Cần 5.600 tỷ đồng để giảm kẹt xe tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ sáu, 09/08/2019 20:33
(ĐCSVN) - Cần 5.600 tỷ đồng để giảm kẹt xe tại TP. Hồ Chí Minh; di dời 5.000 người dân do nguy cơ vỡ đập thủy điện Đắk Kar; tuyển sinh đại học đợt 1 phân tầng rõ nét; Jakarta sẽ dời Thủ đô tới đảo Borneo; Facebook dự chi hàng triệu USD mua tin tức… là một số tin đáng chú ý ngày hôm nay, 09/8.

5.600 tỷ đồng....

Là số tiền thành phố Hồ Chí Minh cần chi cho 7 dự án giảm kẹt xe cửa ngõ Tân Sơn Nhất từ nay đến năm 2022. 

Giao thông cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn tắc. (Ảnh: Tuấn Kiệt).

Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí ngày 9/8, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, Bộ Giao thông vận tải vừa điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đến năm 2030 sẽ khai thác 50 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện chỉ đáp ứng 25 triệu hành khách/năm đến 2020. Hạ tầng giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất nếu cố gắng khai thác cũng đạt được 40 triệu lượt hành khách/năm, nếu không đầu tư cho hạ tầng, sẽ quá tải.

Ngoài việc xây thêm nhà ga T3 để khai thác từ năm 2022, thành phố cũng đầu tư mở rộng hàng loạt tuyến đường xung quanh như: đường Hoàng Hoa Thám, Tân Kỳ - Tân Quý, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ Cộng hòa đến Phạm Văn Bạch), mở rộng nâng cấp đường Tân Sơn … tổ chức lại giao thông kết nối bên trong sân bay (ga T1, T2, T3).

Di dời 5.000 người dân do nguy cơ vỡ đập thủy điện Đắk Kar

Do thủy điện Đắk Kar có nguy cơ vỡ, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) đã di dời 5.000 người dân ở khu vực hạ lưu 4 xã Đồng Nai, Phước Sơn, Thống Nhất và Đăng Hà đến nơi an toàn.

Các cơ quan chức năng huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) đã di dời 5.000 dân ở khu vực hạ lưu
đến nơi an toàn. 
(Ảnh: Đậu Tất Thành). 

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bù Đăng cho biết hiện sự cố đập thủy điện Đắk Kar vẫn chưa được khắc phục. Tuy nhiên, đêm hôm qua và sáng nay (9/8), lượng mưa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Bình Phước giảm nên nước trên đập đã trở về mức an toàn.

Trước đó, chiều 8/8, mực nước của công trình thủy điện Đắk Kar đang ở cao trình 477m, ứng với dung tích hồ khoảng 14 triệu m3 (cao trình đập 480,5 mét; cao trình mực nước gia cường 478,5 mét), khả năng tháo lũ cửa tràn là 960m3/s. Tuy nhiên do mất điện nên không vận hành được cửa van, kẹt cửa van và chỉ tháo với lưu lượng 70m3/s và công trình đang ở tình trạng khẩn cấp.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cũng có công điện yêu cầu các địa phương và các ban, ngành liên quan chỉ đạo chủ đập và cơ quan chức năng bằng mọi biện pháp hạ thấp mực nước để tránh xảy ra tình huống vỡ đập đột ngột; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ứng cứu khi có tình huống xảy ra; theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ và sự cố đập.

Có sự phân tầng về kết quả rõ nét trong tuyển sinh đại học đợt 1

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng.
(Ảnh: dangcongsan.vn)

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), bên cạnh việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, thì với tỷ lệ 49% đơn vị tuyển sinh có số trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên; 61% số đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu khi kết thúc xét tuyển đợt 1.

Cùng với một số trường tốp dưới còn lấy dưới 15 điểm thì những trường có chính sách chất lượng tốt và có những lợi thế khác đã lấy tới 26-27 điểm.

Các nhóm xét tuyển được mở rộng hơn, có 90 trường phía Nam và 53 trường phía Bắc tham gia, có sự hợp tác “chuyên nghiệp” và hiệu quả, giúp giảm tải hệ thống tuyển sinh chung và các trường trong nhóm ít nhiều cũng có lựa nhau để không vượt chỉ tiêu, làm ảnh hưởng đến nguồn tuyển của các trường khác trong nhóm.

Đáng chú ý, một số trường kỹ thuật có điểm sàn ở tốp cao nhất như ĐH Bách khoa Hà Nội có 7 ngành lấy từ 24 điểm đến 27,42 điểm. Điều đó cho thấy các trường kỹ thuật đầu ngành đã cung cấp chương trình chất lượng, phù hợp với bối cảnh của cuộc CMCN 4.0 và nhu cầu của thị trường.

Nhìn chung, điểm trúng tuyển thấp phản ánh chất lượng đầu vào thấp. Có những trường như khối lâm nghiệp, nông nghiệp, thuỷ lợi… thì ngay cả những trường đầu ngành vẫn buộc phải xác định điểm trúng tuyển thấp hơn mặt bằng chung vì xã hội cho là không hấp dẫn.

Thống kê cho thấy tổng số thí sinh xác nhận nhập học trước xét tuyển chung tăng so với 2018 (2019 là 35.147; năm 2018 khoảng 17.469) do mở rộng các hình thức xét tuyển khác.

Hầu hết các trường xét tuyển trước đều uy tín, thường kết hợp với các điều kiện như giải của tỉnh, thành phố, quốc gia, quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc chứng chỉ SAT, ACT...

Indonesia sẽ dời Thủ đô tới đảo Borneo

Trong bối cảnh một khu vực rộng lớn của Thủ đô Jakarta hiện đang ở dưới mực nước biển và giao thông đông đúc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tái khẳng định việc sẽ dời thủ đô của nước này tới đảo Borneo (hay Kalimantan - theo tiếng Indonesia).

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tái khẳng định việc di dời thủ đô để khắc phục tình trạng
giao thông đông đúc và gần một nửa diện tích Jakarta đang nằm dưới mực nước biển. (Ảnh minh họa: AAP)

Không giống như nhiều khu vực khác của Indonesia, phần lớn đảo Borneo không dễ bị động đất và núi lửa phun trào.

Chính phủ đang gấp rút nghiên cứu kỹ để phù hợp với tầm nhìn quốc gia trong 10, 50, 100 năm nữa. Đó có thể ở Trung, Đông hoặc Nam Kalimantan.

Thành phố Palangkaraya và khu vực gần Balikpapan giàu dầu mỏ đang được xem xét để trở thành địa điểm của thủ đô mới.

Khoảng 40% diện tích Jakarta (đô thị 10 triệu dân) hiện đang ở dưới mực nước biển và sẽ tiếp tục chìm. Chính phủ Indonesia cho biết, những thiệt hại về kinh tế do tắc nghẽn giao thông ở thành phố này ước tính 100 nghìn tỷ rupiah mỗi năm.

Indonesia mong muốn có thể di chuyển tới thủ đô mới vào năm 2024, thời điểm kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Joko Widodo. Hồi đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia Bambang Brodjonegoro cho biết quá trình di chuyển này có thể tốn khoảng 33 tỷ USD. 

Mua tin tức: Facebook dự chi hàng triệu USD

Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters)

Đại diện Facebook cho biết, tập đoàn đang đề nghị chi khoảng 3 triệu USD/năm để mua quyền sử dụng và quyền xem trước nội dung tin tức từ các hãng tin lớn nhằm ra mắt thẻ tin tức mới (news tab) trong năm nay.

Thỏa thuận có thể kéo dài 3 năm. Facebook dự định ra mắt thẻ tin tức vào mùa thu năm nay. Hiện chưa rõ các hãng tin đã đồng ý bán nội dung của mình cho Facebook hay chưa.

Trong khi Facebook đã tiếp cận hãng tin ABC của công ty Walt Disney, Dow Jones (công ty chủ quản Thời báo Phố Wall), The Washington Post và Bloomberg.

Theo công ty nghiên cứu thị trường eMarketer (Mỹ), Facebook và Google cùng nhau chiếm 60% doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Mỹ trong năm 2018.

Các hãng tin có hai lựa chọn: hiển thị bài viết trực tiếp trên Facebook hoặc chỉ bao gồm tiêu đề báo và đoạn xem trước để độc giả truy cập website riêng nếu muốn đọc đầy đủ. Theo tùy chọn thứ hai, thẻ news tab sẽ trở thành một địa chỉ kéo thêm lượng truy cập mới cho các hãng tin.

Lâu nay, nhiều hãng tin đổ lỗi cho Facebook và Google sử dụng miễn phí nội dung của họ. Google cũng từng bị chỉ trích vì không bồi thường cho các hãng tin khi tiêu đề và bản xem trước bài báo xuất hiện trên công cụ tìm kiếm./.

Anh Tuấn (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực