Bộ Tài Nguyên-Môi trường chỉ còn duy nhất 1 Tổng cục
Bộ TN-MT chỉ còn duy nhất 1 Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn sau khi 4/5 Tổng cục thuộc Bộ TN-MT sẽ bị xoá bỏ là: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản.
|
Bộ TN-MT xoá bỏ 4/5 Tổng cục, thành lập nhiều đơn vị cấp Cục, Vụ. |
Ngày 22/9, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký ban hành Nghị định 68/2022/NĐ-CP Quy định nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN-MT, thay thế cho Nghị định 36 của Chính phủ năm 2017.
Nghị định 68 này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11 tới.
Theo đó, 4 Tổng cục: Môi trường; Quản lý Đất đai; Biển và Hải đảo Việt Nam; Địa chất và Khoáng sản bị xoá bỏ, chia tách thành các cục, vụ trực thuộc Bộ TN-MT.
Song song với việc xoá bỏ 4 tổng cục, Bộ TN-MT sẽ có nhiều đơn vị cấp cục, vụ mới được thành lập. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được thay bằng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Tổng cục Môi trường được tách ra thành lập 3 đơn vị: Vụ Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản được chia tách thành 2 đơn vị gồm: Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam.
Tổng cục Đất đai được chia tách thành 3 đơn vị: Cục Đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai.
Thực hiện xoá bỏ Tổng cục, chia tách thành các đơn vị mới theo Nghị định 68 này, Bộ TN-MT sẽ còn lại 27 đơn vị cấp Cục, Vụ.
Ngân hàng Nhà nước tăng trần lãi suất huy động
|
Lần đầu tiên sau 2 năm, Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn. |
Ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh loạt lãi suất điều hành, trong đó có trần lãi suất tiền gửi. Các quyết định này có hiệu lực từ 23/9.
Cụ thể, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng thêm 1 điểm phần trăm lên 5% một năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5% một năm.
Với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, trần lãi suất được nâng từ 0,2% lên 0,5% một năm.
Bên cạnh đó, hai loại lãi suất điều hành khác gồm lãi suất tái cấp vốn; tái chiết khấu cũng tăng thêm 1 điểm phần trăm, lên tương ứng 5% một năm và 3,5% một năm.
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng tăng từ 5% lên 6% một năm.
Động thái này diễn ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần thứ 3 liên tiếp nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nhằm hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ. Việc Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành phát ra thông điệp nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại không còn rẻ cũng như hạn chế thanh khoản tiền đồng trên thị trường.
Trong khi tác động của việc tăng lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu là không đáng kể, việc nâng trần lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngân hàng, doanh nghiệp và người dân.
Trần huy động được nâng lên cho phép các nhà băng đang cần vốn trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền. Điều đó cũng đồng nghĩa tăng chi phí đầu vào của giới nhà băng, qua đó, có thể khiến lãi suất đầu ra - tức lãi suất cho vay tăng theo.
Tuy nhiên, dưới chỉ đạo của Thủ tướng, các ngân hàng thương mại phấn đấu tiết giảm chi phí, giảm biên lợi nhuận để giữ nguyên mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Bộ Công an trình phương án đấu giá biển số xe
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, các điểm đấu giá biển số xe ô tô sẽ tập trung ở Bộ Công an và kinh phí thu về sẽ được nộp ngân sách Trung ương 100%.
|
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long. |
Chiều 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị bổ sung dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, việc ban hành nghị quyết này nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong lựa chọn, sử dụng biển số đẹp theo quan niệm; Ngăn chặn hành vi trục lợi, tạo sự bình đẳng, công khai, minh bạch trong cấp, sử dụng biển số ô tô. Đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá biển số xe.
Dự thảo nghị quyết xây dựng 5 chính sách. Trong đó, quy định rõ, biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký. Giá khởi điểm vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM) là 40 triệu đồng; vùng 2 gồm các địa phương còn lại có giá khởi điểm 20 triệu đồng.
Người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác, nhưng không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá, biển số phải được gắn với phương tiện, nếu không sẽ bị thu hồi. Người trúng đấu giá biển được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số.
Tuy nhiên người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết thêm, theo dự kiến ban đầu, Bộ Công an định đấu giá biển số ô tô ở công an tỉnh, nhưng qua nghiên cứu, đánh giá thấy rằng đấu giá như vậy sẽ không đảm bảo, tính thống nhất không cao. Do đó, sau khi tính toán, các điểm đấu giá biển số xe ô tô sẽ tập trung ở Bộ Công an.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho hay, tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật, cơ quan soạn thảo xin rút lại đề nghị phân chia nguồn thu từ đầu giá theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương. Thay vào đó, toàn bộ kinh phí này sẽ được nộp lại ngân sách Trung ương.
Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ, một trong những nguyên tắc xuyên suốt khi xây dựng dự thảo nghị quyết là công dân Việt Nam có quyền đấu giá biển số xe ô tô của bất cứ tỉnh nào trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay với cơ sở dữ liệu công dân, hạ tầng của Bộ Công an có thể thực hiện tốt việc này.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp 4 theo quy trình một kỳ họp.
EU áp thêm trừng phạt lên Nga, NATO cảnh báo về chiến tranh hạt nhân
Tờ The Guardian cho biết, ngoại trưởng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về việc tiếp tục tung gói trừng phạt mới nhằm vào Nga.
|
Ông Josep Borrell. (Ảnh: AP) |
“Tất cả 27 ngoại trưởng các nước thuộc EU đã có mặt ở thành phố New York, Mỹ để tham dự phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Sau khi được người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba thông báo ngắn gọn, các ngoại trưởng đã đạt được nhất trí về việc EU chuẩn bị tung ra gói trừng phạt thứ tám nhằm vào nhiều lĩnh vực có liên quan hơn tới nền kinh tế Nga, cũng như những cá nhân chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột”, lãnh đạo chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói.
Theo ông Borrell, ngoại trưởng các quốc gia thuộc khối EU “sẽ có một cuộc họp chính thức vào giữa tháng sau, khi gói trừng phạt được chính thức hóa”. “Các ngoại trưởng cũng nhất trí về việc tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine. Dù vậy, hiện tôi từ chối cung cấp chi tiết về những lệnh trừng phạt cũng như các hỗ trợ quân sự. Dự kiến, sẽ có một sự ủng hộ ‘mang tính toàn thể’ trong khối EU về các biện pháp mới”, ông Borrell nhấn mạnh.
The Guardian cho hay, những tuyên bố của ông Josep Borrell được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh huy động 300.000 quân dự bị.
Khi được hỏi về việc NATO sẽ làm gì trong trường hợp Nga sử dụng tới các loại vũ khí hạt nhân, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, phản ứng của khối quân sự này “sẽ tùy thuộc vào từng tình huống”. “Cho tới nay, chúng tôi chưa nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào trong lập trường hạt nhân của Nga, nhưng NATO đang theo dõi khá sát sao nếu có những thay đổi”, ông Stoltenberg nói thêm.
Phát biểu của ông Stoltenberg được đưa ra trong bối cảnh ông Putin hôm 21/9 cảnh báo nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa, thì “Moscow sẽ dùng mọi phương tiện sẵn có để bảo vệ người dân”.
Ukraine đưa ra công thức hòa bình, Trung Quốc kêu gọi ngừng bắn
|
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. (Ảnh: CNN) |
Tổng thống Ukraine Zelensky đã có bài phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nêu ra công thức 5 điểm để đạt được hòa bình. Trung Quốc kêu gọi ngừng bắn sau khi Nga huy động thêm quân dự bị.
Theo Guardian, trong ngày 21/9 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu trực tuyến tại kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong bài phát biểu khoảng 5 phút của mình, ông Zelensky kêu gọi cộng đồng quốc tế áp dụng "Công thức 5 điểm" để đảm bảo hòa bình và an ninh tại Ukraine.
Công thức an toàn do Tổng thống Ukraine đưa ra bao gồm các biện pháp: Tăng cường trừng phạt kinh tế và tước quyền phủ quyết; Tăng cường bảo vệ nhân quyền trong các cuộc xung đột; Khôi phục an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine; Tăng cường hỗ trợ đảm bảo an ninh trong khu vực; Quyết tâm ủng hộ Kiev trong nỗ lực chấm dứt xung đột.
Cũng trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Ukraine đã lên tiếng về khả năng tiến hành các cuộc đối thoại hòa bình. "Kiev luôn sẵn sàng thảo luận, nhưng chỉ khi cuộc đối thoại trung thực, công bằng và vì hòa bình", ông Zelensky nói.
Trong khi đó, theo Reuters, ngày 21/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi đàm phán ngừng bắn và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine.
"Bắc Kinh có quan điểm rất rõ ràng và nhất quán, chúng tôi kêu gọi các bên liên quan đạt được thỏa thuận ngừng bắn và chấm dứt xung đột thông qua đàm phán và đối thoại. Trung Quốc luôn sẵn sàng phối hợp với cộng đồng quốc tế để duy trì vai trò tích cực trong các nỗ lực giảm căng thẳng ở Ukraine", ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Động thái của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố sắc lệnh động viên 300.000 quân dự bị để hỗ trợ cho chiến dịch đặc biệt./.