Đến năm 2025, Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine

Thứ sáu, 01/10/2021 20:45
(ĐCSVN) – Đến năm 2025, Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine; Thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 và một số cá nhân; TP Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị 18 để từng bước hồi phục, phát triển kinh tế; Triều Tiên xác nhận thử tên lửa phòng không kiểu mới nhanh hơn, xa hơn và chính xác hơn; Cháy bệnh viện điều trị COVID-19 khiến 9 người thiệt mạng tại Romania,… là một số tin tức trong nước và quốc tế đáng chú ý ngày hôm nay (1/10).

Đến năm 2025, Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine

Vaccine Covivac thành phẩm do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (thuộc Bộ Y tế) đặt tại Khánh Hòa nghiên cứu và sản xuất. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN) 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1654/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030”.

Mục tiêu của Chương trình là nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất vaccine sử dụng cho người (vaccine); nâng cao trình độ, năng lực của các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, sẵn sàng đối phó với dịch mới phát sinh.

Chương trình phấn đấu 100% vaccine trong nước đạt tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cho Chương trình tiêm chủng mở rộng và một số vaccine khác; từng bước đưa vaccine Việt Nam tham gia thị trường quốc tế.

Đến năm 2025, làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 3 loại vaccine; đến năm 2030, làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 5 loại vaccine.

Để đạt được mục tiêu, Chương trình đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm như nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách và rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật thúc đẩy nghiên cứu, thử nghiệm, cấp phép sử dụng vaccine sản xuất trong nước. Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng chính sách riêng đáp ứng yêu cầu linh hoạt trong ứng phó xử lý vaccine đại dịch.

Chương trình đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ truyền thống, ưu tiên công nghệ mRNA, công nghệ protein tái tổ hợp, công nghệ vector virus… phục vụ sản xuất vaccine COVID-19, vaccine ung thư, vaccine phối hợp nhiều thành phần và các vaccine khác đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch.

Thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 và một số cá nhân

 Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, nguyên Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Ảnh: vtc.vn.

Ngày 1/10, tại trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 và một số cá nhân. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nghe đại diện Quân ủy Trung ương phát biểu, Ban Bí thư nhận thấy:

Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, Quy chế làm việc, Quy định của Quân ủy Trung ương, để nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh, Phó Tư lệnh và lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trực thuộc suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc có nhiều vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm thiết bị kỹ thuật, vật tư, hàng hóa; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Đối với một số cá nhân, đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, với cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Cảnh sát biển, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020; chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc; bản thân suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng chí cũng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc khi ký ban hành một số văn bản quan trọng trong công tác trọng yếu; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiệp vụ và pháp luật, để xảy ra việc xử lý một số vi phạm không đúng quy định, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Đồng chí Trung tướng Hoàng Văn Đồng, trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển, chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020; bản thân suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

Đồng chí Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Cảnh sát biển, cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020; bản thân suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

Đồng chí Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, với cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát biển, cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020; bản thân suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng chí cũng chịu trách nhiệm cá nhân trong việc báo cáo kết quả đánh giá năng lực nhà thầu đối với gói thầu mua sắm thiết bị không đúng quy định pháp luật, gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Đồng chí Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, trong thời gian giữ chức Đảng ủy viên, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển (từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 3/2020), bản thân suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; đã vi phạm quy định pháp luật trong phê duyệt một số kế hoạch mua xăng dầu; với trách nhiệm là Chủ tịch Hội đồng mua sắm vật tư, phê duyệt thanh, quyết toán xăng dầu nhưng thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn đến gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.

Đồng chí Thiếu tướng Trần Văn Nam, với cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 (từ tháng 2/2020 đến tháng 8/2020). Trong thời gian giữ chức Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, đồng chí đã ký phê duyệt nhiều kế hoạch và đề nghị thanh toán tiền thuê phương tiện vượt thẩm quyền, không đúng quy định; để các đơn vị trực thuộc vi phạm trong lập hồ sơ thuê phương tiện, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu trên biển, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm; xử lý vi phạm không đúng quy định, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Đồng chí Thiếu tướng Đào Hồng Nghiệp, với cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, đã vi phạm quy định của pháp luật trong việc ký, phê duyệt các văn bản, hợp đồng để đề nghị và được thanh toán chi phí bắt giữ, xử lý vụ việc, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; chịu trách nhiệm trong việc tham mưu cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển xử phạt một số vụ việc vi phạm không đúng quy định pháp luật, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Đồng chí Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, với cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cảnh sát biển, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, đã vi phạm pháp luật trong việc ký các văn bản, hồ sơ để thanh toán chi phí xử lý vụ việc, thuê phương tiện, xăng dầu, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; nhận hối lộ, đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Đồng chí Thiếu tướng Lê Văn Minh, với cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cảnh sát biển, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, đã vi phạm pháp luật trong việc ký, phê duyệt các văn bản, hồ sơ xử lý các vụ việc, thuê phương tiện và đề nghị thanh toán, rút tiền từ ngân sách nhà nước; nhận hối lộ, đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các cá nhân nêu trên là rất nghiêm trọng, một số cán bộ cấp tướng, người đứng đầu đã suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương, làm thất thoát, thiệt hại rất lớn tiền và tài sản của Nhà nước, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng, hình ảnh của Cảnh sát biển và Quân đội nhân dân Việt Nam, gây bức xúc dư luận xã hội, đến mức phải thi hành kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng.

Xét thành tích của tập thể; cống hiến và sự thành khẩn, cầu thị, tự giác nhận, khắc phục vi phạm, khuyết điểm, hậu quả và tự nhận hình thức kỷ luật của mỗi cá nhân. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm theo Quy định của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015 - 2020 bằng hình thức Cảnh cáo; thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với hai đồng chí: Thiếu tướng Lê Xuân Thanh và Thiếu tướng Lê Văn Minh.

Cùng với đó, thi hành kỷ luật bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Thiếu tướng Trần Văn Nam, Thiếu tướng Đào Hồng Nghiệp.

Đồng thời, giao cho Quân ủy Trung ương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ các tổ chức đảng, cá nhân liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

TP Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị 18 để từng bước hồi phục, phát triển kinh tế

 Người dân khi ra đường cần thực hiện khai báo y tế và có "thẻ xanh COVID-19". (Ảnh: Báo Tin tức)
 

Chiều 1/10, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành chỉ thị 18 tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ thị này có hiệu lực từ 18 giờ ngày 30/9.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh cho phép 7 nhóm được hoạt động trở lại, trong đó lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ có 9 mục được hoạt động. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ như quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; hoạt động chợ tự phát, bán hàng rong, vé số dạo.

Chỉ thị 18 của UBND TP Hồ Chí Minh đã đặt ra 3 mục tiêu. Thứ nhất, tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn thành phố; kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở. Thứ hai, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân thành phố. Thứ ba, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.

Đối với người dân được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân trong thành phố, không được đi lại liên tỉnh. Khi tham gia lưu thông, người dân sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng "Y Tế HCM" thể hiện lịch sử tiêm vaccine (đến khi ứng dụng PC-COVID hoạt động). Trường hợp không có mã QR, người dân xuất trình giấy tờ chứng nhận F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; hoặc đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày.

Ngành công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì 12 chốt kiểm soát chính và 39 chốt kiểm soát phụ tại cửa ngõ giáp ranh. Thành phố sẽ thành lập các đoàn/tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên, đột xuất kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo chỉ thị mới, TP Hồ Chí Minh cho phép 8 nhóm hoạt động trở lại như: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, các cơ quan lãnh sự quán, tổ chức quốc tế; các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược và mỹ phẩm, các hoạt động cơ sở tôn giáo, nghệ thuật, đám cưới... Trong đó, có 13 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh tinh thần "không mở cửa ồ ạt" mà làm có lộ trình.

Các cơ quan, đơn vị được hoạt động phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/. Sau đó, các đơn vị phải quét mã QR (trên điện thoại thông minh hoặc in trên giấy) của toàn bộ người đến liên hệ công tác, giao dịch, sử dụng dịch vụ (hoặc ứng dụng PC-COVID).

Đối với vấn đề an sinh xã hội, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai gói hỗ trợ đợt 3; có chính sách hỗ trợ người già neo đơn, trẻ mồ côi do dịch COVID-19; hỗ trợ gạo, huy động mọi người giúp đỡ người khó khăn. Lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch sẽ được hỗ trợ đợt 2.

Đối với công tác xét nghiệm, thực hiện nghiêm theo chiến lược xét nghiệm của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19; chăm sóc và quản lý F0 tại nhà phải đảm bảo 100% quận, huyện và thành phố Thủ đức; thiết lập Trạm y tế lưu động và Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng...

* Chiều 1/10, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến sáng cùng ngày, Thành phố có 389.202 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Hiện số F0 toàn Thành phố đang cách ly điều trị tại nhà là 28.119 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 18.043 người.

Bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện tầng 2 và tầng 3 là 32.885 người. Nhóm bệnh nhân là trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm đang điều trị là 3.423 người. Nhóm phụ nữ mang thai đang điều trị là 261 người. Đến nay, tổng số ca xuất viện cộng dồn là 206.980 người.

Đặc biệt, trong ngày 30/9, số ca bệnh tử vong đã giảm sâu xuống còn 96 trường hợp. Đây là lần đầu tiên trong hơn 1 tháng qua, ca tử vong vì COVID-19 trên địa bàn Thành phố giảm xuống mức 2 con số.

Triều Tiên xác nhận thử tên lửa phòng không kiểu mới nhanh hơn, xa hơn và chính xác hơn

 Triều Tiên thử tên lửa. (Ảnh do KCNA cung cấp ngày 1/10)

Ngày 1/10, Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm loại tên lửa phòng không kiểu mới có khả năng bắn hạ các mục tiêu trên không ở khoảng cách xa hơn, với độ chính xác cao hơn, sớm hơn một ngày so với dự kiến.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, vụ thử nghiệm do Viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên thực hiện nhằm "đánh giá tính năng thực tế của bệ phóng tên lửa, radar, phương tiện chỉ huy chiến đấu toàn diện và hiệu suất chiến đấu của tên lửa”. Viện này đã xác nhận hiệu suất chiến đấu "đáng nể" của tên lửa kiểu mới với tính năng phản ứng nhanh, dẫn đường chính xác, cùng hệ thống điều khiển tên lửa được giới thiệu bao gồm "công nghệ điều khiển hai bánh lái" và "động cơ bay xung kép".

Triều Tiên cũng đã thành công trong việc nâng cao đáng kể hiệu quả tầm bắn của tên lửa này.

Pak Jong-chon, một thành viên của Đoàn chủ tịch Bộ chính trị Đảng Lao động Triều Tiên, đã chỉ đạo vụ phóng tên lửa. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không tham dự sự kiện lần này.

Loại tên lửa mới này được cho là phiên bản nâng cấp của tên lửa đất đối không, lần đầu được ra mắt tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 10/2020.

Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên dường như đang thúc đẩy quá trình hiện đại hóa hệ thống phòng không già cỗi của mình để đối phó tốt hơn với các mối đe dọa từ các loại vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu tàng hình F-35A.

Romania: Cháy bệnh viện điều trị COVID-19 khiến 9 người thiệt mạng

Lực lượng cứu hỏa có mặt tại hiện trường. (Ảnh: TRT World) 

Khoảng 15 giờ ngày 1/10 (giờ Việt Nam), một bệnh viện điều trị COVID-19 tại thành phố Constanta của Romania bất ngờ bốc cháy. Theo giới chức địa phương, đã có ít nhất 9 người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn chưa rõ nguyên nhân này

Ngay sau khi hỏa hoạn xảy ra, lực lượng cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường và dập tắt đám cháy. Những hình ảnh ghi lại vụ hỏa hoạn cho thấy nhiều bệnh nhân ở tầng thấp đã phải nhảy qua cửa sổ để thoát thân, trong khi lực lượng cứu hộ tìm cách đưa nhiều bệnh nhân thoát khỏi bệnh viện.

Quyền Bộ trưởng Y tế Cseke Attila cho biết tại thời điểm xảy ra hỏa hoạn có 113 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có 10 bệnh nhân đang được chữa trị tại phòng chăm sóc đặc biệt.

Lực lượng xử lý tình huống khẩn cấp ngay lập tức đã bố trí phòng điều trị lưu động và đã có 50 bệnh nhân được sơ tán và đưa tới các bệnh viện khác.

Đây là vụ hỏa hoạn thứ 3 xảy ra tại bệnh viện của Romania trong 1 năm qua. Hồi tháng 2, hỏa hoạn tại một bệnh viện chữa trị COVID-19 ở thủ đô Bucharest cũng đã cướp đi sinh mạng của 4 người. Trong khi, vụ hỏa hoạn hồi tháng 11/2020 tại khu vực chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở huyện Piatra Neamt đã khiến 10 người thiệt mạng./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực