Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang

Thứ tư, 16/12/2020 20:48
(ĐCSVN) - Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Bắt nhóm đối tượng tàng trữ 2.000 viên hồng phiến và khoảng 0,5 kg ma túy đá; Đức ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất trong một ngày; Malaysia ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19... là những tin đáng chú ý diễn ra trong ngày 16/12.

Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang

Ông Tất Thành Cang tại kỳ họp HĐND TP HCM ngày 9/12/2019. (Ảnh: VnExpress). 

Chiều 16/12, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can của Công an Thành phố Hồ Chí Minh đối với ông Tất Thành Cang - Phó ban Chỉ đạo công trình lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố, để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, theo điều 219 Bộ luật Hình sự 2015. 

Theo thông tin, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang có liên quan đến một số sai phạm tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và đã được Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh kết luận tại Kết luận số số 33/KL-TTTP-P6.

Cụ thể, Công ty Sadeco có 44% vốn điều lệ thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt là IPC, do UBND Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu 100% vốn điều lệ), sau đó giảm xuống còn 28,8%.

Để tăng vốn điều lệ, tháng 3/2017, nhóm đại diện vốn của Công ty IPC tại Công ty Sadeco đề xuất phương án phát hành 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với giá bán 40.000 đồng/cổ phiếu. Đề xuất này đã được Hội đồng cổ đông Công ty Sadeco biểu quyết thông qua sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng thành viên Công ty IPC.

Kết quả, 9 triệu cổ phiếu được phát hành cho cổ đông chiếc lược là Công ty Nguyễn Kim, khiến tỷ lệ sở hữu của các cổ đông Nhà nước giảm, đáng chú ý là Công ty IPC giảm còn 28,8%, Văn phòng Thành ủy giảm từ 2,6% xuống còn 1,7%. Đến lúc này, Công ty Nguyễn Kim sở hữu 14.235.683 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco là 54,75% vốn điều lệ. 

"Công ty Sadeco chuyển nhượng cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phiếu". Điều này được Thanh tra Thành phố nhận định là có sai phạm. Thiệt hại thấp nhất khi Công ty Sadeco chuyển nhượng 9 triệu cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phiếu sẽ là 153 tỷ đồng. Trong khi đó, đầu năm 2017, giá nhà đất khu Nam thành phố tăng lên rất nhiều, nên giá trị thiệt hại thực tế sẽ lớn hơn.  

Kết luận số 33/KL-TTTP-P6 của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, Công ty IPC với tỷ lệ sở hữu vốn 44%, không cần giảm thêm tỷ lệ sở hữu của Công ty IPC tại Sadeco, đặc biệt là trong bối cảnh Công ty Sadeco đang hoạt động lợi nhuận rất cao. Thế nhưng, trong tờ trình tăng vốn điều lệ và giảm vốn sở hữu của Công ty IPC tại Công ty Sadeco từ 44% xuống còn 28,8%, lãnh đạo Công ty IPC nêu việc Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh truyền đạt ý kiến chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco.

Cụ thể, Sadeco nêu rằng, Văn phòng Thành uỷ có Thông báo số 495-TB/VPTU ngày 18/5/2017 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ (tức ông Tất Thành Cang – PV) chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco.

Tiếp đến tại văn bản số 730/IPC.17 ngày 16/6/2017 của Công ty IPC báo cáo UBND TP.Hồ Chí Minh có nêu “Thường trực Thành uỷ đã chấp nhận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Thông báo số 495-TB/VPTU ngày 18/5/2017”.

Thanh tra thành phố khẳng định: Việc Sadeco cho rằng “Thường trực Thành uỷ đã chấp thuận chủ trương” như văn bản nêu trên là không chính xác vì Thông báo số 495-TB/VPTU ngày 18/5/2017 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ.

Hiện vụ việc đang được Cơ quan điều tra tập trung làm rõ.

 Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 9, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định thi hành kỷ luật cách chức Ủy viên Trung Đảng khóa XII; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Tại kỳ họp 31 từ ngày 12-14/11/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận: Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Bắt nhóm đối tượng tàng trữ 2.000 viên hồng phiến và khoảng 0,5 kg ma túy đá

Nguyễn Quốc Phong tại thời điểm bị bắt giữ - Ảnh: Báo CAND 

Ngày 16/12, Công an thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, đơn vị vừa phá thành công chuyên án mua bán, tàng trữ trái phép một lượng lớn chất ma túy các loại và bắt các đối tượng liên quan.

Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 15/12, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố Huế bắt quả tang Nguyễn Quốc Phong (sinh năm 1985, trú phường Xuân Phú, thành phố Huế) đang có hành vi tàng trữ trái phép 41 gói nilon bên trong chứa tinh thể rắn màu trắng và 176 viên nén tại nhà thuê của Phong trên đường Nguyễn Lộ Trạch, phường Xuân Phú, thành phố Huế.

Bước đầu, Phong khai nhận các gói nilon chứa tinh thể rắn màu trắng là ma túy đá và những viên nén là hồng phiến. Tiếp tục khám xét tại chỗ ở, cơ quan Công an thu giữ thêm 19 gói nilon bên trong chứa tinh thể rắn màu trắng và 1.946 viên nén.

Đồng thời, lực lượng Công an thành phố Huế đã bắt quả tang đồng bọn của Phong là Lê Quang Thương (sinh năm 1990, ở thị xã Hương Thủy) và Trần Quốc Tiến (sinh năm 1995, trú tại huyện Phú Vang) đang tàng trữ trái phép các viên nén. Tổng tang vật thu giữ trong chuyên án là 2.135 viên nén hồng phiến và khoảng 0,5kg ma túy đá.

Công an thành phố Huế đang củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.

Đức ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất trong một ngày

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Memmingen, Đức, ngày 5/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/12, Đức ghi nhận số ca tử vong do mắc COVID-19 cao nhất từ trước tới nay, với 952 người, đúng vào lúc nước này bước vào đợt phong tỏa nghiêm ngặt mới.

Đức là một trong những quốc gia châu Âu được đánh giá là thành công trong việc khống chế sự lây lan của dịch bệnh trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất, song tình hình hiện đã rất khác.

Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 27.728 ca mắc COVID-19, đưa tổng số người nhiễm lên 1.379.238 người. Hiện tổng số người tử vong ở nước này là 23.427.

Do lo ngại tình hình dịch bệnh có thể vượt ngoài tầm kiểm soát, Thủ tướng Đức Angela Merkel và 16 thống đốc bang ngày 13/12 đã quyết định áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, cho đến sớm nhất là ngày 10/1 tới. Cửa hàng và trường học sẽ phải đóng cửa từ ngày 16/12.

Trước đó, tháng 11 vừa qua, Đức đã phong tỏa 1 phần, đóng cửa các quán bar và nhà hàng.

Phát biểu trước quốc hội ngày 15/12, bà Merkel đã bày tỏ quan ngại về tình hình dịch bệnh lây lan, đồng thời cảnh báo tháng 1 và tháng 2 tới sẽ rất khó khăn.

Malaysia ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19

Người dân di chuyển trên đường phố tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN 

Chính phủ Malaysia ngày 16/12 đã ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm ngừng việc tổ chức bầu cử bổ sung, tại hai đơn vị bầu cử, dự kiến diễn ra vào tháng tới. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang phải đối phó với số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 không ngừng tăng cao trong những tháng qua.

Kể từ tháng 9 vừa qua, Malaysia đã ghi nhận số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng cao. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm tại nước này đã vượt 86.000 ca, trong đó có 422 người không qua khỏi.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết Quốc vương nước này đã phê chuẩn đề nghị áp đặt tình trạng khẩn cấp tại đơn vị bầu cử Bugaya ử Sabah trên đảo Borneo và đơn vị bầu cử Gerik thuộc bang Perak. Tháng trước, Chính phủ Malaysia cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại một đơn vị bầu cử thuộc Sabah cũng để ngừng việc tiến hành bầu cử bổ sung như kế hoạch.

PC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực