Gia Lai triệt phá vụ khai thác gỗ trái phép quy mô lớn tại rừng giáp ranh

Chủ nhật, 10/09/2023 22:10
(ĐCSVN) - Gia Lai triệt phá vụ khai thác gỗ trái phép quy mô lớn tại rừng giáp ranh; Khởi tố, bắt tạm giam Tổng Giám đốc cùng 21 Trưởng ban, Trưởng phòng, “diễn viên” dàn cảnh bán bất động sản “ma”; Động đất tại Morocco: Nhiều khu vực hẻo lánh cứu hộ chưa thể tiếp cận… là một số tin đáng chú ý hôm nay (10/9).
Hiện trường vụ khai thác gỗ trái phép tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam - TTXVN )

Gia Lai triệt phá vụ khai thác gỗ trái phép quy mô lớn tại rừng giáp ranh

Lực lượng chức năng huyện Mang Yang vừa cho biết, tỉnh Gia Lai đã phát hiện và triệt phá một vụ khai thác lâm sản trái phép quy mô lớn tại khu vực rừng sản xuất giáp ranh giữa hai huyện Mang Yang và Ia Pa. Đây là khu vực có địa hình hiểm trở, khó kiểm soát, nên các đối tượng thường lợi dụng để xâm nhập và khai thác gỗ trái phép.

Thông tin từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Kông Chiêng cho biết, vào ngày 19/8/2023, khi Tổ quản lý bảo vệ rừng số 6 của Công ty này đang tuần tra tại xã Kon Chiêng, đã phát hiện tại khoảnh 7 và khoảnh 9 tiểu khu 583 thuộc khu vực rừng sản xuất do Công ty quản lý có dấu hiệu bị khai thác gỗ trái phép. Tại hiện trường, Tổ công tác đã kiểm tra và xác định có 20 cây gỗ bị khai thác; các đối tượng để lại 19 lóng gỗ với khối lượng hơn 5 m3. Công ty đã vận chuyển toàn bộ số gỗ này về Tổ quản lý bảo vệ rừng số 6 để quản lý và xử lý theo quy định của pháp luật. 

Theo Hạt Trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mang Yang Nguyễn Thành Vĩnh, ngay khi tiếp nhận thông tin vụ việc từ đơn vị chủ rừng vào ngày 30/8 vừa qua, đơn vị cũng đã phối hợp với Công an huyện và các ngành chức năng vào trực tiếp hiện trường kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các khu vực. Qua đó, phát hiện 20 gốc chặt và khối lượng tang vật đã được công ty thu giữ là hơn 5 m3 gỗ.”

Chia sẻ về vụ việc, ông Lê Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết: Các khu vực rừng giáp ranh với các các huyện Mang Yang, Ia Pa, Kông Chro và Phú Thiện, luôn là những vùng mà các đối tượng khai thác lâm sản trái phép ở các địa phương lân cận thường xuyên xâm lấn. Đối với vụ việc khai thác gỗ trái phép xảy ra tại lâm phần thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Kông Chiêng quản lý, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với chủ rừng và hai huyện Ia Pa và Phú Thiện để điều tra, làm rõ nguyên nhân, quy mô và đối tượng tham gia vi phạm.

“Quan điểm là sẽ xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm. Qua đó, ra soát và chấn chỉnh công tác quản lý bảo vệ rừng của các chủ rừng, khi tình trạng khai thác lâm sản trái phép vẫn còn diễn ra tại lâm phần được giao phụ trách.” - Chủ tịch UBND huyện Mang Yang nhấn mạnh.

 Đây là vụ khai thác lâm sản trái phép diễn ra phức tạp và quy mô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi của rừng và sự phát triển bền vững của địa phương. 

Đối tượng Nguyễn Văn An (giữa), Tổng Giám đốc Công ty Lộc Phúc bị khởi tố bắt giam. Ảnh Công an Đồng Nai (Ảnh: congan.dongnai.gov.vn) 

Khởi tố, bắt tạm giam Tổng Giám đốc cùng 21 Trưởng ban, Trưởng phòng, “diễn viên” dàn cảnh bán bất động sản “ma”

Cơ quan Công an Đồng Nai quyết định khởi tố, bắt tạm giam Tổng giám đốc Công ty Lộc Phúc, cùng 21 đối tượng là các trưởng ban, trưởng phòng, kế toán, tổ trưởng, “diễn viên” đóng giả khách hàng mua bất động sản .

Ngày 10/9, Công an tỉnh Đồng Nai đã thông tin về vụ Công ty Lộc Phúc, địa chỉ tại số 34 Tiền Giang, Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh lập dự án “ma” trên đất nông nghiệp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản khách hàng.

Theo đó, ngày 9/9, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt 22 bị can tạm giam trong thời hạn 4 tháng để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai chuyển đến.

Những đối tượng bị khởi tố bắt giam là những thành phần chủ chốt của Công ty, gồm: Tổng giám đốc Nguyễn Văn An (27 tuổi), các trưởng ban, trưởng phòng, kế toán, tổ trưởng, “diễn viên” đóng giả khách hàng mua bất động sản (còn gọi là AC hoặc chân gỗ).

Trước đó, sáng ngày 31/8, Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện Trảng Bom bắt quả tang Công ty Lộc Phúc đang mở sàn giao dịch bất động sản "ma" tại một bãi đất trống trên địa bàn xã An Viễn, huyện Trảng Bom để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng. 

Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã khống chế 186 đối tượng liên quan (trong đó có Tổng Giám đốc Công ty, 142 cán bộ công nhân viên, đối tượng được Công ty thuê đóng giả khách hàng; 43 nạn nhân của công ty). 

Đồng thời, khám xét trụ sở Công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh thu giữ nhiều vật chứng liên quan.

Mở rộng điều tra, ngày 7/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ khẩn cấp đối với Huỳnh Hữu Tường (32 tuổi), ngụ tại phường Thảo Điền, quận 2, Tp. Hồ Chí Minh. 

Tường đã điều hành mọi hoạt động Công ty, nhưng để né tránh tránh trách nhiệm và đối phó với cơ quan chức năng, y thuê đối tượng Nguyễn Văn An, làm Tổng Giám đốc Công ty.

Từ ngày Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai, đánh sập sàn giao dịch bất động sản ảo này đến nay, đã có khoảng 60 nạn nhân tố cáo hành vi lừa đảo mua bán bất động sản của Công ty Lộc Phúc, với số tiền giao dịch lên đến trên 70 tỷ đồng. 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ, hành vi phạm tội của từng đối tượng để củng cố hồ sơ xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát sau trận động đất tỉnh Al Haouz, Maroc. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Động đất Morocco: Nhiều khu vực hẻo lánh cứu hộ chưa thể tiếp cận

Theo thông tin mới nhất về trận động đất lịch sử xảy ra tối 8/9 tại Morocco, hiện vẫn còn nhiều khu vực bị ảnh hưởng chưa thể tiếp cận. Trong khi đó, một số đội cứu hộ và hàng viện trợ quốc tế đầu tiên đã đến được khu vực bị ảnh hưởng.

Theo truyền hình Aljazeera, đội cứu hộ của Qatar sáng nay đã có mặt tại khu vực bị ảnh hưởng động đất và lập tức bắt tay tham gia công tác tìm kiếm người bị nạn cũng như hỗ trợ tình huống khẩn cấp. Cùng lúc, một số nguồn tin khu vực cho biết một số đội cứu hộ cứu nạn quốc tế cùng những chuyến hàng cứu trợ nhân đạo đầu tiên đã được chuyển đến các vùng bị ảnh hưởng bởi động đất. Hàng cứu trợ chủ yếu gồm lương thực, thuốc men, lều bạt… cùng một số nhu yếu phẩm khác.

Tuy nhiên, còn rất nhiều khu vực bị ảnh hưởng nằm sâu trong vùng núi hẻo lánh và bị chia cắt vì đất đá lở, vẫn chưa thể tiếp cận được. 

Trước đó, trong suốt đêm qua, nhiều đội cứu hộ với nòng cốt là các binh sỹ, đã làm việc xuyên đêm để tìm kiếm những người còn sống sót. Trong khi đó, hàng nghìn người tiếp tục quyết định không trở về nhà mà ngủ ở ngoài trời đêm thứ hai liên tiếp, vì lo sợ dư chấn của động đất.

Một người dân vùng Taroudant, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cho biết: “Câu hỏi mà rất nhiều người trong chúng tôi đặt ra là sẽ đối mặt với những ngày tới đây như thế nào? Làm sao để có được một nơi ở an toàn trong mùa đông tới đây? Làm sao có thể sớm xây dựng lại được những ngôi làng với những ngôi nhà bị phá hủy gần như 100% như thế này?”

Trao đổi trên truyền hình Aljazeera, Bộ trưởng Tư pháp Morocco Abdellatif Ouahbi cho biết, cùng với nỗ lực tìm kiếm nhanh nhất có thể những người còn sống sót, một trong những ưu tiên hàng đầu của công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả động đất lúc này là bố trí nơi trú ẩn an toàn cho người dân.

Số liệu mới nhất do Bộ Nội vụ Morocco công bố sáng sớm nay (10/9) cho biết, số người chết trong trận động đất lịch sử xảy ra đêm 8/9 với tâm chấn thuộc khu vực gần thành phố Marrakech đã lên đến 2012 người. Số người bị thương là 2059 người. Ngoài ra, còn nhiều người được xác định vẫn đang bị vùi lấp trong các đổng đổ nát./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực