Cẩn trọng khi mua các sản phẩm liên quan đến sức khỏe qua mạng xã hội
Ngày 29/9, Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, vừa bắt giữ 15 đối tượng liên quan đến việc giả danh nhà tu hành bán thuốc nam, quảng cáo về công dụng, khi chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng. Vật chứng thu giữ gồm 42 điện thoại di động, 15 máy tính cá nhân, 11 xe máy, 1 máy tạo viên thuốc, 16 gói thuốc lá cây, cùng nhiều tài liệu khác...
|
"Trụ sở" làm việc của ổ nhóm lừa đảo - Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp |
Cơ quan chức năng cũng thu giữ thêm 41 hộp thuốc chữa xương khớp và dạ dày từ 15 bị hại ở các quận, huyện của Hà Nội và các tỉnh miền Bắc...
Theo lời khai của các đối tượng, đầu năm 2023, Trần Huy Hoàng (sinh năm 2002, hộ khẩu thường trú tại thôn Quang Ngọc, xã Vạn Thắng, Ba Vì) quen biết với Dương Quốc Lập (sinh năm 1998, trú tại huyện Bình Lục, Hà Nam).
Hoàng và Lập nhận thấy nhu cầu mua thuốc nam của người dân tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm do sư thầy T.T.H. sản xuất. Do đó, Hoàng và Lập đã quyết định giả danh thầy tu trên để bán các sản phẩm tự chế, nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.
Để thực hiện kế hoạch, Hoàng thuê một căn nhà tại huyện Ba Vì làm văn phòng làm việc cho cả nhóm, gồm những người không có việc làm ổn định, được Hoàng lôi kéo tham gia. Các đối tượng sử dụng Facebook để quảng cáo, đồng thời giả giọng thầy tu T.T.H. qua điện thoại để lừa khách hàng.
Những loại thuốc mà nhóm đối tượng này bán được chế tạo từ lá và thân nhiều loại cây như cây sung nước, xấu hổ, lá lốt..., nhập với giá thấp nhưng bán ra từ 250.000 - 300.000 đồng/hộp. Bước đầu cơ quan chức năng xác định, nhóm đã giao thành công hơn 1.400 đơn hàng, tổng trị giá khoảng 2,8 tỷ đồng. Nhóm có phân vai cho các đối tượng làm nhiệm vụ quảng cáo, giới thiệu và tư vấn trên mạng xã hội Facebook; thu mua nguyên liệu, giao hàng cho khách; hỗ trợ phân chia thông tin khách hàng, trực tiếp tham gia quảng cáo, bán sản phẩm; nhận sản phẩm, in đơn, đóng gói, gửi hàng qua đơn vị vận chuyển trung gian…
Qua vụ việc trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ba Vì khuyến cáo người dân cần cẩn trọng hơn khi mua các sản phẩm liên quan đến sức khỏe qua mạng xã hội. Khi có nhu cầu, người dân nên đến trực tiếp các cơ sở y tế và nhà thuốc được cấp phép, tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo.
Xuất hiện tình trạng giả mạo văn bản của Sở Y tế trên mạng
Chiều 29/9, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An Huỳnh Minh Phúc xác nhận có tình trạng giả mạo văn bản Sở Y tế tỉnh trên mạng và cho biết đã chuyển vụ việc giả mạo văn bản này cho công an xác minh, làm rõ; đồng thời đề nghị người dân khi phát hiện có đối tượng sử dụng quyết định giả để đến kiểm tra các cơ sở kinh doanh và đề nghị cung cấp các giấy tờ, người dân cần báo ngay cơ quan công an nơi gần nhất hoặc gọi đường dây nóng Sở Y tế tỉnh Long An theo số điện thoại 0967921414.
Trước đó, trên không gian mạng xuất hiện quyết định giả mạo Sở Y tế tỉnh Long với nội dung “Thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh”.
Văn bản giả mạo ghi, Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ: Thông qua công tác kiểm tra để đánh giá việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức triển khai các quy định về việc giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do ngành y tế quản lý trên địa bàn tỉnh; kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế, vấn đề còn bất cập; làm rõ nguyên nhân trách nhiệm cụ thể, kiến nghị biện pháp xử lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm không an toàn.
Hướng dẫn các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm niêm yết công khai Giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở. Trong quá trình hoạt động, đoàn kiểm tra được phép sử dụng con dấu của Thanh tra Sở Y tế để triển khai công việc…
Quyết định giả mạo nêu trên có đóng dấu mộc đỏ, chữ ký và đề tên Huỳnh Minh Phúc, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An. Trong khi đó, ông Huỳnh Minh Phúc hiện giữ chức Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An Huỳnh Minh Phúc khẳng định, quyết định nói trên là giả mạo, người dân cần cảnh giác. Các văn bản của cơ quan Nhà nước đều có ghi ngày, tháng, năm phát hành văn bản. Trong khi đó, các đối tượng cố tình không đưa ngày tháng năm phát hành vào văn bản với mục đích sử dụng lâu dài.
|
Một văn bản giả mạo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông |
*Cùng ngày, Tổ theo dõi, xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng tỉnh Đắk Nông phát hiện một số văn bản giả mạo liên quan đến ngành Y tế.
Theo đó, trên các trang mạng xã hội đang lan truyền một số văn bản do Sở Y tế tỉnh Đắk Nông ban hành về nội dung Đoàn kiểm tra, giám sát sẽ tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Trên văn bản có chữ ký của lãnh đạo Sở Y tế, kèm theo dấu đỏ, logo của ngành y tế. Tuy nhiên, theo kết quả xác minh của Tổ theo dõi, xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng tỉnh Đắk Nông thì việc ban hành với hình thức công văn như vậy là công văn giả mạo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông.
Trước sự việc này, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông đề nghị người dân không hoang mang khi thấy những văn bản như vậy và cần báo ngay với cơ quan chức năng hoặc gọi vào số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để phản ánh sự việc.
Trước đó, ngày 27/9, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng nhận được phản ánh của một quán ăn trên địa bàn thành phố Bảo Lộc về việc, có một số đối tượng tự xưng là người của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng.
Những người này yêu cầu cung cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc lập Đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm kèm theo 2 văn bản của Sở Y tế Lâm Đồng.
Qua kiểm tra và xác minh, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng khẳng định 2 văn bản trên là văn bản giả mạo, không có giá trị pháp lý.
Nepal đóng cửa trường học sau đợt mưa lớn khiến hơn 100 người thiệt mạng
|
Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Kathmandu, Nepal, ngày 28/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 29/9, giới chức Nepal cho biết chính phủ nước này đã chỉ thị đóng cửa tất cả các trường học trong 3 ngày, sau khi lở đất và lũ lụt do mưa lớn kéo dài khiến ít nhất 104 người thiệt mạng và 67 người mất tích.
Lũ lụt đã làm gián đoạn giao thông và ảnh hưởng đến cuộc sống của 4 triệu người dân ở thung lũng Kathmandu. Nhiều trường học bị hư hại do mưa lớn và cần được sửa chữa, ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập. Người phát ngôn của Bộ Giáo dục Nepal Lakshmi Bhattarai cho biết bộ này đã kêu gọi các cơ quan chức năng đóng cửa trường học ở những khu vực bị ảnh hưởng trong 3 ngày.
Theo các chuyên gia, một số khu vực ở thủ đô Kathmandu ghi nhận lượng mưa lên tới 322,2 mm, khiến mực nước sông Bagmati dâng lên 2,2 m, vượt ngưỡng nguy hiểm. Đến sáng 29/9, lượng mưa ở nhiều nơi bắt đầu giảm.
Giới chức Kathmandu cho rằng nguyên nhân gây mưa lớn là do hệ thống áp thấp ở Vịnh Bengal lan rộng ra một số vùng ở quốc gia láng giềng Ấn Độ. Trong khi đó, các nhà khoa học khí hậu cảnh báo tình hình này có thể làm gia tăng rủi ro biến đổi khí hậu ở Nepal.
Mùa mưa năm nay tại Nepal bắt đầu từ ngày 10/6 và sắp kết thúc. Trong giai đoạn này, Nepal ghi nhận lượng mưa cao hơn mức trung bình./.