Đau lòng trụ sở bỏ hoang sau sáp nhập

Thứ năm, 07/09/2023 14:05
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, nhiều địa phương đã thực hiện chủ trương sáp nhập xã, huyện để giảm số lượng đơn vị hành chính. Tuy nhiên, sau sáp nhập, hàng loạt trụ sở cơ quan bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn, trong đó có nhiều khu nhà vốn là trụ sở làm việc.

Ngày 24/12/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã trước tình trạng có đến trên 55% ĐVHC cấp xã trên cả nước không bảo đảm tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Thông tin từ Bộ Nội vụ, giai đoạn 2019-2021 cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, 1.056 ĐVHC cấp xã, qua đó giảm được 8 ĐVHC cấp huyện, 561 ĐVHC cấp xã và giảm được 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã. Tinh giản biên chế 361 cán bộ, công chức cấp huyện; 6.657 cán bộ, công chức cấp xã, giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 2.008 tỷ đồng.

 Sau khi chuyển đến ví trí mới, trụ sở cũ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa bỏ hoang.  

Theo Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị, từ năm 2022-2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó, giai đoạn 2023-2025, dự kiến cả nước sẽ sắp xếp khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 đơn vị hành chính cấp xã.

Sau khi thực hiện sáp nhập, tài sản công như trụ sở làm việc, tài sản trên đất… dôi dư ra khá nhiều. Thậm chí nhiều trụ sở, trong đó có cả những trụ sở vừa mới xây xong hoặc sắp xây xong với kinh phí hàng tỷ đến cả trăm tỷ đồng nhưng buộc phải để không, chưa có phương án sử dụng, gây lãng phí lớn.

Đơn cử, đầu năm 2020, các xã Thạch Lâm, Thạch Hương, Thạch Tân của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) sáp nhập thành xã Tân Hương Lâm. Từ đó, trụ sở, trạm xá của xã Thạch Lâm, Thạch Hương bị bỏ hoang, trong đó có hội trường và dãy nhà làm việc trị giá hơn 8 tỷ đồng của xã Thạch Hương vừa hoàn thành.

Hay tại huyện Đức Thọ, một trong những địa phương có nhiều xã sáp nhập nhất nước, từ 28 xã, thị trấn xuống còn 16 xã, thị trấn, hiện có 12 trụ sở xã dư thừa. Trong đó, có nhiều trụ sở xã vừa được đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng…

Theo thống kê, tại Hà Tĩnh, giai đoạn 2019-2020, tỉnh tiến hành sáp nhập và giảm từ 262 xã xuống còn 216 xã. Từ đó có 46 trụ sở xã dôi dư, chưa có phương án sử dụng, nhiều trụ sở vừa được xây, sửa chữa với số tiền hàng tỷ đồng.

Tương tự, Thanh Hóa là địa phương đi đầu cả nước về triển khai sắp xếp, sáp nhập ĐVHC. Giai đoạn 2019 – 2021 tỉnh này đã giảm 76 xã, 1.578 thôn, tổ dân phố của 27 huyện, thị xã và thành phố, nhưng tổng số cơ sở nhà đất dôi dư sau khi sáp nhập là 789 cơ sở. Đáng nói, đa phần những tài sản này còn giá trị lớn, giá trị khấu hao tài sản còn nhiều, có thể sửa chữa cải tạo để sử dụng, thậm chí một số địa bàn công trình còn chưa kịp đưa vào sử dụng.

Trong đợt giám sát về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Thủ Đức, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ rất xót xa khi nhiều trụ sở trên địa bàn bị bỏ trống, chưa bố trí thích hợp cho đơn vị khác sử dụng. "Khi sáp nhập, Thành phố Thủ Đức chưa có kế hoạch sử dụng các trụ sở cũ, khiến người dân nhìn vào có suy nghĩ không tốt về hiệu quả vận hành các công sản, gây lãng phí", ông Bình nói.

Điều đáng nói là thực trạng này không chỉ xảy ra ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa, thành phố Hồ Chí Minh mà còn là vấn đề của hầu hết những địa phương có ĐVHC phải sắp xếp lại, không những không được sử dụng mà còn phải mất thêm kinh phí để trông coi.

Từ thực tế giám sát của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã chỉ ra, vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả; việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn chậm, gặp nhiều khó khăn… Trong khi đó trụ sở sau sáp nhập lại không đủ chỗ làm việc, buộc phải đầu tư xây dựng thêm.

Không phủ nhận, các địa phương đã rất quyết tâm và hoàn thành đúng tiến độ về việc sắp xếp ĐVHC thuộc diện phải sáp nhập theo chỉ đạo của Trung ương, nhưng khi đụng đến vấn đề nhạy cảm, khó làm thì lại tỏ ra lo ngại, chùn bước. Điều này cũng đã được Đoàn giám sát chỉ ra. Đó là các địa phương gặp khó khăn trong việc quản lý, xử lý tài sản nhà đất công do không thể phân lô bán đấu giá riêng lẻ hoặc đấu giá tập trung thì người trúng đấu giá không thể sử dụng được tài sản trên đất. Việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng trụ sở của cơ quan gặp nhiều khó khăn do không phù hợp với nhu cầu, chi phí cải tạo, sửa chữa cao...

Đáng chú ý, một số địa phương “ngần ngại” trong thanh lý, bán đấu giá trụ sở do tư tưởng đùn đẩy, né tránh và tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm... nên vẫn còn nhiều trụ sở bỏ không, chưa được đưa vào sử dụng, gây bức xúc cho người dân địa phương. Như vậy, câu chuyện làm sao để quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản nhà đất công của các ĐVHC đang là câu chuyện vô cùng nan giải, chỉ quyết tâm thôi dường như là chưa đủ.

Thực tế, trên phạm vi cả nước, số tiền thu được từ việc khai thác, xử lý tài sản công, thu từ giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất thuộc tài sản công như nhà, đất thường chiếm khoảng 12 - 14% tổng thu ngân sách hằng năm, tương đương gần 200.000 tỷ đồng. Vì vậy, nếu những trụ sở “bỏ hoang” trên phạm vi cả nước nếu đưa vào sử dụng thì cũng mang lại một số tiền không hề nhỏ cho ngân sách.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết, việc sắp xếp, xử lý công sản sau sáp nhập được Chính phủ giao UBND cấp tỉnh hướng dẫn thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương lập phương án và tổ chức xử lý tài sản sau khi sắp xếp lại.

Tuy nhiên, đất đai cũng là lĩnh vực chiếm đến 80% đơn thư khiếu nại, khiếu kiện hằng năm và còn “tồn tại nhiều sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng” như kết luận mới đây của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá. Vì thế, càng không thể để tình trạng hoang hóa, lãng phí công sản sau khi sáp nhập.

Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 771/CĐ-TTg ngày 29-8-2023 về việc rà soát việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 và phương án thực hiện cho giai đoạn 2023-2030.

Công điện nêu rõ: Để khắc phục những tồn tại, hạn chế ở giai đoạn 2019-2021 và tiếp tục thực hiện việc bố trí, sắp xếp trụ sở công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí trong giai đoạn 2023-2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công ở các đơn vị hành chính; kịp thời rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phục vụ sắp xếp lại, xử lý trụ sở; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang trực tiếp quản lý khẩn trương xây dựng phương án sắp xếp, xử lý. Đồng thời, cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương…

Các chuyên gia cho rằng, việc sắp xếp, xử lý tài sản công sau sáp nhập đã được Chính phủ giao UBND cấp tỉnh hướng dẫn thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn. Đây là cơ sở pháp lý để thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện. Giai đoạn sáp nhập 2019-2021 đã qua, do đó, giai đoạn 2022-2025 rất cần phải tổng kết, rút kinh nghiệm để tìm ra các giải pháp hữu hiệu. Nếu khó khăn do cơ chế, chính sách thì có thể xin cơ chế đặc thù hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm tính đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho ĐVHC sau sắp xếp.

Đồng thời, muốn làm được theo yêu cầu của Thủ tướng thì việc quản lý - sử dụng tài sản nhà đất công của các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập cần phải thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng luật, để không xảy ra thất thoát, lãng phí.

Mặt khác, trong quá trình đó phải quy trách nhiệm đối với những địa phương, cá nhân lãng phí của công; làm phân tán, giảm nguồn lực địa phương. Và đặc biệt phải quy trách nhiệm người đứng đầu trong từng khâu thực hiện để tránh tình trạng đùn đẩy, né trách trách nhiệm…/.

Nam Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực