Khởi tố Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư về tội nhận hối lộ

Thứ sáu, 25/08/2023 21:31
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Khởi tố Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư về tội nhận hối lộ; Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm loạt biệt thự, homestay ‘xẻ thịt’ đất rừng; Vụ tham ô tại CDC Đà Nẵng: Các bị cáo nhận mức án nghiêm minh; Ấn Độ chuẩn bị phóng vệ tinh nghiên cứu Mặt trời... là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (25/8).

Khởi tố Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư về tội nhận hối lộ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư. (Ảnh TTXVN) 

Ngày 25/8, Trung tướng Tô Ân Xô, Người Phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư trong vụ án khai thác cát vượt trữ lượng cấp phép, thu lời bất chính 253 tỷ đồng xảy ra tại Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 (Công ty Trung Hậu 68) và các đơn vị có liên quan.

Mở rộng điều tra, Cơ quan Công an xác định: Trần Anh Thư với cương vị là Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ cho Công ty Trung Hậu 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, nâng trữ lượng, công suất khai thác, bỏ qua những sai phạm trong quá trình khai thác tại mỏ cát Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cá nhân Trần Anh Thư được nhận tiền và lợi ích vật chất từ Lê Quang Bình (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68) với tổng giá trị bước đầu xác định là 1,2 tỷ đồng.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ đã thu thập chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của Trần Anh Thư, ngày 24/8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Cùng ngày 24/8/2023, sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh tố tụng đối với bị can Trần Anh Thư theo đúng quy định pháp luật. Cơ quan Công an đang tập trung điều tra, làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan để mở rộng điều tra, làm rõ bản chất vụ án, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí và 17 bị can khác trong vụ án khai thác cát vượt trữ lượng cấp phép, thu lời bất chính 253 tỷ đồng xảy ra tại Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68. 

Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm loạt biệt thự, homestay ‘xẻ thịt’ đất rừng

 Theo lực lượng kiểm lâm, khu vực hồ Đồng Đò (huyện Sóc Sơn) có nhiều công trình xâm lấn đất rừng. (Ảnh: Quang Phong)

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.

Theo đó, các quận, huyện, sở, ngành thực hiện nghiêm các công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố đối với công tác phòng, chống sạt lở, lũ quét. Đối với các quận, huyện, TP Hà Nội yêu cầu tiếp tục tổ chức rà soát kỹ, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư.

Đối với các khu vực đã phát hiện có dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Về lâu dài, Hà Nội yêu cầu các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch và vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Các cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất, hoạt động xây dựng, nhất là hoạt động xây dựng trái phép gây nguy cơ mất an toàn do sạt lở, lũ quét.

Các quận, huyện chịu trách nhiệm trước thành phố và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của nhân dân.

UBND TP Hà Nội cũng giao Sở NN&PTNT triển khai công tác đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là các khu vực trọng điểm, xung yếu, các khu vực đã xảy ra sự cố trong thời gian gần đây.

Vụ tham ô tại CDC Đà Nẵng: Các bị cáo nhận mức án nghiêm minh

Bị cáo Tôn Thất Thạnh. (Ảnh: Thanhnien.vn)

Ngày 25/8, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC Đà Nẵng).

Sau một ngày xét xử, Tòa đã tuyên phạt Tôn Thất Thạnh (cựu Giám đốc CDC Đà Nẵng) 11 năm tù; Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Trưởng khoa Xét nghiệm) 10 năm tù; Lê Thị Kim Chi (nhân viên Khoa Xét nghiệm) 5 năm tù cùng về tội "Tham ô tài sản", theo Điều 353, Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, từ cuối năm 2020, trong quá trình pha chế, sử dụng các loại hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ công tác xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng, các bị cáo phát hiện dôi dư ra một số lượng nhất định (do nhà sản xuất đóng gói lượng nhiều hơn để bù trừ cho khoản hao hụt khi pha chế). Do vậy, Tôn Thất Thạnh thống nhất với Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Lê Thị Kim Chi báo cáo hạch toán không đúng quy định, trong sổ sách không báo cáo đúng thực tế số lượng sinh phẩm, hóa chất dư ra. Các bị cáo chiếm đoạt số lượng dôi dư nhằm bán lại cho Công ty Việt Á lấy tiền sử dụng cá nhân.

Từ ngày 30/1/2021 đến ngày 6/4/2022, các bị cáo đã chiếm đoạt của CDC Đà Nẵng tổng cộng 31.000 kít tách chiết tự động, hơn 74.500 tube rỗng 1,5 lít, 2.400 kít xét nghiệm PCR COVID-19 nhãn hiệu LightPower, 7.584 kít Standard TM… Tổng giá trị tài sản các bị cáo đã chiếm đoạt là hơn 5,2 tỷ đồng.

Ấn Độ chuẩn bị phóng vệ tinh nghiên cứu Mặt trời

 Ảnh minh họa: The New Indian

Sau khi tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đổ bộ thành công xuống Mặt trăng, Ấn Độ sẽ lập tức thực hiện dự án Aditya-L1 để nghiên cứu Mặt trời, theo báo Hindustan Times.

Tờ báo dẫn lời ông S. Somanath, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), cho biết sứ mệnh này gồm một vệ tinh có khối lượng 400 kg mang theo thiết bị tự hành VELC và dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo tầm thấp, cách Trái đất 800 km.

Được đánh giá là sứ mệnh phức tạp nhất từ trước đến nay của ISRO, Aditya L-1 dự kiến sẽ được khởi động vào tuần đầu tiên của tháng 9 tới.

Aditya L-1 sẽ mang theo 7 thiết bị để nghiên cứu bầu khí quyển của Mặt trời, các cơn bão từ của Mặt trời và tác động của nó đối với môi trường xung quanh Trái đất. 

Đáng chú ý nhất trong đó là kính viễn vọng chụp ảnh tia cực tím Mặt trời (SUIT), có nhiệm vụ thu thập dữ liệu các tia cực tím gần (bước sóng 200-400 nm) phát ra từ Mặt trời. Tiến sĩ Somak Raychaudhary, người tham gia phát triển SUIT, cho biết: "Đây là thiết bị rất độc đáo, được chế tạo hoàn toàn ở Ấn Độ".

Thiết bị thứ hai có tên VELC sẽ nghiên cứu vành nhật hoa, chụp ảnh quang học và ghi lại quang phổ - tức phân tách ánh sáng thành các bước sóng tạo các tia lửa mặt trời và các đám mây plasma khổng lồ.

Năm thiết bị còn lại chịu trách nhiệm thu thập và phân tích tia X và các hạt từ Mặt trời. Nếu sứ mệnh này thành công, ISRO có thể tuyên bố "Mặt trời đã nằm trong túi của họ"./.

Trung Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực