Hành trình trở về từ vùng dịch
Chuyến bay mang số hiệu VN68 của Vietnam Airlines đáp xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) vào 05h04 phút sáng ngày 10/02/2020 có lẽ sẽ trở thành một chuyến bay đáng nhớ trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam. Bởi đó là chuyến bay được phục vụ theo tiêu chuẩn gắt gao nhất với tổ bay giàu kinh nghiệm, đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, mặt đất có chuyên môn cao và được lựa chọn kỹ lưỡng. Toàn bộ những người có mặt trên máy bay đều phải mặc trang phục bảo hộ, máy bay được phun khử trùng nghiêm ngặt. Chiếc máy bay thực hiện hành trình đặc biệt chở 30 công dân Việt Nam trở từ Vũ Hán ( Trung Quốc).
Đó sẽ là một hành trình không thể nào quên đối với vợ chồng anh Nguyễn Văn Phi và chị Nguyễn Thị Thanh, quê ở Nghệ An. Lúc đó, chị Thanh đang mang thai tháng thứ 8. Trước đó, ngày 9/2, anh Phi và chị Thanh nhận được tin sẽ cùng 28 người khác được trở về quê hương trên cùng 1 chuyến bay vào ngày hôm sau. Nghe tin xong vợ chồng anh vỡ òa hạnh phúc. "Tôi ôm vợ vào lòng, vui sướng vì vợ con tôi chắc chắn sẽ được bình an. Cảm giác như được sống lại lần nữa", anh Phi chia sẻ. Thời điểm đó Trung Quốc đã có hơn 37.000 ca nhiễm và hơn 800 ca tử vong do COVID-19.
Ngày 10/2, vợ chồng chị Thanh lên máy bay trở về nước. “Trước khi lên máy bay, chúng tôi được cán bộ Đại sứ quán động viên, nên cũng không sợ bị kỳ thị. Khi máy bay đáp xuống sân bay Việt Nam, lúc đó hai vợ chồng mới nghĩ mình đã thoát nạn", chị Thanh cho biết.
Vợ chồng chị Thanh cùng 28 công dân khác có mặt trên chuyến bay được bố trí cách ly tập trung tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Vì chị Thanh đang mang bầu những tháng cuối, nên trên chuyến bay có một bác sĩ sản khoa chăm sóc riêng. Về đến sân bay Vân Đồn, chị cũng được di chuyển bằng xe cứu thương thay vì đi xe với đông người phòng trường hợp sinh giữa đường. Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ở Đông Anh, đôi vợ chồng được ở một căn phòng cách ly riêng, có cả bàn đẻ, lồng ấp và đầy đủ các trang thiết bị khác sẵn sàng cho trường hợp chuyển dạ. Sau khi trải qua 21 ngày cách ly yên bình, chiều 2/3, vợ chồng chị Thanh bắt luôn chuyến xe khách về quê Nghệ An và đến thẳng bệnh viên đăng ký sinh. Hai ngày sau chị Thanh chuyển dạ, bé trai nặng 2,7 kg ra đời, được đặt tên là Anh Vũ là niềm vui khôn tả đối với anh chị sau nhiều ngày phải sống chung với lo âu, căng thẳng tại Vũ Hán.
Sau khi khởi phát, dịch COVID-19 đã lây lan ra hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ trở thành một trong những ổ dịch lớn và phức tạp nhất thế giới. Ngày 9/6/2020, chuyến bay mang số hiệu VN1, máy bay Boeing 747 của Vietnam Airlines chở 346 hành khách người Việt Nam, cất cánh từ Sân bay quốc tế San Francisco, California, Mỹ ngày 7/6/2020 đáp xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội. Chuyến bay do Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, Vietnam Airlines và các cơ quan liên quan của Mỹ tổ chức triển khai. Đây là chuyến bay hồi hương công dân Việt Nam từ Mỹ thứ 3 do Vietnam Airlines thực hiện.
|
Chị Bích Liên trên chuyến bay mang số hiệu VN1 của
Vietnam Airlines chở 346 công dân Việt Nam về nước cất cánh từ
sân bay quốc tế San Francisco, California, Mỹ ngày 7/6/2020. (Ảnh: NVCC) |
“Từ phi trường San Francisco về sân bay quốc tế Nội Bài lúc 1 giờ sáng. Cảm nhận sau một chuyến bay dài là tương đối hài lòng. Tất cả phi hành đoàn đều tập trung lo cho khách. Tiếp viên thân thiện, nhiệt tình và dễ thương. Vì đây là chuyến bay đặc biệt hỗ trợ đưa công dân Việt Nam về nước. Để hạn chế lây lan dịch bệnh, Vietnam Airlines phát miễn phí áo bảo hộ, suất ăn phục vụ trên máy bay là đồ khô đóng gói sẵn trong hộp giấy và vài chai nước suối. Mọi người không quan trọng về bữa ăn và đều vui vẻ chấp nhận vì chỉ mong về Việt Nam là sướng rồi…”, chị Đào Thị Bích Liên chia sẻ.
Chị Bích Liên hiện là Luật sư công tác tại Văn phòng Luật sư Hà Hải & Cộng sự tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chị là một trong những công dân may mắn có tên trong danh sách ưu tiên về nước trên chuyến hành trình này. Theo lời chị Liên, chị cùng con gái út bay từ Việt Nam qua Mỹ thăm con hiện đang sinh sống tại California vào ngày 16/2/2020. Những ngày sau đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp tại Mỹ đã khiến chị bị mắc kẹt và không thể về nước.
Ngày 5/6, chị Liên nhận được email thông báo từ Đại sứ quán rằng chị cùng con gái được ghi tên trong danh sách được xét ưu tiên trở về Việt Nam trong đợt này, niềm vui như vỡ òa. Sau khi được Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ hỗ trợ hoàn tất thủ tục, ngày 8/6, chị cùng con gái út lên máy bay về nước.
“Đến giờ tôi vẫn không tin được vừa trải qua một hành trình gian khó và hạnh phúc đến thế, vẫn không thể tin được mình được đặt chân về Việt Nam sau hơn 2 tháng mắc kẹt tại Mỹ... Giờ tôi chỉ cảm thấy biết ơn và thật sự hạnh phúc khi được là một trong số ít người có may mắn được bay trong chuyến bay này”, chị Liên cho hay.
Nhiều tháng qua, bà Kim Loan sang Mỹ để thăm con gái cả hiện đang làm bác sĩ tại bang California và để chữa trị khối u ở cổ. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, bà bị phản ứng thuốc do không hợp với thể trạng người lớn tuổi, bà đã không ăn uống được, sức khỏe suy kiệt. Do đó, gia đình đã tìm cách để lo thủ tục, đưa mẹ về nước điều trị. Trong quá trình trở về, gia đình bà chia sẻ đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ tối đa của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ. Trong suốt quá trình bay, bà luôn được các tiếp viên tận tình hỏi han và chăm sóc sức khoẻ.
"Bản thân tôi rất xúc động và cảm kích trước tấm lòng lương y như từ mẫu của các bác sĩ ở quê nhà. Đó cũng là lý do khiến tôi muốn đưa mẹ về bằng mọi cách, vì tôi tin tưởng tuyệt đối vào nền y học của Việt Nam. Hiện nay, mẹ tôi đã khỏe lại, có thể ăn uống. Cảm ơn sự giúp đỡ của các bác sĩ", anh Ngọc Sơn – con trai bà chia sẻ. Theo anh Sơn, khi về đến Việt Nam và gặp các con bà cảm thấy khỏe và vui tươi hơn nhiều. Đặc biệt, với sự chăm sóc tận tâm của các bác sĩ nơi “chôn rau cắt rốn” khiến bà hạnh phúc và cảm động. Bà đã dần ăn uống được và có thể đứng dậy trò chuyện, cười đùa…
Những ngày cách ly đáng nhớ
Minh Khuê hiện là du học sinh theo học tại Đại học Ottawa. Trong chuyến hành trình trở về nước ngày 15/6 của Vietnam Airlines từ sân bay quốc tế Toronto Pearson, Khuê may mắn có tên trong danh sách 343 công dân được xét ưu tiên. Em chia sẻ, chỉ vài trăm trong số 21.000 du học sinh được trở về nhà trên 2 chuyến bay “giải cứu” công dân Canada về nước vừa qua. Sau khi hạ cánh, Khuê cùng 342 công dân khác được cách ly tại Tiểu đoàn 15, Trường Sỹ quan Lục Quân 1, Thạch Thất, Hà Nội. Tại đây, được chứng kiến tình cảm và những việc làm tận tụy mà các chiến sĩ bộ đội dành cho công dân Việt Nam, được các y, bác sĩ tận tình chăm sóc, Minh Khuê thực sự cảm thấy xúc động. Em chia sẻ, hai tuần cách ly sẽ là những ngày rất đáng nhớ đối với không chỉ riêng em.
|
Minh Khuê xúc động gửi lời cảm ơn tới Nhà nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Canada và đội ngũ các y, bác sĩ, bộ đội tại khu cách ly tại Tiểu đoàn 15, Trường Sỹ Quan Lục Quân 1, Thạch Thất, Hà Nội. (Video: NVCC) |
Nói về những ngày cách ly tại Trung đoàn Pháo Binh 58, chị Bích Liên xúc động kể lại: “Để có chỗ cho bà con ăn ở trong doanh trại 14 ngày, các chiến sĩ đã phải chuyển sang một vài nơi tạm bợ khác. Còn lại khoảng 110 người là lực lượng phục vụ các nhu cầu hằng ngày cho bà con và được chia thành nhiều bộ phận bao gồm cả bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan với nhiệm vụ cụ thể: chăm sóc y tế, nấu ăn, quản lý các dãy, gác cửa, thu gom rác, khử khuẩn... Nhiều đồng chí có khi phải làm việc liên tục đến 2 tháng mới được về nhà. Thế mới biết sự hy sinh trách nhiệm của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây không thể nói hết thành lời được”.
Trung tá Bùi Quang Hiệp - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Pháo binh 58 xúc động kể với chúng tôi về lá thư được bà Trần Thị Bình - bà ngoại em Bùi Nhật Hà - du học sinh từ Anh trở về nước gửi cho Ban Chỉ huy và các chiến sĩ bộ đội nơi đây. Bức thư tuy dung dị nhưng là tình cảm chân thành của thân nhân người được cách ly đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch.
|
Thư cảm ơn được bà Trần Thị Bình gửi cho Trung đoàn Pháo binh 58, Hòa Thạch, Quốc Oai, Hà Nội. (Ảnh: NVCC) |
Khu cách ly tập trung Ký túc xá Đại học Quốc gia tại quận Thủ Đức là nơi có số lượng người được cách ly tập trung đông nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian qua, cùng với các lực lượng khác, hàng trăm nhân viên y tế tại đây đã làm việc tận tâm giúp hàng nghìn người hoàn thành việc cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nhiệm vụ của đội ngũ y, bác sĩ tại đây sẽ đi kiểm tra, đo thân nhiệt, hỏi thăm sức khỏe của các công dân cách ly 2 lần/ngày. Sáng, trưa, tối thì cùng dân quân đi từng phòng đánh thức, phát cơm cho người cách ly. Nếu ai có vấn đề về sức khỏe như đau đầu, đau bụng, đứt tay… thì các nhân viên y tế đều phải chạy đi xử lý ngay. Mỗi ngày sau khi phát cơm xong cho gần 500 người thì bữa ăn của các y, bác sĩ trong khu cách ly mới bắt đầu. Nhiều khi kết thúc xong công việc một ngày, họ chợt nhớ ra bữa cơm vẫn chưa kịp ăn, đôi chân đi lại cả ngày đã ê mỏi tự lúc nào.
Trong khi đó, để bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực cách ly tập trung, tránh tình trạng có thể làm lây lan dịch bệnh, lực lượng công an các huyện, thị xã, thành phố và công an các xã, phường, thị trấn có điểm cách ly tập trung đã ứng trực 100% quân số, thay phiên nhau 24/24 giờ trong ngày. Đồng thời lập chốt kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện có thể đi qua khu vực cách ly, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, vận động quần chúng nhân dân không hoang mang, lo lắng trước tình hình dịch bệnh hiện nay. Tại các điểm cách ly tập trung, lực lượng nghiệp vụ công an cũng đã tiến hành rà soát, sàng lọc, nắm chắc đối tượng, không để các đối tượng cơ hội trà trộn để thực hiện hành vi phạm tội.
Khi liên hệ với những công dân Việt Nam tại các khu cách ly sau khi trở về nước, điều mà chúng tôi nhận thấy rõ nhất là sự cảm phục, lòng yêu mến của họ đối với các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. Họ cảm nhận và chia sẻ với những vất vả, hy sinh thầm lặng của các y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an, tình nguyên viên,... Bởi đó là những lực lượng góp phần không nhỏ vào thành công ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay.
Mỗi ngày lại có thêm những chuyến bay chở công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước an toàn. Đó là những chuyến bay đặc biệt, không chỉ bởi quy trình khác với thông thường, mà còn bởi ý nghĩa nhân văn cao đẹp trong mỗi hành trình bay, giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên thế giới./.
Bài 3: Qua cơn hoạn nạn càng thêm yêu Tổ quốc