Nhiều nhà máy thủy điện ngừng hoạt động do thiếu nước

Thứ năm, 08/06/2023 20:09
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Nhiều nhà máy thủy điện ngừng hoạt động do thiếu nước; Chính thức tăng phí thi sát hạch lái xe kể từ ngày 1/8; Nhật Bản tố tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải… là một số tin tức trong nước và quốc tế đáng chú ý hôm nay (8/6).

Nhiều nhà máy thủy điện ngừng hoạt động do thiếu nước

  Hồ thủy điện Thác Bà đã xuống dưới mực nước chết. (Ảnh: Minh Dũng)

Ngày 8/6, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết, đảm bảo dòng chảy tối thiểu, và các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về.

Trong đó, 9 hồ thủy điện đã dưới mực nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An. Việc này buộc dừng vận hành các tổ tại 11 nhà máy để đảm bảo vận hành. Đó là các nhà máy: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong.

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết công suất khả dụng của tất cả nguồn ở miền Bắc (gồm điện nhập khẩu) là 17.500 - 17.900 MW, tức khoảng 59,2% công suất lắp đặt.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng khoảng 20.000 MW và có thể lên tới 23.500 - 24.000 MW vào thời điểm nắng nóng. Ước tính, mỗi ngày thiếu 30,9 triệu kWh và ngày cao nhất có thể tới 50,8 triệu kWh.

Theo dự báo tình hình nắng nóng khô hạn vẫn có thể tiếp diễn trong nhiều ngày tới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc sản xuất, huy động nguồn điện từ thủy điện.

Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp cần sử dụng điện tiết kiệm; sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hiệu quả.

Để phân bổ công suất và tiết giảm điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng vừa có văn bản khẩn gửi Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC). Tập đoàn yêu cầu EVNNPC tính toán, phân bổ công suất cho các Công ty Điện lực cấp tỉnh và nguyên tắc điều hoà, tiết giảm điện thực hiện theo quy định tại Thông tư 34.

EVNNPC cũng được lưu ý một số nguyên tắc để tính toán hệ số điều chỉnh khi phân bổ công suất khả dụng cho các công ty điện lực (CTĐL) cấp tỉnh và chỉ đạo các CTĐL cấp tỉnh lập kế hoạch điều hoà, tiết giảm điện.

Chính thức tăng phí thi sát hạch lái xe kể từ ngày 1/8

 Một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 37/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/8/2023.

Theo đó, tổ chức thu phí, lệ phí quy định tại thông tư này gồm Cục Đường bộ Việt Nam và cơ quan quản lý đường bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bên cạnh đó, mức thu phí quy định tại thông tư này, một số khoản phí giữ nguyên và một số khoản được điều chỉnh tăng so với quy định trước đây.

Cụ thể, phí sát hạch lái xe, đối với thi sát hạch lái xe các hạng xe A1, A2, A3, A4 có mức thu từ 60.000 - 70.000 đồng/lần, mức thu cũ là từ 40.000 - 50.000 đồng/lần.

Đối với thi sát hạch lái xe ôtô (hạng xe B1, B2, C, D, E, F): mức thu từ 80.000 đồng/lần đến 350.000 đồng/lần.

Các khoản lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng (phương tiện thi công), lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện giữ nguyên như hiện hành.

Thông tư nêu rõ, mức thu phí sát hạch lái xe quy định tại thông tư này được áp dụng thống nhất trên cả nước (không phân biệt cơ quan thuộc Trung ương quản lý hay cơ quan thuộc địa phương quản lý).

Người dự sát hạch để được cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ phần nào thì nộp phí sát hạch lái xe phần đó (tính theo lần sát hạch: sát hạch lần đầu, sát hạch lại).

Tổ chức thu phí phải nộp 100% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước, nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ, thì được trích để lại 75% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định; nộp 25% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp tại những địa phương còn khó khăn về điều kiện vật chất, chưa xây dựng được trung tâm sát hạch đủ điều kiện vật chất nhưng được Bộ Giao thông Vận tải cho phép sát hạch lái xe tại các trung tâm, bãi sát hạch cũ, tổ chức thu phí được trích để lại 40% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; nộp 60% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Nhật Bản tố tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải

 Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. (Ảnh: NHK)

Theo Bộ Phòng vệ Nhật Bản, vào khoảng 10h sáng 8/6, một tàu của lực lượng Hải quân Trung Quốc đã xâm nhập vào khu vực lãnh hải Nhật Bản từ phía Tây Nam của đảo Yakushima, tỉnh Kagoshima.

Thông tin từ phía Nhật Bản cho biết, vào lúc 13h chiều cùng ngày, tàu này đã rời khu vực thuộc lãnh hải Nhật Bản từ đảo Kuchinoerabu, tỉnh Kagoshima. Trong thời gian này, Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản đã theo dõi chặt chẽ, hiện đang thu thập thông tin để tìm hiểu mục đích của tàu Trung Quốc.

Chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại, đồng thời kháng nghị lên phía Trung Quốc. Đây là lần thứ hai trong năm nay, tàu Hải quân Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản và là lần thứ 11 từ trước đến nay.

Đồng thời trong sáng nay, hai tàu hải cảnh của Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Nhật Bản tại khu vực ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản cũng đã ra cảnh báo về việc này./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực