa phương nên khi đau ốm hoặc có việc khẩn cấp, nhiều bà con không thể giao tiếp với bác sĩ được.

Câu chuyện về những tình nguyện viên, những “nhà thông ngôn” cho cộng đồng người Việt tại các nước mà truyền thông đưa tin trong những ngày qua, hay chuyện về những người Việt thầm lặng may những chiếc khẩu trang  mang tặng mọi người, hình ảnh những người ở lại  giúp những người được về nước trước mang hành lý ra sân bay… đã trở thành những điểm sáng trong bối cảnh đại dịch lây lan toàn cầu. Những câu chuyện nhỏ nhưng chứa đựng trong đó là sự đoàn kết, tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau, là “nghĩa đồng bào” trong cơn hoạn nạn./.

Bài 2: Những chuyến bay đặc biệt...

Nhóm PV Thời sự

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực