Huỳnh Trí Chánh- nhân vật góp phần làm thay đổi nước Nhật

Thứ năm, 01/03/2012 15:39

Là 1 trong 200 nhân vật làm thay đổi nước Nhật, ở tuổi 72 tuổi, với hơn 50 năm sống và làm việc tại Nhật, đã kết hôn với vợ là người Nhật, song Việt kiều Huỳnh Trí Chánh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

 

 Ông Huỳnh Trí Chánh (Ảnh IT)


Có hơn 50 năm sống và làm việc tại Nhật, đã kết hôn với vợ là người Nhật, song ông Huỳnh Trí Chánh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Ông nói: “Tại sao phải đổi quốc tịch của mình?”

Thoát chết li kỳ

Còn nhớ, sau cơn động đất và sóng thần dữ dội xảy ra tại Nhật vào tháng 3/2011, hơn một ngày sau, bạn bè trong và ngoài nước mới nhận được dòng tin nhắn gửi qua email của ông Huỳnh Trí Chánh: “Tôi đang ở trại tị nạn sau khi xảy ra động đất lớn nhất trong lịch sử động đất Nhật. Huỳnh Trí Chánh chưa chết, được phát cơm và nước uống... Tôi không thể viết nhiều hơn vì hàng trăm người đang sắp hàng chờ đến lượt sử dụng máy tính ở trại tị nạn này”.

Trường hợp thoát chết của ông khá li kỳ. Chiều 11/3/2011, trận động đất xảy ra, ông rời trường cùng với 4 đồng nghiệp là người nước ngoài để về nhà, nơi ông đang trọ để dạy ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa Việt cho đội ngũ chuyên viên làm việc cho các chương trình ODA của Nhật tại Việt Nam, gọi là Trung tâm đào tạo của Tổ chức Hợp tác Quốc tế của Nhật - JICA.

Trên đường đi, vì có kế hoạch mời một số bạn bè đến nhà dùng bữa vào ngày hôm sau, ông Chánh ghé siêu thị để mua thực phẩm nên khi trận động đất xảy ra, ông đã được an toàn. Còn 4 đồng nghiệp của ông, người Scotland, Australia, New Zealand và Thái làm việc tại Nhật đều chết trên đường về nhà.

Hiện tại, có trên 50 chuyên viên người Nhật làm việc cho các dự án ODA tại Việt Nam là học trò của ông từ chương trình đào tạo nói trên.

Ông Chánh nguyên là Chủ tịch Tổng Hội người Việt Nam tại Nhật trong suốt thời gian từ năm 1982-2009. Trước đó, ông là Tổng Thư ký của Tổng hội và được coi như người anh cả trong phong trào phản chiến tại Nhật trước năm 1975.

Đón Xuân Nhâm Thìn vừa qua, Ủy Ban Nhân dân TP HCM đã thay mặt Chính phủ, trao Bằng khen của Thủ tướng cho ông vì đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, củng cố và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết hướng về cội nguồn, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương. Trước đó, năm 2006, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã trao ông bằng khen vì đóng góp đặc biệt cho sự phát triển quan hệ 2 nước.

Ông Chánh từ chối nói những chuyện đã qua, song thực tế, Tổng hội người Việt Nam tại Nhật do ông làm Tổng Thư ký và sau đó là Chủ tịch từ năm 1975 có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển tại quê nhà. Trong Thông báo giải tán Tổng hội vào năm 2009, ông Chánh viết: “Sự ra đời của Tổng hội là do tình hình khách quan lúc bấy giờ đòi hỏi cộng đồng người Việt tại Nhật cần có một tổ chức tập hợp mọi người Việt tại Nhật để cùng chung sức đóng góp...”.

Tiền thân của Tổng hội là “Tổ chức người Việt tại Nhật đấu tranh đấu cho hòa bình thống nhất đất nước” (được thành lập năm 1969 và giải tán năm 1976). Trong thời bình, những thành viên của Tổng hội theo lời kêu gọi xây dựng đất nước đã trở về làm kinh doanh từ rất sớm. Đó là ông bà Tô Bửu Lưỡng - Đào Thị Minh, thành lập Công ty Lotus chuyên xuất khẩu nông sản Việt sang Nhật từ thời Việt Nam còn bị cấm vận. Đó là ông Hồng Lê Thọ, về nước lập Công ty Mỹ phẩm Đại Phú Sỹ từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đó là ông Nguyễn An Trung lập công ty nhập khẩu xe (từ những năm đầu của thập niên 1980) nhằm tìm đường cho Việt Nam thông thương với nước ngoài ngay trong thời gian còn bị cấm vận...

1 trong 200 nhân vật làm thay đổi nước Nhật

Trong cộng đồng Việt kiều Nhật về nước kinh doanh, ông Chánh tuy không làm kinh doanh, song vai trò ngoại giao kinh tế chính trị của ông với Nhật, đặc biệt thời kỳ trước cấm vận, là rất quan trọng. Có lẽ chính vì lẽ đó, ông Chánh, cùng với những vị Thủ tướng nổi tiếng của Nhật cũng như các nhân vật nổi tiếng khắp thế giới, đã được giới thiệu trong quyển “200 nhân vật đã làm thay đổi đất nước Nhật”, xuất bản năm 1993.

Ông Chánh cũng là một Việt kiều Nhật về nước thường xuyên từ sau 1975 để thực hiện các nhiệm vụ không tên. Ông bộc bạch: “Tôi trưởng thành trong “phong trào chống Mỹ” tại Nhật. Đó là lợi thế để tạo niềm tin và làm được việc mình mong muốn để đóng góp cho đất nước trong hoàn cảnh éo le”.

Ông Chánh được đào tạo chuyên ngành Thủy sản hàng hải học tại một đại học công lập ở Tokyo (Nhật Bản). Trước ngày về hưu (năm 2001) và dạy ngôn ngữ học cho JICA, ông có hơn 20 năm giảng dạy tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực