Khởi tố vụ án "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước"

Thứ năm, 16/07/2020 19:37
(ĐCSVN) - Khởi tố vụ án "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" ; Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với Hoàng Sa và Trường Sa; Trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án xảy ra tại Ngân hàng BIDV… là những thông tin đáng chú ý trong ngày hôm nay 16/7.

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với Hoàng Sa và Trường Sa

 Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng

Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều nay (16/7), Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề Biển Đông hiện nay. Trả lời câu hỏi của phóng viên về phát ngôn trên Twitter của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi cũng cho rằng tất cả các quốc gia đều phải có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế".

Trước đó, ngày 14/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đăng một loạt Tweet về Biển Đông và phê phán Mỹ chỉ một ngày sau tuyên bố cứng rắn của Ngoại trưởng Mike Pompeo về Biển Đông.

Trước câu hỏi về phản ứng của Việt Nam với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Biển Đông vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, việc thượng tôn pháp luật quốc tế, tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện mục tiêu nói trên.

"Chúng tôi hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương", Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu.

Phát biểu thêm về vấn đề này, Người phát ngôn cũng cho biết, "Chúng tôi cũng mong rằng các nước sẽ cùng chúng tôi nỗ lực cao nhất để đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế". Việt Nam luôn luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong nỗ lực chung và trong quá trình này, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Liên quan đến câu hỏi tuyên bố của Mỹ về các yêu sách của Trung Quốc dẫn tới sự giận dữ của Bắc Kinh. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới diễn biến hiện tại ở Biển Đông, hòa bình khu vực hay sẽ gây leo thang căng thẳng?, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, duy trì khu vực Biển Đông ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển không những là nguyện vọng mà còn là trách nhiệm chung của các nước ở Biển Đông, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này cần có nỗ lực chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thực thi đầy đủ và có trách nhiệm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

"Việt Nam đã đang và sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm trong nỗ lực chung hướng tới mục tiêu này" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án xảy ra tại Ngân hàng BIDV

Các bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" 

Hôm nay (16/7), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).  Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, được dư luận quan tâm. Việc trả hồ sơ là để các cơ quan tố tụng tiến hành điều tra bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung trong vụ án.

Trước đó, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định mở phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong vụ đại án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) vào ngày 20/7/2020. Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Có 3 kiểm sát viên đại diện cho Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia thực hiện quyền công tố tại phiên tòa. Có tổng số 32 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, bị hại và đương sự tại phiên tòa.

Trong số 12 bị cáo, có 8 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", gồm: Trần Lục Lang (nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV), Đoàn Ánh Sáng (nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV), Kiều Đình Hòa (nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV - Chi nhánh Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV - Chi nhánh Hà Tĩnh), Ngô Duy Chính (nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành), Nguyễn Xuân Giáp (nguyên Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành), Phạm Hồng Quang (nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng 1, BIDV - Chi nhánh Hà Thành), Đặng Thành Nam (nguyên cán bộ quản lý khách hàng BIDV - Chi nhánh Hà Thành).

Bốn bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” gồm: Đoàn Hồng Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng), Trần Anh Quang (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà), Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà), Nguyễn Thị Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Công ty Hà Nam).

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV) đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV - Chi nhánh Hà Tĩnh, Chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà (là công ty "sân sau" của Trần Bắc Hà) và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền đặc biệt lớn là 1.672 tỷ đồng.

Khởi tố vụ án "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước"

 Cơ quan công an khám xét khẩn cấp chỗ ở  của một đối tượng

Liên quan đến việc khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của ba đối tượng về hành vi "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Công an ngày 16/7, cho biết: Cơ quan An ninh điều tra (A09) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" được quy định tại Điều 337, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, ngày 13/7/2020, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc đối với: Nguyễn Anh Ngọc (sinh năm 1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, đang công tác tại Phòng Thư ký biên tập, tổ giúp việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội); Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 1983, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là lái xe của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội); Phạm Quang Dũng (sinh năm 1983, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nguyên cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an.

Minh Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực