Bắt tạm giam nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng

Thứ năm, 07/03/2024 20:45
(ĐCSVN) - Bắt tạm giam nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát: Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng; công nhân đường sắt và hàng không tiếp tục đình công tại Đức,…là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 7/3.

Bắt tạm giam nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

 Bị can Phạm Quốc Dân. Ảnh: TTXVN phát

Sáng 7/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Phạm Quốc Dân (sinh năm 1977, nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng) về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng với ông Dân, các ông: Bùi Ngọc Hà (sinh năm 1976, ngụ tỉnh Ninh Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và Xây lắp 579 Hà Nội) và Nguyễn Viết Thành (sinh năm 1984, ngụ thành phố Rạch Giá, nguyên nhân viên Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Triệu Xuân Thịnh) cũng bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo kết quả điều tra, trong quá trình thi công Gói thầu xây dựng số 05, công trình nâng cấp tuyến đường tuần tra quản lý bảo vệ rừng (đoạn từ khu căn cứ Tỉnh ủy đến Kênh 10) của Dự án Bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia U Minh Thượng đến năm 2020 tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng, ba bị can trên đã có hành vi vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại cho gói thầu số tiền trên 8,7 tỷ đồng.

Xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát: Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng

leftcenterrightdel
Bị cáo Trương Mỹ Lan (thứ 2, từ trái sang) tại phiên tòa ngày 7/3. Ảnh: TTXVN

Sáng 7/3, tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra phần thẩm vấn, xét hỏi các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan. Đến 11 giờ 30 phút, Chủ tọa phiên tòa đã thực hiện xong phần xét hỏi đối với 10 bị cáo. Các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng thể hiện.

Đã có 1 người Việt Nam thiệt mạng trên tàu hàng do bị tấn công ở Biển Đỏ

Liên quan vụ tàu hàng True Confidence, treo cờ Barbados, bị tấn công bằng tên lửa ngày 6/3 ở khu vực Biển Đỏ ngoài khơi cảng Aden của Yemen, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Djibouti cho biết đã xác minh thông tin và xác định vụ tấn công khiến 3 người thiệt mạng, gồm 2 người Philippines và 1 người Việt Nam.

 Hình ảnh tàu M/V True Confidence sau khi bị tấn công. Ảnh: Reuters

Trên tàu có thủy thủ đoàn 20 người, gồm 15 người Philippines, 4 người Việt Nam và 1 người Ấn Độ. Toàn bộ thủy thủ đoàn và những người trên tàu đã được Hải quân Ấn Độ đưa đến Djibouti. Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Djibouti đã liên hệ với nhóm thủy thủ người Việt Nam. Hiện sức khỏe của 3 thủy thủ người Việt đều ổn định. Tuy nhiên, họ đã mất hết giấy tờ tùy thân khi tàu bị tấn công.

Đại sứ quán Việt Nam sẽ sớm cử một cán bộ sang Djibouti để hỗ trợ các thủ tục, tiến hành xác minh nhân thân để làm lại hộ chiếu. Đại sứ quán cũng đang phối hợp với Đại sứ quán Philippines tại Ai Cập kiêm nhiệm Djibouti để triển khai công tác hỗ trợ hậu cần và bảo hộ công dân. Dự kiến, sau khi các thủ tục được hoàn thành, 3 thủy thủ Việt Nam cùng với thi thể thủy thủ thiệt mạng sẽ được hỗ trợ đưa về nước bằng đường hàng không qua Saudi Arabia hoặc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trong vài ngày tới

Đức: Công nhân đường sắt và hàng không tiếp tục đình công

 Màn hình hiển thị danh sách các chuyến bay bị hủy tại sân bay Frankfurt, Đức trong bối cảnh diễn ra đình công của các nhân viên hàng không, ngày 20/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Các cuộc đình công của ngành đường sắt và hàng không ủng hộ yêu cầu tăng lương tiếp diễn tại Đức trong ngày 7/3, khiến giao thông nhiều nơi bị gián đoạn, gây khó khăn cho hành khách cần di chuyển.

Công nhân đường sắt bắt đầu cuộc đình công kéo dài 35 giờ đối với các dịch vụ vận tải hàng hóa, bắt đầu từ 17 giờ GMT ngày 6/3 và đối với các dịch vụ hành khách từ 1 giờ GMT sáng 7/3. Khoảng thời gian đình công của ngành đường sắt nhấn mạnh đến yêu cầu then chốt của liên minh công nhân lái tàu GDL là giảm số giờ làm việc trong tuần từ 38 giờ xuống còn 35 giờ/tuần.

Người đứng đầu GDL Claus Weselsky cho biết các cuộc bãi công trong tương lai không còn thông báo trước 48 giờ như trước đây. Trong khi đó, nhà điều hành đường sắt Deutsche Bahn đã chỉ trích các cuộc đình công, cho biết công ty này đã đưa ra các nhượng bộ lên tới mức tăng lương 13%.

Trong một diễn biến khác, nhân viên tại các bộ phận mặt đất của Lufthansa tổ chức một cuộc đình công trên toàn quốc từ 3 giờ GMT ngày 7/3 đến 6h10 giờ GMT ngày 9/3. Nhân viên an ninh tại các sân bay Frankfurt và Hamburg cũng tổ chức đình công một ngày. Đại diện của sân bay Frankfurt cho biết cuộc đình công này gây nhiều gián đoạn và nhiều chuyến bay bị hủy trong ngày. Sân bay sẽ buộc phải đóng cửa đối với mọi dịch vụ bay ngoài nước. Cuộc đình công của Lufthansa gây gián đoạn các dịch vụ của hãng hàng không này tại các sân bay khác. Một cuộc đình công kéo dài một ngày trước đó đã ảnh hưởng đến khoảng 100.000 hành khách, với 80 đến 90% các chuyến bay bị hủy.

Tình trạng bãi công đòi tăng lương đã kéo dài tại Đức trong nhiều tháng qua khi người lao động và lực lượng quản lý đàm phán về các điều khoản quy định lao động trong bối cảnh lạm phát cao và hoạt động kinh doanh yếu kém. Các cuộc đình công trong ngành đã ảnh hưởng đến lĩnh vực vận tải, siêu thị và dịch vụ dân sự…/.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực