|
Toàn cảnh Tọa đàm "Chính sách pháp luật với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài" |
Chiều 13/1, Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đồng tổ chức Tọa đàm "Chính sách pháp luật với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài" tại Nhà Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu đồng chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và khá toàn diện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế ước đạt 9,513 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021; tăng trưởng GDP đạt 8,02%, là mức cao nhất trong 10 năm qua. Thu ngân sách nhà nước đạt 1,804 triệu tỷ đồng, vượt 27,76% so với dự toán; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đạt 11,2 tỷ USD. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại có nhiều chuyển biến, nhiều mặt được tăng cường; công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,… có nhiều đổi mới, nhiều mặt có đột phá và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của Nhân dân.
Đóng góp vào thành tựu chung của đất nước có công sức, trí tuệ của hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 500.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao, luôn tích cực tham gia “hiến kế” cho lãnh đạo Đảng, nhà nước nhiều vấn đề quan trọng, như nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại và đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế… Năm 2021, tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vào khoảng 12,5 tỷ USD; dự báo tổng lượng kiều hối về Việt Nam có thể tăng trưởng 4,4% trong năm 2022 và từ 3,6 - 4,5% trong năm tiếp theo.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dù sống ở nước ngoài, nhưng trái tim, khối óc và dòng máu “Lạc hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc. Các doanh nhân, trí thức đồng bào ta ở nước ngoài sẵn sàng, khao khát trở về đầu tư làm giàu và xây dựng quê hương, đất nước. Trong những năm qua, công tác người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, quán triệt tinh thần “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”.
|
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo Tọa đàm |
Thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội luôn quan tâm đến đồng bào ta ở nước ngoài; trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, Lãnh đạo Quốc hội đều gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con, đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại; ban hành nhiều chính sách về quốc tịch, xuất nhập cảnh, sở hữu nhà ở, đầu tư, tham gia nghiên cứu khoa học.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Ủy ban Đối ngoại triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài” và tổ chức Tọa đàm về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài, với sự tham dự của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan; từ đó sẽ ghi nhận những ý kiến của đồng bào ta ở nước ngoài về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài; đó là cơ sở để chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài thực sự đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, làm ăn, kinh doanh và đầu tư tại quê hương, góp phần thu hút nguồn lực tri thức và kinh tế của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Tọa đàm. |
Tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 5,3 triệu người tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, đa phần bà con có cuộc sống ổn định, hội nhập và đóng góp tích cực cho xã hội sở tại, có nhiều trí thức và doanh nhân thành đạt. Nhiều người thường xuyên về Việt Nam, tham gia mọi mặt của đời sống xã hội trong nước như: đầu tư, kinh doanh, làm việc, tham gia vào các hoạt động khoa học công nghệ, giáo dục, từ thiện, nhân đạo...
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua luôn được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội quan tâm sâu sắc. Nhiều chủ trương, đường lối về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được thể chế hoá thông qua các chính sách pháp luật trong nhiều lĩnh vực như: quốc tịch, xuất cảnh, nhập cảnh, đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, lao động..., nhằm hỗ trợ, chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời phát huy tinh thần yêu nước và nguồn lực của đồng bào ta ở nước ngoài cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
Triển khai Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và Chương trình hành động của Chính phủ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã triển khai rà soát chính sách pháp luật bằng nhiều phương thức khác nhau như: lấy ý kiến của các cơ quan chức năng trong nước, các Hội đoàn và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về chính sách pháp luật; vận hành chương trình "Khảo sát toàn diện ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài về quy định pháp luật và thủ tục hành chính liên quan" và tổ chức các tọa đàm với kiều bào tại các nước.
Trong năm 2022, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, trong khuôn khổ chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài” đã tổ chức thành công hai cuộc tọa đàm: Tọa đàm về chính sách pháp luật, trọng tâm là quốc tịch với cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc và tọa đàm với cộng đồng người Việt Nam tại 7 nước châu Âu (đại diện là các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Ba Lan, Hungary, Séc). Nhiều ý kiến của bà con đã được các cơ quan chức năng ghi nhận và xem xét, tiếp thu.
Đây là Tọa đàm đầu tiên của năm 2023 về chính sách pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Tọa đàm nhằm lắng nghe các ý kiến và đề xuất của bà con về các vấn đề quan tâm, đặc biệt là những vấn đề mang tính thời sự như: chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở, quốc tịch, căn cước công dân… Đây là những lĩnh vực được nhiều người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm, đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật sửa đổi trình Chính phủ và Quốc hội, nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, giải quyết các vướng mắc và đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của bà con./.
Tin, ảnh: H. Hà