Nhận hối lộ, cựu thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai lĩnh 15 năm tù

Thứ hai, 26/08/2024 21:31
(ĐCSVN) - Nhận hối lộ, cựu thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai lĩnh 15 năm tù; Thông tin cá nhân bị đánh cắp tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái; Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga..., là những thông tin đáng chú ý trong ngày 26/8.

Nhận hối lộ, cựu thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai lĩnh 15 năm tù

 Ngày 28/6, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt ông Võ Đình Sớm, cựu thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh 15 năm tù về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 Bị cáo Võ Đình Sớm tại phiên tòa. Ảnh: Quang Thái - TTXVN

Theo cáo trạng, ông Võ Đình Sớm được phân công giải quyết vụ việc tranh chấp đất giữa ông Phan Anh Tuấn (trú tổ 7, phường Yên Thế, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) với Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Trong quá trình giải quyết, ông Sớm đã yêu cầu ông Tuấn phải đưa 1,5 tỉ đồng để xử cho thắng kiện. Ông Sớm đã nhiều lần thúc giục, buộc ông Tuấn phải giao tiền. Khi ông Tuấn không có đủ tiền, ông Sớm yêu cầu đưa trước 500 triệu đồng.

 Sáng 4/8/2023, ông Tuấn mang túi xách màu đen bên trong đựng túi nilon chứa 10 cọc tiền mệnh giá 200.000 đồng và 6 cọc tiền mệnh giá 500.000 đồng, tổng cộng 500 triệu đồng đến phòng làm việc tại Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai để đưa cho ông Sớm. Khi ông Tuấn vừa rời đi, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ập vào thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và lệnh khám xét khẩn cấp nơi làm việc đối với ông Võ Đình Sớm. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 500 triệu đồng. Đây là số tiền ông Sớm đã nhận của ông Tuấn tại phòng làm việc.

 Tại phiên tòa, ông Sớm không thừa nhận hành vi phạm tội. Ông Sớm cho rằng số tiền 1,5 tỉ đồng để hợp tác làm trại chăn nuôi heo. Bản thân ông Sớm không thúc giục, hứa hẹn gì với ông Tuấn về việc giải quyết vụ án tranh chấp đất. Về số tiền 500 triệu đồng bị phát hiện tại phòng làm việc, ông Sớm cho rằng do ông Tuấn lén lút bỏ lại để vu khống, ám hại mình.

 Ông Sớm cũng cho rằng toàn bộ vụ việc là do ông “bị gài, bị vu khống, ám hại”. Tuy nhiên, ông Sớm và các luật sư bào chữa không đưa thêm được chứng cứ mới thuyết phục.

 Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên ông Sớm mức án từ 15 đến 16 năm tù về tội "Nhận hối lộ".

 Căn cứ vào hồ sơ vụ việc, tranh luận tại phiên tòa, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên án 15 năm tù giam đối với ông Sớm.

Thông tin cá nhân bị đánh cắp tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái

Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng thông tin cá nhân bị đánh cắp tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023. Số trang (website) giả mạo tổ chức, doanh nghiệp tăng 4 lần so với cùng kỳ, làm gia tăng số vụ lừa đảo, gian lận tài chính. Thông tin trên được Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố ngày 26/8 tại Báo cáo tình hình an ninh mạng nửa đầu năm 2024.

Báo cáo cung cấp thông tin về tình trạng lọt lộ dữ liệu, các lỗ hổng bảo mật ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt, tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware), tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) được Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security - VCS) xây dựng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, dựa trên dữ liệu từ Hệ thống Tri thức an ninh mạng Viettel (Viettel Threat Intelligence), đã ghi nhận nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin đang gia tăng.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Cụ thể, có tổng cộng 46 vụ lộ lọt dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam. Trong đó, bị lọt lộ nhiều nhất là thông tin khách hàng và thông tin mua bán của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ. Tiếp đến là thông tin xác minh danh tính của khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ điện tử (eKYC), thông tin của nhiều trường đại học, tổ chức giáo dục...

Khoảng 17.000 lỗ hổng mới xuất hiện trên không gian mạng, trong đó, hơn một nửa là lỗ hổng mức độ cao và nghiêm trọng theo Hệ thống chấm điểm lỗ hổng bảo mật phổ biến (CVSS). Trong số này, có 71 lỗ hổng có nguy cơ ảnh hưởng đến các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam (bao gồm lỗ hổng nghiêm trọng trong các giải pháp kết nối mạng nội bộ Ivanti Connect Secure và giải pháp tường lửa PaloAlto Networks PAN-OS).

Từ tháng 1-6/2024, số lượng dữ liệu bị tấn công mã hóa lên đến 3 Terabyte với tổng thiệt hại ước tính hơn 10 triệu USD. Nhiều chiến dịch tấn công nhắm vào các mục tiêu thuộc nhiều lĩnh vực như tài chính, dịch vụ công, công nghệ thông tin, sản xuất. Viettel Threat Intelligence ghi nhận có 56 tổ chức trong các lĩnh vực này bước đầu bị tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) nhưng chưa bị mã hóa dữ liệu. Bên cạnh đó, tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) khoảng 500.000 vụ, tăng 16% so với cùng kỳ 2023.

Công ty An ninh mạng Viettel khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp rà soát các hệ thống dự phòng, đảm bảo dữ liệu dự phòng được tách biệt vật lý và tách biệt logic với các hệ thống chính. Dữ liệu dự phòng phải có khả năng khôi phục khi hệ thống chính gặp sự cố nghiêm trọng.

Tổ chức, doanh nghiệp cũng cần rà soát, siết quyền truy cập và quản trị các máy chủ và hệ thống kiểm soát quyền truy cập; bổ sung cơ chế xác thực đa nhân tố cho các hệ thống và tài khoản trọng yếu; thường xuyên cập nhật bản vá các ứng dụng bề mặt internet. Thêm vào đó, cần chủ động nắm bắt thông tin về các vụ, các xu hướng tấn công mạng bởi việc nắm bắt sớm thông tin đóng vai trò chiến lược, giúp các đơn vị giữ được thế chủ động xử lý và bảo đảm an toàn thông tin.

Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga

Reuters đưa tin Thống đốc khu vực Yaroslavl của Nga Mikhail Yevrayev cho biết một thiết bị bay không người lái của Ukraine đã tấn công nhà máy lọc dầu ở thành phố Yaroslavl vào sáng 26/8.

 Tên lửa bị bắn rơi trên bầu trời Yaroslavl (Nguồn: X)

Yaroslavl nằm ở phía Đông Bắc Moskva, cách thủ đô khoảng 250km. Đây là một trong những cuộc tấn công sâu của Ukraine vào lãnh thổ Nga kể từ khi xung đột bùng phát. Theo Thống đốc Yevrayev, hiện chưa ghi nhận thương vong hay thiệt hại nào sau vụ tấn công.

Trong khi đó, sân bay Gagarin tại tỉnh Saratov, miền Nam nước Nga, buộc phải tạm ngừng hoạt động sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine vào rạng sáng 26/8. Theo thông báo từ ban quản lý sân bay, mọi hoạt động cất và hạ cánh đã bị đình chỉ. Chuyến bay FV-6490 của hãng Rossiya Airlines đến Moskva (sân bay Sheremetyevo) bị hoãn không thời hạn. Hành khách được khuyến cáo theo dõi thông tin cập nhật trên bảng điện tử và trang web chính thức của sân bay. Cuộc tấn công không chỉ nhắm vào sân bay mà còn cả hai thành phố Saratov và Engels trong tỉnh.

Thống đốc Roman Busargin xác nhận mảnh vỡ UAV bị bắn hạ đã rơi trúng khu dân cư ở Saratov và Engels, khiến 4 người bị thương, trong đó có một phụ nữ phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã tiêu diệt 9 UAV trong đêm tại khu vực Saratov./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực