Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số

Thứ năm, 30/11/2023 15:56
(ĐCSVN) – Nhằm thực thi tốt hơn nữa với vai trò là thành viên của Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD), Việt Nam cam kết thúc đẩy tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về Công ước trong cả nước nói chung và đặc biệt vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trong thực thi pháp luật, đặc biệt là vai trò giám sát của người dân, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội.
Thứ trưởng Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội làm trưởng đoàn Việt Nam tham dự khóa họp lần thứ 111 của Ủy ban Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) (Ảnh cắt từ màn hình)

Trong hai ngày 29 - 30/11, khóa họp lần thứ 111 của Ủy ban Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) diễn ra tại Geneve, Thụy Sĩ. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội làm trưởng đoàn tham dự khóa họp này.

Trong khuôn khổ chương trình, Ủy ban CERD đối thoại với 6 quốc gia gồm: Bolivia, Bulgari, Đức, Morroco, Nam Phi và Việt Nam. Việc đối thoại giúp cho Ủy ban hiểu rõ hơn về tình hình thực hiện trách nhiệm quyền con người của nhà nước thành viên CERD, từ đó có thêm thông tin, cơ sở để đưa ra khuyến nghị kết luận của Ủy ban. Đây cũng là cơ hội để nhà nước thành viên nhận được tư vấn chuyên môn của các chuyên gia.

Thay mặt đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Y Thông trình bày báo cáo quốc gia định kỳ lần thứ 15 và lần thứ 17 tính từ năm 2013 đến năm 2019 theo hướng dẫn của Ủy ban Công ước CERD. Báo cáo tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng, Chính phủ Việt Nam về các dân tộc thiểu số như đã được ghi rõ trong Điều 5, Hiến pháp năm 2013 hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về chống phân biệt chủng tại Điều 1 Công ước CERD. Đồng thời chia sẻ những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công tác dân tộc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2023.

Thứ trưởng Y Thông cũng khẳng định cam kết của Việt Nam trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước qua những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế và bảo vệ giá trị phổ quát về quyền con người nói chung, và những nỗ lực của Việt Nam trong việc góp phần xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử nói riêng.

Báo cáo nêu rõ: Nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng giữa tất cả các thành viên trong cộng đồng là cốt lõi của hệ thống hiến pháp Việt Nam và cũng được thực hiện thông qua các cải cách lập pháp có liên quan. Nguyên tắc trên được quán triệt trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.

Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc chung sống, trong đó 53 dân tộc thiểu số với số dân hơn 14,119 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Ở Việt Nam, chỉ có các khái niệm phổ biến là “dân tộc thiểu số”, “dân tộc thiểu số rất ít người” được sử dụng để chỉ dân tộc chiếm số ít về dân số so với dân tộc đa số. Tiếng Việt được chọn là ngôn ngữ chung cho cả nước, ngoài ra có khoảng 30 dân tộc có chữ viết riêng như Thái, Chăm, Mông, Khmer... Cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với tiến trình lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tạo nên một quốc gia thống nhất.

Thứ trưởng Y Thông phát biểu tại Khóa họp lần thứ 111 của Ủy ban CERD (Ảnh cắt từ màn hình)

Các dân tộc thiểu số Việt Nam cư trú thành cộng đồng đan xen trên cả nước, không có dân tộc nào tách riêng theo vùng lãnh thổ. Yếu tố đó nói lên sự hòa hợp của các dân tộc đã có từ lâu đời và đã trở thành đặc điểm lịch sử, văn hóa của cộng đồng, là điều kiện thuận lợi để các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Do phần lớn các dân tộc thiểu số Việt Nam cư trú ở các vùng miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nên đồng thời với việc xác định quyền bình đẳng trước pháp luật, nhà nước Việt Nam còn khẳng định ưu tiên hỗ trợ và tăng cường đoàn kết giúp đỡ tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực vươn lên hội nhập với sự phát triển chung.

Từ năm 2013 đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được xây dựng và hoàn thiện tương đối đồng bộ, đáp ứng về cơ bản quyền con người trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong mười năm qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 125 luật trong đó có 352 điều khoản luật trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các dân tộc thiểu số.

Việt Nam khẳng định lập trường kiên quyết phản đối và chống chia rẽ, kích động hận thù giữa các dân tộc, chủng tộc. Những hành vi phân biệt chủng tộc hoặc hỗ trợ các hoạt động gây chia rẽ, kỳ thị và phân biệt chủng tộc đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, trừng trị nghiêm khắc.

Nhằm thực thi tốt hơn nữa với vai trò là thành viên Công ước CERD, Việt Nam cam kết thúc đẩy tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về Công ước trong cả nước nói chung và đặc biệt vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trong thực thi pháp luật, đặc biệt là vai trò giám sát của người dân, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội. Bên cạnh đó, Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế về thực thi Công ước để chia sẻ các kinh nghiệm và các bài học quốc tế trong việc đảm bảo quyền cho người dân tộc thiểu số và người nước ngoài tại Việt Nam, chống mọi hình thức phân biệt đối xử./.

Công ước CERD ra đời năm 1965, là một trong 9 Công ước quốc tế cơ bản nhằm bảo đảm quyền con người, quy định các thành viên phải bảo đảm quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử đối với mọi thành viên bao gồm cả sự khác biệt về chủng tộc. Hiện đã có 181 quốc gia trên thế giới là thành viên của Công ước này. Việt Nam trở thành quốc gia thành viên của Công ước CERD từ năm 1982 và kể từ đó đến nay đã 4 lần bảo vệ báo cáo quốc gia trước Ủy ban Công ước

 

KL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực