Hà Nội: Xử phạt 12,5 triệu đồng đối với thợ hàn gây cháy nhà số 28 Vũ Trọng Phụng

Thứ bảy, 16/09/2023 21:35
(ĐCSVN) – Hà Nội: Xử phạt 12,5 triệu đồng đối với thợ hàn gây cháy nhà số 28 Vũ Trọng Phụng; Khoảng 200.000 người Việt Nam tử vong mỗi năm vì bệnh tim mạch; Libya: Điều tra sự cố vỡ đập dẫn tới lũ lụt kinh hoàng khiến 39.000 người phải di dời… là một số tin tức trong nước và thế giới đáng chú ý diễn ra ngày 16/9.

Hà Nội: Xử phạt 12,5 triệu đồng đối với thợ hàn gây cháy nhà số 28 Vũ Trọng Phụng;

 Sự cố cháy công trình nhà ở riêng lẻ tại địa chỉ số 28 phố Vũ Trọng Phụng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) - Ảnh: CPV

Ngày 16/9, liên quan đến vụ cháy nhà cao tầng ở phố Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) vào sáng cùng ngày, Công an quận Thanh Xuân đã xác định nguyên nhân vụ hỏa hoạn do thợ hàn cắt mái chống nóng vô ý để vẩy hàn rơi vào phần mút xốp áp dưới mái tôn gây ra cháy.

Về cơ bản sự cố cháy không lớn nhưng do vật liệu cháy tạo thành cột khói đen cao vài chục mét. Căn cứ hành vi vi phạm, UBND phường Thanh Xuân Trung đã phối hợp với Công an quận Thanh Xuân thiết lập hồ sơ báo cáo UBND quận Thanh Xuân xử phạt trường hợp này theo quy định.

Theo đó, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành quyết định số 2682/QĐ- XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy với số tiền 12,5 triệu đồng đối với thợ hàn là ông N.V.P quê quán xã Minh Tân (Phú Xuyên, Hà Nội).

Trước đó, vào khoảng 9 giờ 20 phút ngày 16/9, tại số nhà 28 Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) đã xảy ra cháy lớn. Đây là công trình nhà ở riêng lẻ đang trong quá trình hoàn thiện, chưa có người ở; có quy mô 6 tầng và tầng hầm, tầng lửng, tum.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, UBND phường Thanh Xuân Trung cùng Công an quận Thanh Xuân đã kịp thời có mặt để xử lý sự cố. Đến 9 giờ 30 phút, người dân cùng lực lượng chức năng đã phối hợp khống chế, xử lý được đám cháy; không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản không đáng kể.

Khoảng 200.000 người Việt Nam tử vong mỗi năm vì bệnh tim mạch

 
Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Giám đốc Quỹ Vì sức khỏe Tim mạch Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, tử vong do các bệnh liên quan tới tim mạch hơn cả tử vong do ung thư, hen phế quản và đái tháo đường cộng lại. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.

Thông tin trên được Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Giám đốc Quỹ Vì sức khỏe Tim mạch Việt Nam đưa ra tại Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Tim mạch thế giới năm 2023 (29/9) với chủ đề: "Hiểu về Trái tim mình bằng cả Trái tim" do Hội Tim mạch học Việt Nam kết hợp với Quỹ vì sức khỏe tim mạch Việt Nam tổ chức ngày 16/9.

Theo Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hùng, "đại dịch" các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, trong đó có bệnh lý tim mạch. Trên thế giới, bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế. Mỗi năm, bệnh lý tim mạch bao gồm cả đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu thế giới cướp đi 19,5 triệu sinh mạng (theo báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2022).

Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia cho hay nhiều người vẫn nghĩ bệnh lý tim mạch thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Song trên thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên cao hơn, bệnh tim mạch có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào và tuổi mới bị mắc cũng ngày càng trẻ hóa.

"Người trẻ cho rằng họ không có nguy cơ mắc bệnh nên thường chủ quan và không có biện pháp phòng ngừa hợp lý. Đó là gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình cũng như toàn xã hội. Ai cũng có thể mắc bệnh tim mạch, số lượng người mắc và tử vong tăng, cùng với đó là gánh nặng bệnh tật cũng như chi phí gia tăng… nếu chúng ta không chủ động phòng ngừa," Phó Giáo sư Hùng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia của Viện Tim mạch Quốc gia, các bệnh lý tim mạch chủ yếu có liên quan đến các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm yếu tố về gia đình, chủng tộc, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường… Bên cạnh đó còn là các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống như: lười vận động, thói quen có hại, hút thuốc lá, uống rượu quá mức, chế độ ăn uống không lành mạnh; ô nhiễm môi trường, căng thẳng (stress) và có cả sự thiếu hiểu biết hoặc chủ quan trong tiếp cận phòng-chữa bệnh…

Tại Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Tim mạch thế giới năm 2023 tổ chức ở Thái Bình, Hội Tim mạch học quốc gia Việt Nam phối hợp với Quỹ vì sức khỏe tim mạch Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Sở Y tế Thái Bình, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình tổ chức nhiều hoạt động thực tế tại cộng đồng gồm: Chương trình khám cho 400 người dân về bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường; trao tặng phần quà cho 10 gia đình có công với cách mạng.

Đặc biệt, Chương trình đi bộ cổ động vì sức khỏe trái tim với sự tham gia của khoảng hơn 2000 người nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về các yếu tố nguy cơ tim mạch cũng như khuyến khích người dân tăng cường sức khỏe tim mạch thông qua các hoạt động thể chất.

Libya: Điều tra sự cố vỡ đập dẫn tới lũ lụt kinh hoàng khiến 39.000 người phải di dời

Cảnh ngập lụt sau lũ quét, gây ra bởi bão Daniel, ở thành phố miền Đông Derna, Libya ngày 12/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 16/9, Tổng công tố al-Sediq al-Sour thông báo đã cho mở cuộc điều tra về vụ vỡ hai con đập, dẫn tới lũ lụt kinh hoàng ở thành phố duyên hải Derna, miền Đông Libya.

Bão Daniel mang theo mưa lớn đã gây lũ lụt nghiêm trọng tại miền Đông Libya kể từ cuối tuần trước. Nước lũ lụt đã tràn qua hai con đập này, tạo nên "bức tường nước" cao vài mét, ập vào trung tâm Derna, phá hủy toàn bộ khu vực này và cả những khu vực lân cận.

Theo báo cáo của tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Libya, nước lũ đã cướp đi sinh mạng của hơn 11.000 người, ngoài ra vẫn còn hơn 10.000 người mất tích. Trong khi đó, giới chức miền Đông Libya ngày 15/9 mới chỉ cập nhật con số thiệt mạng là 3.166 người.

Hiện các lực lượng cứu hộ vẫn kiên trì đào xới trong bùn lầy và những đống đổ nát để tìm kiếm thi thể nạn nhân và những người có thể còn sống sót. Trong khi đó, giới chức trách và các nhóm viện trợ đã bày tỏ lo ngại về sự lây lan của các bệnh lây truyền qua đường nước, cũng như tình trạng vận chuyển vật liệu nổ từ các cuộc xung đột gần đây ở Libya.

Theo Tổng công tố al-Sediq al-Sour, các công tố viên sẽ điều tra vụ sập hai con đập bảo vệ thành phố Derna - nơi có 90.000 người sinh sống, cũng như việc phân bổ kinh phí bảo trì hai con đập được xây dựng từ những năm 1970 này. Ông nêu rõ đối tượng điều tra là chính quyền đương nhiệm và tiền nhiệm tại thành phố Derna.

Theo những gì đã diễn ra trong thực tế, giới chức địa phương tại Derna đã cảnh báo người dân về cơn bão sắp đổ bộ và ngày 9/9, họ cũng ra lệnh cho người dân sống tại khu vực duyên hải ở Derna đi sơ tán, do lo ngại nước biển dâng cao. Tuy nhiên, không có cảnh báo về nguy cơ vỡ đập được đưa ra và điều không may này đã xảy đến vào rạng sáng 11/9 khi hầu hết người dân vẫn còn đang trong giấc ngủ.

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ngày 15/9 cho biết đã có hơn 38.640 người ở Đông Bắc Libya phải di dời các khu vực bị lũ lụt nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão Địa Trung Hải Daniel gây ra.

Riêng ở thành phố cảng Derna đã có 2.217 tòa nhà bị phá hủy. Đây là thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất trong trận lũ lụt tồi tệ vừa qua ở quốc gia Bắc Phi này./.

 

PC (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực