Kiều bào góp sức xây dựng quê hương

Chủ nhật, 01/09/2024 16:48
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Từ khoảng 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016, đến nay đã có hơn 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kiều bào không chỉ khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội sở tại, mà họ còn luôn hướng về Tổ quốc, mong muốn được góp sức xây dựng quê hương.

Trong số hơn 6 triệu kiều bào sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, có khoảng 10% (tương đương 600.000 người) có trình độ đại học trở lên. Đây chính là “nguồn lực mềm” đối với công cuộc phát triển đất nước. Trong các ngày từ 21-24/8 vừa qua, hơn 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có dịp hội ngộ tại Hà Nội tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, mang theo tình cảm và tiếng nói tâm huyết của mình để góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Mỗi người có một công việc, điều kiện khác nhau, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng điều chung nhất ở họ là là tình yêu với nguồn cội và niềm tự hào được mang trong mình dòng máu Việt.

 GS. Nghiêm Đức Long, Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Australia. (Ảnh: VASEA)

GS. Nghiêm Đức Long, Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Australia, Giám đốc Trung tâm Môi trường nước, Đại học Sydney cho rằng: Khoa học công nghệ đã thay đổi thế giới, trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng... Những thay đổi này đã tạo cơ hội cho hệ trẻ Việt Nam cơ hội học tập tại các quốc gia tiên tiến. Nhiều người đã tận dụng tốt những cơ hội này, trở thành công dân toàn cầu, được làm việc trong môi trường hiện đại, có được những cống hiến khoa học cho thế giới.

Tuy nhiên, GS. Nghiêm Đức Long khẳng định: “Có nhiều thứ thay đổi khi sinh sống tại nước ngoài, nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi được. Đó là quê hương, bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, ngoài một cuộc sống ổn định, một công việc tốt để đóng góp cho xã hội, chúng tôi luôn hướng về quê hương Việt Nam, về nguồn cội dân tộc mình”.

Đây chính là lý do thôi thúc các nhà khoa học ở Australia thành lập Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia (viết tắt là VASEA). VASEA được cơ quan quản lý Australia cấp giấy phép hoạt động chính thức từ tháng 5/2023. Được cả hai chính phủ Australia và Việt Nam ủng hộ và hỗ trợ, kể từ khi thành lập, VASEA đã có nhiều dự án đóng góp cho Việt Nam, các thành viên của VASEA đã thực hiện hơn 15 dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, và kết hợp đào tạo với Việt Nam. Điển hình như: Ứng dụng internet vạn vật và cảm biến thông minh để theo dõi chất lượng nước biển ven bờ cho nuôi trồng thủy sản tại vịnh Xuân Đài (Phú Yên), mắt thần theo dõi và hỗ trợ phát triển cây mía đường, cảm biến từ xa để đối phó với lũ lụt...

PGS.TS Trịnh Anh Tuấn tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024. (Ảnh: Kiều Giang)

PGS.TS Trịnh Anh Tuấn, Giám đốc Viện Fintech (Đại học Kinh tế và Quản trị Nhà nước Corvinus, Budapest, Hungary), thành viên Hội đồng Quản trị Học viện Công nghệ và đổi mới sáng tạo châu Âu cho biết: “Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến kiều bào. Tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian tham dự và có bài phát biểu dài dành cho kiều bào, cho thấy sự tâm huyết của Thủ tướng. Chúng tôi rất xúc động và cảm thấy trân trọng vì điều đó".

PGS.TS Trịnh Anh Tuấn là một trong những chuyên gia và là thành viên đặt nền móng cho chương trình đại học công nghệ tài chính của Học viện Bưu chính viễn thông - cũng là chương trình đầu tiên được cấp mã ngành này của Việt Nam. Ông đã có nhiều chia sẻ bổ ích về công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, những ứng dụng trong các dịch vụ tài chính; cách các tổ chức tài chính thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng phản ứng trước sự thâm nhập của công nghệ AI, đồng thời, chỉ ra những thách thức cần khắc phục.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, PGS.TS Trịnh Anh Tuấn dẫn lại lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, ông cho rằng đất nước ta đang ở thời điểm có nhiều thuận lợi để xây dựng và khẳng định vị thế của đất nước. Trong đó, đội ngũ trí thức kiều bào luôn mong muốn và sẵn sàng dành tâm huyết để đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Bà Lê Thương - Hiệu trưởng Trường Việt ngữ Cây tre, Phó Chủ tịch thường trực Hội Phụ nữ Việt Nam vùng Kansai. (Ảnh: Kiều Giang)  

Xúc động khi chia sẻ với phóng viên về tâm tư, tình cảm của người Việt Nam khi sống ở nước ngoài, bà Lê Thương - Hiệu trưởng Trường Việt ngữ Cây tre, Phó Chủ tịch thường trực Hội Phụ nữ Việt Nam vùng Kansai (Nhật Bản) cho biết: “Khi sống xa quê hương, chỉ cần nhìn thấy hình ảnh lá cờ Tổ quốc, hay được nghe âm vang của bài Quốc ca, trong lòng tôi lại rưng rưng xúc động và cảm thấy tự hào. Với Trường Việt ngữ Cây tre, chúng tôi mong muốn qua việc học tiếng Việt, các bạn nhỏ là con em người Việt sẽ không chỉ biết nói và viết ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ mà còn hiểu thêm về văn hóa, lịch sử và truyền thống của đất nước Việt Nam. Học tiếng Việt không chỉ giúp các em phát triển bản thân, mà còn góp phần gắn kết tình thân giữa các thành viên trong gia đình, nâng cao vai trò, vị thế của tiếng Việt ở đất nước sở tại”.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm gây dựng các lớp học tiếng Việt và thấy được sự cấp thiết phải có một môi trường giáo dục chuyên nghiệp hơn tại Nhật Bản, bà Lê Thương đã cùng các cá nhân và tổ chức gây dựng nên Trường Việt ngữ Cây tre. Cơ sở của trường ở trung tâm văn hóa thành phố Higashi-osaka, Osaka, Nhật Bản.

Trường Việt Ngữ Cây Tre là một dự án giáo dục do Hội phụ nữ Việt Nam vùng Kansai phối hợp với Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản thành lập, dưới sự bảo trợ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka.

Hình ảnh tại lễ khai giảng lớp tiếng Việt - Trường Việt ngữ Cây tre năm học 2024 – 2025 tại Osaka, Nhật Bản. (Ảnh: NVCC) 

Dự án được thiết kế nhằm tạo ra một môi trường học tập sinh động và hiệu quả, giúp người học tiếp cận và hiểu sâu về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Các khóa học hoàn toàn miễn phí và không thu học phí dưới sự chỉ dạy của tập thể cán bộ giáo viên , tình nguyện viên có trình độ kinh nghiệm và giàu lòng yêu trẻ.

Trường Việt ngữ Cây tre tập trung vào việc phát triển và nâng cao kỹ năng tiếng Việt cho học viên là thế hệ thứ 2 thứ 3 của người Việt tại Nhật Bản, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam với bạn bè quốc tế./.

Song Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực