Đẩy mạnh công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

Thứ ba, 24/11/2020 17:22
(ĐCSVN) – Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-Ct/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Kiều bào ta ngày càng lớn mạnh và ngày càng gắn kết chặt chẽ với quê hương.

Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) ngày càng lớn mạnh, gia tăng về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2015, đến nay cộng đồng NVNONN có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển.

Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao. Đại bộ phận bà con đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội, có tiềm lực đáng kể về trình độ khoa học, kỹ thuật.

Trao tặng tiền quyên góp của cộng đồng NVNONN ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt vừa qua. (Ảnh: Khánh Linh)

Tinh thần một lòng hướng về Tổ quốc

Cùng với sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cộng đồng NVNONN ngày càng gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cũng cho thấy, tính đến tháng 10/2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Trong 5 năm gần đây (từ 2015 – 2019), với mức tăng trưởng trung bình 6%/năm, tổng kiều hối đạt hơn 71 tỷ USD, chiếm khoảng 44% tổng kiều hối đạt được trong vòng 26 năm (từ năm 1993 đến hết năm 2019). Riêng năm 2020, Ngân hàng Thế giới dự báo kiều hối về Việt Nam đạt 15,686 tỷ USD, tương đương 5,8% GDP.

Bên cạnh đó, kiều bào cũng luôn đồng hành, hưởng ứng tích cực, tham gia quyên góp, ủng hộ đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai và phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch COVID-19, cộng đồng NVNONN đã quyên góp ủng hộ khoản tiền khoảng 35 tỷ đồng, cùng nhiều vật tư y tế cho công tác phòng chống dịch ở trong nước. Trong đợt lũ lụt ở miền Trung vừa qua, tính đến nay, kiều bào đã quyên góp được khoảng 34 tỷ đồng, cùng nhiều hàng hóa nhằm hỗ trợ đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

 Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi

Phát biểu tại lễ trao tặng tiền quyên góp của cộng đồng NVNONN ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt vừa qua, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi cho biết, mặc dù kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kể cả những địa bàn đặc biệt khó khăn như Campuchia, đã tích cực hỗ trợ, sẻ chia, giúp đồng bào miền Trung bị thiệt hại nặng nề do bão lụt, lở đất. Đây là sự ủng hộ vô cùng thiết thực, quý báu và kịp thời của bà con ta thể hiện tấm lòng, nghĩa tình của kiều bào ta, dù ở xa quê hương nhưng vẫn luôn luôn hướng về quê hương, thể hiện truyền thống tốt đẹp “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam.

Đại diện cho cộng đồng người Việt tại Ba Lan trao khoản tiền quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt vừa qua, chị Nguyễn Việt Triều, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan, chia sẻ đây là tình cảm của bà con người Việt tại Ba Lan gửi về chia sẻ với bà con miền Trung bị thiệt hại do bão lũ. “Hiện nay, như các bạn đã biết, toàn châu Âu đang bùng phát trở lại đại dịch COVID-19 và Ba Lan cũng không ngoại lệ. Tình hình làm ăn của bà con ta ở Ba Lan cũng vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, mặc dù trong điều kiện như vậy, nhưng mỗi khi đất nước gặp khó khăn, đặc biệt như đợt bão lũ vừa rồi, thì bà con luôn đau đáu hướng về quê hương và rất nhiệt tình chia sẻ, ủng hộ, mong giúp đồng bào ta ở trong nước vượt qua khó khăn” – chị Nguyễn Việt Triều cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan, khi miền Trung bị trận lũ lụt đầu tiên, Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã ngay lập tức phát động phong trào hướng về miền Trung, đồng thời thành lập Ban Hỗ trợ miền Trung của cộng đồng. Và mặc dù đang bị hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 nhưng bà con ta tại Ba Lan vẫn tìm mọi cách gửi tiền tới Ban Hỗ trợ để chuyển tiền nhanh nhất về Việt Nam. Và hiện nay, công tác vận động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung vẫn đang tiếp tục được triển khai trong cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.

Có thể thấy rằng đây là những việc làm thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần một lòng hướng về Tổ quốc của mỗi người con xa quê. Kiều bào ở khắp nơi trên thế giới đã và đang là sợi dây kết nối giao thương, kết nối hoạt động giao lưu nhân dân, tạo nguồn kiều hối vững chắc cho Tổ quốc, và khi đất nước gặp khó khăn, kiều bào lại hướng về với mong muốn góp thêm nguồn lực cùng Đảng, Nhà nước và người dân trong nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về Chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam". (Ảnh: Phương Linh)

Tập hợp, kết nối trí thức người Việt đóng góp cho các vấn đề phát triển đất nước

Trong thời gian vừa qua, nhiều sáng kiến tập hợp, kết nối trí thức người Việt tại địa bàn đóng góp cho các vấn đề phát triển đất nước được đề xuất và triển khai. Các tổ chức của trí thức, doanh nhân đóng vai trò rất lớn trong việc kết nối, quy tụ cộng đồng ta ở nước ngoài, đóng vai trò đầu tàu trong hoạt động cộng đồng ở một số địa bàn. Các hội đoàn tiêu biểu như Nhóm Sáng kiến Việt Nam (Mỹ), Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE Global (Pháp), Hiệp hội Doanh nhân NVNONN, Liên hiệp các Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu… đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, gắn liền với bối cảnh và nhu cầu của trong nước.

Tiếp nối thành công của các nhóm trí thức, doanh nhân kiều bào thời gian qua, những năm gần đây, có nhiều hội đoàn mới thành lập, trong đó hầu hết quy tụ các thành phần trẻ (dưới 40 tuổi, thuộc thế hệ kiều bào thứ 2, thứ 3, hoặc du học sinh ở lại), bước đầu có nhiều hoạt động kết nối trong cộng đồng và hướng về đất nước. Xu hướng này phần nào thể hiện vai trò ngày càng lớn của kiều bào trẻ trong sinh hoạt cộng đồng và tiềm năng đóng góp của lực lượng này cho đất nước. Đây là một tín hiệu đáng mừng khi các trí thức, doanh nhân trẻ mặc dù đang cần dành thời gian phấn đấu, xây dựng sự nghiệp ở nước ngoài nhưng vẫn tâm huyết và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều nhà khoa học, doanh nhân, các văn nghệ sỹ, vận động viên kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao...

Từ năm 2015 đến nay, nhiều hội nghị, diễn đàn cũng đã được tổ chức ở trong và ngoài nước như: Diễn đàn Chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, Hội nghị thường niên các nhà kinh tế học Việt Nam VEAM 2017, Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 để đóng góp ý kiến trong việc xây dựng chiến lược của Việt Nam nhằm thích ứng với những chuyển biến của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Phối hợp với Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) tổ chức Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng (2019), Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về Chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam” (2020)…

 Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào. (Ảnh: Khánh Linh)

Tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

Các hội đoàn NVNONN tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, thực sự là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện có hàng nghìn hội đoàn NVNONN trên khắp thế giới, trong đó có khoảng 500 hội đoàn NVNONN thường xuyên liên hệ và có quan hệ chặt chẽ với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Từ thành lập nhỏ lẻ, đến nay, các hội đoàn NVNONN đã phát triển về cả số lượng, thành phần tại nhiều khu vực với hình thức tổ chức, tính chất hoạt động đa dạng, phong phú, cơ cấu tổ chức tiếp tục được kiện toàn, củng cố; đã bắt đầu hình thành tổ chức hội liên khu vực. Nhiều cơ sở tôn giáo của NVNONN được thành lập trong những năm qua và đã duy trì đều đặn các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng.

Thêm vào đó, cộng đồng NVNONN luôn giữ gìn và giáo dục con cháu về những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam. Hầu hết các gia đình NVNONN vẫn giữ nếp sinh hoạt ăn Tết Âm lịch như ở trong nước, có bàn thờ tổ tiên, ông bà, với không gian thờ cúng được bài trí theo phong tục, tập quán Việt Nam, duy trì truyền thống kính trên, nhường dưới, tổ chức các lễ hội truyền thống, nấu và phổ biến các món ăn mang đậm hương vị quê nhà...

Trong những năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa, góp phần khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy truyền thống Việt Nam, mang “hồn văn hóa”, “tiếng quê hương” đến cho NVNONN. Tiêu biểu có chương trình Xuân Quê hương, đoàn nghệ thuật biểu diễn phục vụ cộng đồng nhân dịp Tết Nguyên đán, đoàn kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè Việt Nam…

Ngoài ra, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt từ khi Chỉ thị 45 ra đời, nhiều chính sách, biện pháp đã được ban hành và thực hiện nhằm đẩy mạnh công tác dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Hàng năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào. Đến nay, đã có hơn 300 giáo viên kiều bào được tập huấn về nghiệp vụ sư phạm, trở thành nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng ở sở tại.

Bên cạnh đó, từ năm 2015, Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ sách giáo khoa, học liệu với tổng số hơn 70.000 cuốn sách giáo khoa cấp I, sách Tiếng Việt Vui, Quê Việt, truyện tranh lịch sử và dân gian cho thiếu nhi, cung cấp trang thiết bị giảng dạy, học tập đáp ứng phần nào nguyện vọng của kiều bào ta ở khắp năm châu, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.

Niềm tin của cộng đồng NVNONN đối với sự phát triển của đất nước, niềm tự hào dân tộc trong mỗi kiều bào ngày càng được củng cố và tăng cường. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, thành công của đất nước trong việc khống chế, kiểm soát dịch COVID-19, sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực của ta, sự quan tâm và hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN đã khiến kiều bào càng cảm nhận rõ hơn về sự ưu việt của chế độ, qua đó củng cố mạnh mẽ niềm tin của cộng đồng NVNONN đối với Đảng và Nhà nước.

Có thể thấy rằng sau 5 năm thực hiện, Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-Ct/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã từng bước đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng tạo nên những bước phát triển, đột phá mới trong công tác vận động kiều bào. Công tác về NVNONN đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo cơ sở nền tảng cho giai đoạn tiếp theo./. 

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực