Cần có giải pháp phù hợp về chính sách thuế với cơ quan báo chí

Thứ bảy, 09/09/2023 13:23
(ĐCSVN) - Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 19/2023/TT-BTC bãi bỏ Thông tư 150/2010/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với cơ quan báo chí. Quy định bãi bỏ này sẽ khiến các cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới.
Do ảnh hưởng của nền kinh tế chung, doanh thu  từ quảng cáo của các cơ quan báo chí trong mấy năm trở lại đây  sụt giảm nhiều (Ảnh: daidoanket.vn)

Đầu năm 2023, theo thông tin từ Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông) về kết quả khảo sát của đơn vị này với 158 cơ quan báo chí in và điện tử cho thấy, trong 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, tình hình kinh tế - xã hội chung đã bị ảnh hưởng nặng nề về nhiều mặt, không là ngoại lệ, tổng doanh thu của những đơn vị, cơ quan báo chí in và điện tử đều giảm. Trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so năm 2020, từ 2.855 tỷ đồng xuống 1.952 tỷ đồng. Tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh chỉ còn… 170 tỷ đồng.

Thực tế, hầu hết các cơ quan báo chí hiện nay đều là đơn vị sự nghiệp có thu, áp dụng cơ chế tài chính theo quy định chung của Chính phủ, do đó để đảm bảo bình đẳng với các đơn vị sự nghiệp có thu thuộc các lĩnh vực khác, về mặt pháp lý và quan điểm xây dựng luật đều tuân thủ nguyên tắc không xây dựng quy định khác biệt mà thực hiện theo quy định chung của Chính phủ. Tuy nhiên, do tính đặc thù của các cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chính là tuyên truyền đường lối, chính sách pháp luật, là cơ quan chủ trì trong việc xây dựng, đề xuất về chính sách thuê, Bộ Tài chính đã phối hợp các Bộ ngành liên quan và Hội nhà báo Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số cơ chế phù hợp đặc thù của hoạt động báo chí tạo thuận lợi cho hoạt động báo chí và đúng thẩm quyền của Chính phủ.

Trên quan điểm đó, để giải quyết những khó khăn của các cơ quan báo chí – một loại hình doanh nghiệp đặc thù, năm 2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 150/2010/TT-BTC, đây là lần đầu tiên có văn bản hướng dẫn cụ thể về thực hiện thuế đối với cơ quan báo chí gồm: báo in, báo hình, báo nói. Trên cơ sở xem xét cẩn trọng về việc các cơ quan báo chí có thu nhập, hạch toán khác nhau do nguồn tài chính của từng báo có sự khác nhau như: tự chủ kinh phí, tự chủ một phần hay ngân sách nhà nước cấp... việc xây dựng và ban hành nên Thông tư 150/2010/TT-BTC đã gỡ bỏ những vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn cho cơ quan báo chí, nhất là những đơn vị có thu.

Theo đại diện Cục Báo chí, có một thực tế rằng dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, thì vẫn chủ yếu dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90%. Thế nhưng, nguồn thu này giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in. Đại diện cơ quan quản lý báo chí cho rằng nếu chỉ trông chờ và phụ thuộc vào quảng cáo, các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu. Điều này diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng tìm đến các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Google…

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 19/2023/TT-BTC về việc bãi bỏ Thông tư 150/2010/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các cơ quan báo chí, có hiệu lực từ ngày 18/5/2023.

Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, căn cứ quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 1 Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13 thì thuế suất thuế TNDN hiện hành là 20%. Riêng thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo quy định của Luật Báo chí áp dụng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động. Tại Điểm c khoản 2 Điều 2 Thông tư số 150/2010/TT-BTC hướng dẫn về khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại, tuy nhiên Điều 9 Luật Thuế TNDN hiện hành đã bỏ quy định này. Theo đó, các quy định về thuế suất thuế TNDN, khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại tại Thông tư số 150/2010/TT-BTC không còn phù hợp quy định tại Luật Thuế TNDN hiện hành. Các nội dung khác của Thông tư số 150/2010/TT-BTC hiện nay đã được quy định tại Luật số 31/2013/QH13 và Luật số 32/2013/QH13 như điểm a khoản 1, điểm a và c, khoản 2 Điều 2, điểm a khoản 1 Điều 3.

Như vậy, các nội dung quy định về thuế GTGT, thuế TNDN tại Thông tư số 150/2010/TT-BTC không còn được áp dụng trên thực tế mà được áp dụng thống nhất theo pháp luật thuế GTGT, thuế TNDN hiện hành. Trên cơ sở đó, Vụ Chính sách thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 19/2023/TT-BTC bãi bỏ toàn bộ Thông tư số 150/2010/TT-BTC.

Điều đáng nói là Thông tư số 150/2010/TT-BTC vừa mới bãi bỏ khiến cơ quan báo chí đang trong bối cảnh khó khăn lại càng thêm khó khăn.

Đơn cử, theo kế toán của một cơ quan báo chí, trước đây, Thông tư số 150/2010/TT-BTC đã tạo điều kiện cho cơ quan báo chí khi cho phép trường hợp bán báo và quảng cáo không đủ bù đắp chi phí, nên phải tính chung phần thu từ các hoạt động khác như thu tài chính, các chương trình hội thảo, sự kiện. Đặc biệt, Thông tư số 150/2010/TT-BTC cho phép cơ quan báo chí được tính “chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là số tiền lương báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp”.

Nhờ đó mà các cơ quan báo mới đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho cán bộ phóng viên làm việc. Thế nhưng nay, Thông tư số 150/2010/TT-BTC bị bãi bỏ, các cơ quan báo chí chưa biết phải xử lý ra sao? Nếu không được tính chi phí tiền lương thực nhận của cán bộ phóng viên vào chi phí hợp lý hợp lệ thì sẽ rất thiệt thòi cho cơ quan báo chí có tự chủ kinh phí, không hưởng lương từ ngân sách. Trong trường hợp này, thu nhập của người lao động trong cơ quan báo chí sắp tới có nguy cơ sẽ còn giảm mạnh.

Theo phân tích của một chuyên gia tài chính, Bộ Tài chính căn cứ theo luật Thuế GTGT, luật Thuế TNDN sửa đổi bổ sung năm 2013 thì cũng cần sửa đổi bổ sung Thông tư số 150/2010/TT-BTC cho phù hợp chứ không nên bãi bỏ cả toàn bộ thông tư. Cơ quan báo chí không chỉ là cơ quan đặc thù, còn mang tính chính trị xã hội sâu sắc, do đó cần có thông tư hướng dẫn riêng, chứ tính chung như doanh nghiệp thì cần xem xét một cách đầy đủ, rõ ràng để có thể thực hiện. Nếu không, sẽ gây gánh nặng thuế cho cơ quan báo chí. Thí dụ rõ nét là các cơ quan báo chí có hoạt động vừa không chịu thuế GTGT (bán báo) nhưng cũng có hoạt động chịu thuế GTGT như quảng cáo, hoạt động khác.

Mặt khác, Thông tư số 150/2010/TT-BTC quy định “báo tự đảm bảo chi phí hoạt động được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định hình thành từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của báo và tài sản cố định dùng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT”. Do đó, nếu bỏ quy định này thì sẽ bất cập cho các cơ quan báo chí.

Tương tự, Thông tư số 150/2010/TT-BTC cho phép: “Chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của báo là số tiền lương báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp”. Như vậy, cơ quan báo chí lúc thì được xem như hoạt động của một doanh nghiệp, nhưng lúc thì xem là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu. Nếu áp dụng mô hình doanh nghiệp thì toàn bộ chi phí tiền lương của cơ quan báo chí sẽ được đưa vào chi phí hợp lý hợp lệ. Thế nhưng, nếu ở góc độ sự nghiệp có thu thì hệ số lương năng suất, tiền làm đêm… sẽ không được đưa vào chi phí lương trước khi tính thuế TNDN. Điều này dẫn đến thu nhập sau thuế của các đơn vị báo chí tăng và phải nộp thuế TNDN nhiều hơn so các doanh nghiệp khác có doanh thu tương đương.

Vẫn biết, việc Bộ Tài chính bãi bỏ Thông tư số 150/2010/TT-BTC và cho biết các quy định được áp dụng thống nhất theo luật Thuế GTGT, luật Thuế TNDN hiện hành là đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Trong các quy định của 2 luật thuế nêu trên, thì tất cả loại hình doanh nghiệp, tổ chức đều được tính chung tất cả doanh thu trong hoạt động để xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Vì vậy, các báo tất nhiên cũng phải được áp dụng tương tự.

Thí dụ như thu nhập từ quảng cáo, doanh thu tài chính, hội thảo, sự kiện… thì cũng tính chung vào thu nhập và để bù đắp chi phí cho tất cả hoạt động của cơ quan báo. Tương tự, khi đã áp dụng thống nhất theo luật thì mọi chi phí của báo có chứng từ hợp lệ, hợp pháp, bao gồm chi phí lương thực tế trả cho người lao động cũng phải được tính vào chi phí chung trước khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Mặt khác, với một doanh nghiệp hay tổ chức nào tự kinh doanh, tự đảm bảo kinh phí thì các chi phí phải được khấu trừ trước khi nộp thuế. Trong đó, cơ chế lương thưởng, đãi ngộ cho người lao động là do tổ chức tự quyết định và thỏa thuận với người lao động. Với cơ quan báo chí không lấy từ ngân sách để trả lương cho nhân viên thì vấn đề đặt ra là tại sao phải hạn chế chỉ theo ngạch bậc áp dụng cho viên chức nhà nước? Nếu vậy làm sao thu hút được người lao động?

Đây là điều chưa hợp lý!

Nếu cơ quan thuế có định nghĩa báo chí là một loại hình kinh doanh khác biệt thì phải nêu rõ theo quy định, điều luật nào? Nếu không thì báo chí tự chủ về kinh phí hoạt động (không hưởng ngân sách nhà nước) thì sẽ áp dụng theo quy định của luật Thuế GTGT và luật Thuế TNDN hiện hành.

Hơn nữa, thực tế từ ngày 18/5/2023, Thông tư số 150/2010/TT-BTC chính thức bị bãi bỏ thì cần có thông tư khác thay thế, chứ không sẽ gặp lúng túng trong khâu thực hiện. Đó là chưa kể gây ra bất cập đối với công tác thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng đối với báo chí. Lúc này xác định cơ quan báo chí là doanh nghiệp hay sự nghiệp có thu để áp dụng quy định cho chính xác.

Nhận thấy rõ sự bất cập và chia sẻ sự khó khăn với các cơ quan báo chí, mới đây Văn phòng Chính phủ cũng đã có Công văn số 6688 gửi Bộ Tài chính để nghị rà soát lại Thông tư 19 ngày 3/4/2023 bãi bỏ Thông tư 150/2010 hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí, đảm bảo việc điều chỉnh, ban hành phù hợp thực tiễn.

Thiết nghĩ, việc thượng tôn pháp luật là điều cần thiết, cần làm, việc đối xử công bằng trước pháp luật là đương nhiên và tất yếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh đối mặt với vô vàn khó khăn như hiện nay, các cơ quan báo chí – một loại hình tổ chức vừa gánh trên vai vai trò đặc thù vừa phải "bươn chải" lo toan cho cuộc sống, thu nhập của người lao động như các doanh nghiệp thông thường thì nên có và cần có sự ứng xử hợp tình, hợp lý từ phía các cơ quan quan lý nhà nước chuyên ngành. Có như vậy, các cơ quan báo chí và báo chí mới có thể mãi là những chiến sỹ đi đầu trong công tác thông tin tuyên truyền như kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân được./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực